Sau 4 tháng đấu tranh dai dẳng và quyết liệt giữa những nhóm người muốn Anh "rời đi" hay "ở lại" EU, gần 46,5 triệu người dân nước này đã tham gia bỏ phiếu từ lúc 13h ngày 23/6 cho đến tận 3h ngày 24/6 (theo giờ Hà Nội).
Anh nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu hay rời EU?
Đây là lần tổ chức trưng cầu dân ý thứ 3 trong lịch sử nước Anh, cũng là lần đạt kỷ lục về số lượng cử tri. Câu hỏi "Anh nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu hay rời EU?" đã thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận thế giới trong nhiều ngày qua.
Kết quả kiểm phiếu cuối cùng do Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland chính thức công bố cho thấy người Anh đã lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu EU sau 43 năm gắn bó. Trong đó, có tới 17,4 triệu người ủng hộ Anh rời EU, cao hơn 4% so với 16,1 triệu người lựa chọn ở lại với khối.
Thủ tướng Anh David Cameron.
Sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Anh David Cameron, người dẫn đầu phong trào "ở lại" cùng với các thành viên Công đảng, đảng Dân chủ tự do và đảng Quốc gia Scotland đã tuyên bố từ chức vào tháng 10 tới. Ông Cameron "đã chiến đấu bằng cả con tim và khối óc" nhưng người dân lại lựa chọn hướng đi khác. Chính vì vậy, ông cho rằng: "Tôi không nghĩ mình còn phù hợp để làm thuyền trưởng cầm lái con thuyền Anh đến bến bờ tiếp theo."
Theo Reuters, ông Cameron đã "cố không bật khóc" khi phát biểu: "Đây không phải quyết định dễ dàng nhưng tôi tin nó phù hợp với lợi ích quốc gia nhằm có một giai đoạn ổn định và cần có sự lãnh đạo mới." Bên cạnh đó, ông cũng nhận định tân Thủ tướng sẽ là người phù hợp để ra quyết định khi nào bắt đầu tiến trình rời EU.
Thủ tướng Cameron trấn an các thị trường và các nhà đầu tư rằng nền kinh tế Anh về cơ bản vẫn rất mạnh. Ông cũng đảm bảo với công dân Anh ở nước ngoài và công dân EU ở Anh rằng không có thay đổi bất ngờ nào.
Phe ủng hộ Brexit đã giành chiến thắng.
Ngoài ra, ngay sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, Nghị sĩ Geert Wilders đã kêu gọi Hà Lan cũng tổ chức trưng cầu dân ý để nối gót Anh rời EU. Bên cạnh đó, thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp, bà Marine Le Pen đã lên tiếng ca ngợi "chiến thắng của Brexit (Britain Exit - chỉ việc Anh rời khỏi EU)" và kêu gọi trưng cầu dân ý ở EU.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức phát biểu: "Hôm nay là một ngày buồn cho EU, cho nước Anh." Còn Boris Johnson, lãnh đạo phe ủng hộ Anh rời EU lại cho rằng ngày 23/6 sẽ là ngày độc lập của nước Anh.
Theo những người ủng hộ Brexit, trong 4 thập kỷ qua, EU đã thay đổi quá nhiều về quy mô và ngày càng quan liêu, khiến tầm ảnh hưởng và chủ quyền của Anh bị suy giảm. Họ cho rằng nước Anh đang bị "kìm hãm" bởi EU khi liên minh áp đặt quá nhiều quy định về kinh doanh hay việc Anh đổ nhiều tiền vào khối này mà chỉ được nhận lại chút ít. Ngoài ra, họ cũng muốn Anh giành lại quyền kiểm soát các đường biên giới, giảm số lượng người tới đây sống hoặc làm việc...