Anh rời liên minh Châu Âu: 28 – 1 = thảm họa toàn cầu?

Châu Thanh Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 10:37 25/06/2016

Brexit đã vượt ra khỏi phạm vi những phòng họp chính trị và trở thành sự kiện được cả thế giới quan tâm, vậy tại sao nước Anh lại rời khỏi EU và điều này tác động như thế nào đến thế giới?

"28 – 1 = thảm họa toàn cầu?"

28 là số thành viên hiện tại của Liên minh châu Âu, và trong đó có nước Anh - quốc gia sẽ rời khỏi EU trong thời gian tới. Quyết định này còn được gọi là "Brexit" – ghép chữ của "Britain" (Vương quốc Anh) và "exit" (rời khỏi). 

Là một sự kiện lớn của lịch sử, nhưng rất nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu hết vấn đề của Brexit, đặc biệt là lý do tại sao nước Anh lại làm như vậy.

Lý do để rời khỏi EU

Những chính trị gia Anh ủng hộ Brexit đưa ra những lý do sau để thuyết phục người Anh:

1. Về thương mại, Anh sẽ có thể tự do thương lượng lại tất cả các thỏa thuận thương mại (về thuế xuất nhập khẩu, luật lệ,…) với EU và các nước khác mà không bị ràng buộc bởi luật của EU.

2. Về ngân sách, Anh sẽ không cần phải đóng 18,2 tỷ USD mỗi năm cho EU nữa. Số tiền này giống như "phí tham gia câu lạc bộ'. Và khi Anh rời cuộc chơi liên minh, số tiền này có thể sẽ được dành cho y tế và giáo dục.

3. Về quyền tự chủ, Anh có thể giành lại quyền ra luật lao động và doanh nghiệp, chứ không phải tuân theo luật chung của EU nữa.

4. Về chính sách nhập cư, Anh có thể ra luật nhập cư chặt chẽ hơn, tránh nhập cư tràn lan, và cũng để giữ việc làm của Anh cho người Anh. (Người nhập cư thường chịu làm việc với lương thấp hơn, nên đông người nhập cư sẽ tạo thất nghiệp cho người Anh bản xứ.)

Anh rời liên minh Châu Âu: 28 – 1 = thảm họa toàn cầu? - Ảnh 1.

Và đây, những người Anh thất nghiệp đi biểu tình để.. đòi việc từ dân nhập cư.

Tầm nhìn ngắn và logic hẹp

Mỗi lý do được đưa ra này, mới nghe thoáng qua sẽ thấy rất hợp lý. Tuy nhiên, tất cả đều là logic hẹp và đánh vào tâm lý bất an của người dân.

Ví dụ như đánh mạnh vấn đề nhập cư, lợi dụng tinh thần "bài ngoại" vốn đang bùng phát ở nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, trên thực tế người nhập cư là nguồn cung cấp lao động mà nước Anh rất cần. Họ làm những việc có mức lương cực thấp, để cho công nhân gốc Anh có thể tập trung làm việc có trình độ cao hơn, hoặc là những nhân công kĩ thuật cao mà Anh chưa thể đào tạo đủ. Có thể nói rằng nước Anh có năng suất cao hơn nhờ vào người nhập cư.

Anh rời liên minh Châu Âu: 28 – 1 = thảm họa toàn cầu? - Ảnh 2.

Dòng người nhập cư vẫn đang ồ ạt tiến vào nước Anh mỗi ngày.

Về ngân sách, nước Anh có thể không cần trả tiền cho EU nữa, nhưng họ cũng mất đi khả năng tiếp cận khối thị trường thống nhất này. Và, cái giá phải trả này có thể cao hơn nhiều so với số tiền tiết kiệm được. 

Điều này cũng giống như bạn quyết định rời khỏi câu lạc bộ thể hình: bạn không cần đóng tiền cho câu lạc bộ nữa, nhưng từ nay về sau chỉ có thể đi chạy ở công viên.

Về thương mại, khó có thể tin rằng EU sẽ cho Anh một thỏa thuận tốt như xưa (nghĩa là, từ nay về sau Anh sẽ phải chịu thuế cao hơn khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu). Dù rằng thương mại tự do là tốt cho cả Anh lẫn EU, nếu EU không trừng phạt Anh – "thành viên tồi" của khối, điều này sẽ khuyến khích những nước khác làm điều tương tự.

Dù đi chạy ở công viên nhưng bạn vẫn có thể giao lưu với bạn bè trong câu lạc bộ cũ, nhưng chỉ thế thôi, chui vào phòng tập, đụng vào quả tạ là mất tiền đấy.

Brexit ảnh hưởng đến từng cá nhân trên toàn cầu như thế nào?

Hãy thử tưởng tượng hậu quả của Anh rời khỏi EU: trước hết, Anh và EU sẽ ít mua bán hàng hóa với nhau hơn. Nhưng chuyện sẽ không dừng ở đó.

Để dễ hiểu, thử tưởng tượng quy trình sản xuất một chiếc áo: 

Người bán áo cần mua áo từ thợ may.

Người thợ may mua vải từ xưởng nhuộm.

Xưởng này cần mua cả thuốc nhuộm lẫn sợi vải từ những làng khác. 

Giả sử người bán áo bị cấm bán áo sang làng bên. Điều này không chỉ ảnh hưởng người bán áo, mà còn ảnh hưởng đến cả người thợ may, xưởng nhuộm vải và người sản xuất sợi vải. Rất nhiều gia đình sẽ bị bớt đi một bát cơm trong thương vụ áo xống này.

Mỗi mặt hàng trên thế giới đang được sản xuất theo dây chuyền ở nhiều nước khác nhau như vậy đó. Như vậy, một cú sốc ở Anh có thể sẽ có tác động đến cả Thế giới, đặc biệt tệ hơn khi nền kinh tế thế giới vốn đang bất ổn rồi.

 Bảng Anh mất giá không phanh liệu có gây ra điều gì nghiêm trọng?

Anh rời liên minh Châu Âu: 28 – 1 = thảm họa toàn cầu? - Ảnh 3.

Đồng Bảng Anh vẫn đang lao dốc mà chưa thấy phanh đâu

Sáng nay, khi tin Anh rời EU được công bố, đồng bảng Anh đã rớt giá so với đô la Mỹ xuống mức thấp nhất trong 31 năm gần đây. Thị trường chứng khoán chao đảo, và các nhà đầu tư đua nhau mua những đồng tiền an toàn như đô la Mỹ hay yên Nhật. Tại Việt Nam, giá vàng trong nước đã tăng 1,5 triệu đồng chỉ trong một ngày.

Thế nhưng thị trường tài chính có tiền sử phản ứng thái quá, và có thể chúng ta cũng đang lo hão. Các tính toán của Ngân hàng Anh cho thấy thiệt hại của việc rời EU thực ra khá nhỏ. Hơn nữa, Anh chỉ là một phần nhỏ của thương mại thế giới, không như Mỹ hay Trung Quốc. Do đó, khả năng Anh tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là rất thấp. 

Hiện tại, mới chỉ có một số trang web bán hàng online tại Anh sập vì quá nhiều người truy cập vào... order đồ.

Cái đáng lo nhất là tính bất ổn của tương lai.

Anh rời liên minh Châu Âu: 28 – 1 = thảm họa toàn cầu? - Ảnh 4.

Ông Donald Trump lên tiếng về Brexit: Tuyệt vời!

Ứng cử viên Tổng thống Donald Trump đã hoan hô người Anh vì "giành lại được quyền tự chủ chính trị, biên giới, và nền kinh tế." "tuyệt vời" và nhiều mỹ từ khác nữa.

Nhưng, chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nước sẽ thổi bùng lên. Tinh thần bài ngoại cũng thế. Các Đảng cánh hữu khác của châu Âu cũng sẽ lợi dụng tình hình để đòi rời khỏi Liên minh châu Âu.

Do đó, dù ảnh hưởng trực tiếp của Brexit rất nhỏ, nhưng khả năng việc này châm ngòi cho một loạt diễn biến phức tạp mới, cuốn thế giới vào vòng xoáy khủng hoảng là rất lớn.

Chúng ta hãy mong điều đó đừng xảy ra.