Những ngày qua, trên các diễn đàn âm nhạc Âu Mỹ sôi sục tranh luận về phần trình diễn của Ariana Grande tại lễ hội âm nhạc lớn nhất thế giới Coachella. Nguồn cơn của sự việc này đến từ một thông tin cho hay, số tiền mà ban tổ chức Coachella phải "cống nạp" cho Ariana Grande là 8 triệu/2 đêm diễn.
Sẽ không có gì đáng nói nếu con số trên không ngang bằng với catse Beyoncé nhận được hồi năm ngoái. Kể từ đây, người ta bắt đầu đưa ra những luồng ý kiến trái chiều về việc giọng ca "No Tears Left To Cry" có xứng đáng để được trả nhiều như đàn chị hay không.
8 triệu đô, tương đương hơn 170 tỷ đồng, một con số thật sự không-phải-dạng-vừa-đâu. Tuy nhiên, để nói nó có vừa tầm với Ariana Grande hay không thì thật khó. Người cảm nhận được giá trị của nữ ngôi sao thì sẽ gật gù, người không thích thì ngược lại. Vậy thì chỉ cần đơn giản nói về những giá trị thực tế của cô nàng và những cống hiến cô dành cho lễ hội này suốt đêm diễn vừa qua.
Thứ nhất, Ariana Grande đang là một trong những ngôi sao trẻ hot số 1 thế giới. Nói thế cũng không ngoa, bởi vì ở thời điểm này, Taylor Swift chỉ đang bắt đầu trở lại mà chưa ai biết chính xác thời điểm như thế nào, Justin Bieber thì thoắt ẩn thoắt hiện, Miley Cyrus quá bận rộn với những câu chuyện đời tư, v.v... Chỉ còn lại Ariana Grande suốt một năm qua như con ong chăm chỉ "cày cuốc" tận 2 album và giành được những thành công đáng tự hào thật sự. Rõ ràng, cô nàng đang không có đối thủ trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
Thứ hai, Ariana Grande đã chứng minh được thực lực và hoàn thành tốt vai trò ngôi sao trẻ nhất chủ trì Coachella ngay trước hàng trăm nghìn người nơi đây cùng triệu triệu khán giả theo dõi từ xa. Gần như những đặc sản tour diễn "Sweetener World Tour" được ướm vào sân khấu ở thung lũng Coachella một cách hợp lí, hơn thế nữa, sự đầu tư về mặt visual đã thật sự mang đến một không gian dễ gây choáng ngợp và khác biệt với đàn chị Beyoncé năm ngoái.
Âm nhạc khỏi bàn, giọng hát live luôn là thế mạnh của Ariana, dù có thể chẳng có những bước nhảy mạnh mẽ hay đội quân rung chuyển không gian như những người khác nhưng bù lại, chẳng ai có thể đứng yên được trước loạt hit mà cô mang đến. Vậy nên, nếu Grande đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì con số nào cũng đều là cái giá hợp lí. Quan trọng nhất, ban tổ chức là người trả tiền, họ cảm thấy giá trị họ nhận lại hợp lí với số tiền bỏ ra là được.
Và thử hỏi, nếu 8 triệu không xứng đáng với Ariana thì cứ thử lấy con số ấy mà mời lại Beyoncé cho đúng giá, xem Queen B có chấp nhận quay lại diễn thêm một lần nữa hay không? Nói thêm, giá trị thương hiệu của Beyoncé tại Coachella không chỉ dừng lại ở con số 8 triệu đô. Xa hơn thế, cô kí bản hợp đồng 60 triệu đô mà trong đó, thước phim tài liệu về Coachella mang tên "Homecoming" là 1 trong 3 dự án được chi trả, 2 dự án còn lại sẽ lên sóng sau.
Phim tài liệu "Homecoming".
Ai đã từng theo dõi Beychella của năm ngoái dễ có suy nghĩ chung rằng: Sẽ khó có một headliner nào đỉnh cao hơn Beyoncé 2018 nữa. Đúng vậy, những gì Beyoncé đặt ra tại Beychella đã là một tượng đài, thậm chí trong suốt sự nghiệp của cô từ trước đến nay cũng chưa có một set diễn dài 2 tiếng nào khủng khiếp như vậy. Cho những ai chưa biết, Beychella được cả giới chuyên môn lẫn khán giả bình chọn là show diễn Coachella tuyệt vời nhất nhì trong lịch sử lễ hội này. "Hoành tráng", "hoàn hảo", "đỉnh cao" cũng khó có thể diễn tả được hết những xúc cảm thăng hoa kì diệu mà đêm diễn mang lại, mọi mỹ từ giờ đây chỉ là dư thừa.
Tuy nhiên, không thể vì vậy mà lấy đó làm chuẩn mực cho tất cả…
Nói về những sân khấu trình diễn, Beyoncé là số 2 thì không ai là số 1, từ dàn dựng, âm nhạc, vũ đạo, trang phục, sự sáng tạo,… mọi thứ đều phải đạt điểm 11, 12 trước khi được chiêu đãi đến khán giả. Không riêng gì Coachella mà "Super Bowl Halftime Show 2011" là một trong những buổi biểu diễn giữa giờ Super Bowl tuyệt vời nhất, "Formation World Tour" là tour diễn sân vận động có doanh thu không ai bì, ở đâu cũng đều là nơi để Beyoncé phô diễn tất cả những thứ cô đang có vào thời điểm ấy, không cần phải "để dành" lại vì đầu óc sáng tạo của đội ngũ Beyoncé là vô cực.
Nếu như lấy Beychella làm chuẩn mực cho Coachella hay bất cứ một sân khấu nào thì có lẽ sẽ chẳng biết đến khi nào, những nghệ sĩ trẻ đi sau có thể vượt qua được con điểm trung bình của những "giáo viên bàn phím". Có lẽ về sau sẽ còn nhiều bàn cân so sánh như thế này. Có lẽ sẽ mất tận 20 năm để có được một Beyoncé thứ 2, lâu như khoảng thời gian mà Coachella tìm ra được Queen B vậy.
Sự khác biệt của Beyoncé so với những "hậu bối" chính là yếu tố về chính trị, nữ quyền, sắc tộc,… trở thành chất liệu chính trong âm nhạc của cô hiện tại. Âm nhạc lùi về trở thành công cụ để bày tỏ quan điểm của mình đến thế giới, nhưng vẫn cân bằng được tính giải trí, sự sáng tạo nghệ thuật.
Trong khi đó, với độ tuổi có phần hạn chế của lứa nghệ sĩ trẻ, họ chưa đủ quyền lực, chưa đủ tiếng nói để có thể làm những điều vĩ mô như "thay đổi thế giới" (thực ra Queen B cũng chưa làm được, nhưng riêng cô đã xác định đó là con đường đi của mình). Họ chú trọng nhiều hơn đến tính giải trí, phục vụ cộng đồng bằng những giai điệu, thấu hiểu và chia sẻ niềm đau, nỗi buồn với công chúng thông qua âm nhạc. Đó vẫn là một cách cống hiến cho xã hội.
Ariana Grande cũng vậy, thỉnh thoảng cô có thể nêm nếm thêm 1 tí quan điểm ủng hộ cộng đồng LGBT, vài chút nữ quyền vào sản phẩm của mình, nhưng chất liệu cho chính cho "món ăn" vẫn là những thứ gần gũi với khán giả như tình yêu, bạn bè, hay những quan điểm tích cực trong cuộc sống. Chẳng cần gì lớn lao, khán giả của cô sẽ thay đổi tốt lên nhờ những điều nhỏ nhoi như vậy. Vậy nên, cô gái 25 tuổi chưa cần phải cố gắng để đạt được hay trở thành một Beyoncé thứ 2.
Cứ là chính mình và bỏ túi 8 triệu đô sao cho xứng đáng với giá trị của bản thân như vậy thôi!