Ăn gừng có nên bỏ vỏ?

NHƯ LOAN/VTC News, Theo vtcnews.vn 08:04 16/09/2024
Chia sẻ

Nhiều người cho rằng gừng nên rửa sạch, để nguyên vỏ đập giập, lại có người nói phải rửa sạch vì vỏ rất bẩn, vậy cách nào mới tốt cho sức khoẻ?

Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y thành phố Hà Nội, trong gừng chứa tinh dầu 2-3%, nhựa dầu 5%, dầu mỡ 3,7%, tinh bột, chất cay (Zingeron, Zingerol, Sogal).

Gừng là gia vị phổ biến trong bữa ăn của mỗi gia đình. Đây còn là bài thuốc quý, chữa kháng viêm, trị cảm lạnh, làm ấm cơ thể từ bên trong, phòng các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Gừng tươi vị cay, tính hơi ấm, tác dụng chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn, giúp tiêu hóa. Gừng nướng cháy trị đau bụng lạnh dạ đi ngoài. Gừng khô tác dụng tán hàn, trị cảm lạnh, thổ tả. Vỏ gừng (khương bì) có thể tiêu phù thũng (lợi tiểu).

Vỏ gừng tác dụng lợi tiểu, tăng khí, tiêu sưng, giảm phù nề, giảm hôi miệng, người dùng nên rửa sạch vỏ gừng trước khi chế biến. Vỏ gừng đắng, bạn có thể gọt bỏ hoặc giữ nguyên tùy nhu cầu.

Trường hợp đau xương khớp mùa lạnh, nên ngâm chân, tay hoặc tắm với nước thảo dược có thành phần gừng tươi, hoặc gừng rang với muối hột chườm lên vùng đau, không cần bỏ vỏ. Người bị đau lưng, đau vai gáy do lạnh có thể dùng gừng làm thuốc xoa bóp, massage hoặc chườm nóng vai gáy với gừng rang muối hột.

Ăn gừng có nên bỏ vỏ?- Ảnh 1.

Vỏ gừng đắng, bạn có thể gọt bỏ hoặc giữ nguyên tùy nhu cầu. (Ảnh minh hoạ)

Một số bài thuốc từ gừng

Chữa cảm

7 lát gừng tươi, 7 củ hành, một bát nước sắc, uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi chữa cảm nóng, cảm lạnh, cảm gió hoặc sốt.

Trị ho

7 lát gừng tươi, một thìa trà tầu, một quả chanh tươi, một thìa rượu mạnh, một thìa mật ong sắc uống, trị cảm, ho, khó thở.

Trị đau bụng

Gừng nướng kỹ, gọt sạch, thái nuốt, ngậm nuốt nước trị sốt rét, ho có đờm. Gừng tươi sắc nước trị đau bụng, trướng bụng.

Phòng trúng gió độc

Nhiều người phải đi làm từ sáng sớm, đôi khi bị gió độc làm ngất xỉu hoặc mệt mỏi. Để đề phòng trúng gió độc, trước khi ra ngoài nên uống một hớp rượu tốt (hoặc rượu ngâm thuốc) hoặc dùng gừng một miếng, nhai ngậm nuốt dần.

Chuyên gia lưu ý, người chuẩn bị mổ hoặc mới mổ xong thì không dùng gừng. Không dùng cho người chảy máu cam, chảy máu răng, băng huyết, ho ra máu, người bị đổ mồ hôi nhiều, cảm nắng. Phụ nữ mang thai không nên sử dụng vì trà gừng có thể gây co thắt tử cung, làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non. Những người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón, người nhiều mồ hôi hoặc đang ra mồ hôi thì không nên ăn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày