Một trong những điểm nhấn của Apple Card chính là khả năng bảo mật nó mang lại, đặc biệt là bởi có rất ít thông tin về người dùng được khắc trên chiếc thẻ vật lý này.
Ngoài tên chủ sở hữu, Apple Card không để lộ bất kỳ thông tin nào khác có thể bị lợi dụng bởi kẻ gian, như mã CVC hay số thẻ tín dụng – hai thứ thường được dùng để "bòn tiền" từ những chiếc thẻ bị đánh cắp.
Nhưng điều đó không có nghĩa Apple Card hoàn toàn "miễn nhiễm" với vấn nạn làm giả thẻ xưa như Trái đất. Vụ việc gần đây nhất cho thấy ít nhất một khách hàng sử dụng Apple Card đã phải nếm quả đắng.
Cụ thể, thẻ của vị khách hàng này đã bị sử dụng trong một giao dịch lừa đảo ở cách địa điểm anh đang sống đến vài bang, nhiều khả năng đã bị làm giả thông qua một thiết bị lấy cắp thông tin (skimming) được lắp đặt tại các địa điểm công cộng nơi bạn có thể giao dịch bằng cách quẹt thẻ tín dụng.
Đại diện Apple nói rằng đây là một trường hợp rất hiếm gặp, không hề nhắc đến chuyện bất kỳ chiếc thẻ nào với một dải từ tính cũng có thể bị làm giả.
"Tôi không biết làm sao mà điều này xảy ra được. Rất hiếm khi chiếc thẻ của bạn có thể được dùng ở hai nơi cùng lúc. Bởi chiếc thẻ vật lý của chúng tôi không có số trên đó, rất khó để ai đó sao chép được nó. Chúng tôi sẽ tiến hành điều tra để thử xem giao dịch đã được thực hiện bằng cách nào" – đại diện Apple nói.
Apple chưa từng nói bất kỳ điều gì về việc một chiếc thẻ Apple Card vật lý có thể bị lộ thông tin như thế nào, nhưng công ty luôn miệng đề cao tính bảo mật của nó trong nhiều trường hợp.
"Thẻ vật lý không có số. Không ở trước. Không ở sau. Mang lại cho bạn sự bảo mật ở một đẳng cấp hoàn toàn mới" – Apple nói.
Rõ ràng, sử dụng Apple Pay càng thường xuyên càng tốt là cách tốt nhất để bảo mật tài khoản, bởi lúc này bạn không sử dụng thẻ vật lý nên chẳng ai sao chép được thẻ tín dụng của bạn theo cách truyền thống cả!