Ăn thịt thú rừng ngày Tết để thể hiện “đẳng cấp”, nguy cơ rước bệnh vào người

Nguyễn Ngoan / VTC News, Theo VTC News 13:01 08/02/2024

Cận Tết, nhiều người rủ nhau thưởng thức những món lạ, trong đó có những món chế biến từ thịt thú rừng, có nguy cơ mang bệnh.

Các món ăn từ động vật hoang dã như lợn rừng, dúi, don, chồn…, bò sát (kỳ đà, rùa), chim trời, hay những loại rượu được ngâm từ động vật như rắn, tắc kè, tay gấu, tê tê, mật gấu… được một số người xem là đặc sản.

Nhiều người cho rằng thịt thú rừng ngon, bổ hơn động vật nuôi nhốt, rượu ngâm từ thú rừng có thể nâng cao sức khoẻ, tráng dương nên không tiếc chi số tiền lớn để ăn.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ăn, uống các thực phẩm từ động vật hoang dã chưa biết có bổ hơn không nhưng khả năng lây bệnh truyền nhiễm từ động vật rất cao.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có những minh chứng khoa học cho thấy có khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, trong đó có động vật hoang dã.

Theo ông Nga, động vật hoang dã thường tồn tại vi khuẩn, virus và chúng có thể có nguy cơ lây truyền sang người, làm cho con người bị nhiễm bệnh.

Ăn thịt thú rừng ngày Tết để thể hiện ‘đẳng cấp’, nguy cơ rước bệnh vào người - Ảnh 1.

Nhiều người ăn thịt động vật hoang dã để thể hiện đẳng cấp.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, việc săn bắt, buôn bán và ăn thịt động vật hoang tạo cơ hội cho mầm bệnh từ động vật dễ dàng lây sang cho con người và ngược lại.

“Việc ăn thịt động vật hoang dã không thể hiện đẳng cấp mà đưa gần hơn đến các loại bệnh truyền nhiễm từ động vật”, PGS.TS Huy Nga cảnh báo và cho biết, lúc đầu khi mầm bệnh từ động vật sang người gây ra đại dịch, dịch bệnh. Khi thích ứng với cơ thể con người các mầm bệnh này có thể hình thành các bệnh lưu hành hàng năm trên người.

Trong khi đó, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, sử dụng các loại rượu ngâm từ động vật hoang dã như rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung, mật gấu... có thể gây ra ngộ độc phải cấp cứu, nguy hiểm đến tính mạng.

Thông tin từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện này từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng nôn, tiêu chảy dữ dội do ngộ độc mật gấu.

“Theo thống kê của Bộ Y tế, 10% người bị ngộ độc rượu có liên quan đến các loại rượu được ngâm động vật và phủ tạng như ong đất, tắc kè, mật động vật” , ông Sơn thông tin.

Theo bác sĩ Sơn, nhiều gia đình cho rằng các loại rượu ngâm từ động vật hoang dã bổ, lại thể hiện đẳng cấp của người sở hữu, nên không tiếc tay mua động vật hoang dã còn nguyên con, nguyên lông để ngâm rượu...

“Chúng ta không bàn đến việc nó có bổ hơn hay không, nhưng sử dụng các loại sản phẩm này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các vi khuẩn và kí sinh trùng vào cơ thể. Đặc biệt, sử dụng các loại rượu ngâm động vật này cũng có thể gây độc thần kinh, tim mạch, hô hấp, thậm chí nguy hiểm tính mạng" , bác sĩ Sơn cho hay.

Ăn thịt thú rừng ngày Tết để thể hiện ‘đẳng cấp’, nguy cơ rước bệnh vào người - Ảnh 2.

Rượu ngâm từ động vật hoang dã có nguy cơ gây ngộ độc.

Theo WHO, Việt Nam được xác định là một trong những “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã.

Bà Hoàng Bích Thủy - Trưởng Đại diện, Wildlife Conservation Society, Văn phòng tại Việt Nam (WCS Việt Nam) cho hay, tổ chức đã thực hiện nghiên cứu về những mầm bệnh trên các loài động vật hoang dã và nguy cơ lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật trong 10 năm.

Kết quả của các nghiên cứu phát hiện ra 46 virus có khả năng lây truyền giữa người và động vật. Đặc biệt là các virus phát hiện được ở nhiều loài động vật hoang dã như cầy, tê tê, nhím, dúi, chuột, gà rừng, loài linh trưởng... thường được mọi người dùng để chế biến món ăn hoặc ngâm rượu.

“Trong số 46 virus này, có 26 virus mới chưa từng được phát hiện trước đây ”, bà Thuỷ cho hay.

Bên cạnh đó, kết quả tổng hợp hơn 100 bài báo, nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, liên quan đến các bệnh, mầm bệnh xuất hiện trên động vật có 157/232 mầm bệnh khả năng lây truyền giữa người và động vật.

Cụ thể, 116 (trên tổng số 157) mầm bệnh phát hiện trên động vật hoang dã, 54 mầm bệnh phát hiện trên động vật nuôi, và 13 mầm bệnh phát hiện trên cả động vật nuôi và động vật hoang dã.

Bà Thuỷ khuyến cáo, nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người cũng như nguy cơ làm bùng phát, lây lan dịch bệnh mới nổi và tái nổi liên quan tới chuỗi cung ứng động vật hoang dã là có thể xảy ra.

“Nếu như chúng ta còn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ, ăn động vật hoang dã, có thể phải đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới” , bà Thuỷ nói và cho rằng người dân cần nhận thức rõ về tác hại, rủi ro về sức khỏe do bệnh lây truyền cũng như rủi ro về pháp lý để hạn chế và tiến tới loại bỏ việc tiêu thụ động vật hoang dã, sản phẩm và bộ phận của động vật hoang dã.