Ăn đồ hộp mỗi ngày nhưng không phải ai cũng biết đó là ý tưởng của một vị tướng lừng danh thế giới

Giang Spiderum, Theo Helino 14:07 15/04/2018

Có bao nhiêu đồ hộp trong bếp của bạn? Hẳn là nhiều đúng không? Vì điều đó, chúng ta phải cảm ơn… Napleon Banaparte hoặc chính xác hơn là cảm ơn một cuộc thi do ông khởi xướng và người thợ làm bánh thành Paris đã chiến thắng trong cuộc thi này.

Trước khi những phương pháp sản xuất hiện đại ra đời, mọi người bảo quản thức ăn bằng bất cứ cách nào có thể. Dân cư ở vùng khí hậu lạnh thì đóng băng thực phẩm của mình, còn cư dân ở sa mạc lại phơi khô chúng dưới nắng nóng và gió. Theo Trung tâm Bảo quản Thực phẩm Quốc gia của Mỹ, nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, người dân Trung Đông đã biết sấy khô thực phẩm từ những năm 1200 trước Công nguyên. Người Rôma sấy khô hoa quả. Tại Mỹ, ở những vùng lạnh, người ta giữ thức ăn trong hộp nước đá, đúng nghĩa là hộp chạm khắc từ băng đá.

Vào cuối những năm 1800, một người đàn ông là Clarence Birdseye đã phát hiện ra rằng, làm lạnh nhanh sẽ khiến cho rau và hoa quả có mùi vị tuyệt hảo hơn. Thương hiệu đồ đông lạnh của ông vẫn còn phát triển mạnh mẽ đến ngày hôm nay.

Vào cuối những năm 1700, Napoleon muốn tìm ra cách hiệu quả hơn để nuôi quân của mình, Trong suốt thời kì này, thực phẩm đã được bảo quản bằng cách sấy khô, hun khói và ngâm muối. Nhưng các lựa chọn này không khả thi để nuôi sống một quân đội lớn với nhiều loại thức ăn khác nhau, chưa kể đến việc những phương pháp bảo quản này sẽ ảnh hưởng đến vị giác các binh sĩ. Các món ăn có vị thật tê. Napoleon treo thưởng 12000 franc cho bất cứ ai có thể đưa ra một phương pháp mới để bảo quản thực phẩm trong quá trình vận chuyển.

Ăn đồ hộp mỗi ngày nhưng không phải ai cũng biết đó là ý tưởng của một vị tướng lừng danh thế giới - Ảnh 1.

Đồ hộp là một phần của ẩm thực thế giới ngày nay

Nicolas Appert, thợ làm bánh kiêm đầu bếp ở Paris, bắt đầu nghiên cứu phương pháp bảo quản thực phẩm vào năm 1775. Được truyền cảm hứng từ rượu vang trong chai có nút, Appert đưa thức ăn vào trong chai bằng dây rồi đậy nút chai và niêm phong bằng sáp ong. Những chai thực phẩm này được bọc vải và đun sôi cho đến khi Appert cảm thấy thức ăn đủ chín (chứ không theo một công thức khoa học chính xác nào). Appert đã thành công trong việc đóng hộp hoa quả, súp, mứt, sản phẩm làm từ sữa và nước trái cây.

Dù vậy chính Appert cũng không hiểu tại sao phương pháp của mình lại hiệu quả. Điều này phải đợi đến 50 năm sau, khi Louis Pasteur chứng minh được rằng hơi nóng giết chết vi khuẩn thì khoa học mới có câu trả lời. Appert cho rằng, việc tiếp xúc với không khí khiến cho thực phẩm nhanh hỏng và ông đã cố gắng để loại bỏ chúng. Đó là một suy nghĩ phổ biến vào thời gian này. Thịt được bảo quản bằng cách phủ một lớp chất béo.

Việc đun sôi những bình thức ăn này của Appert đã tạo ra hơi nóng triệt tiêu các vi khuẩn tấn công, và khi bình nguội đi, chúng trở thành môi trường chân không, ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập.

Appert đã giới thiệu các bình hoa quả và rau củ đóng chai ở một hội chợ triển lãm ẩm thực tại Paris năm 1806 có tên Exposition des produits de l’industrie francaise, tuy vậy ban giám khảo không có ấn tượng lắm với việc này và ông không nhận được giải thưởng nào.

Ăn đồ hộp mỗi ngày nhưng không phải ai cũng biết đó là ý tưởng của một vị tướng lừng danh thế giới - Ảnh 2.

Chân dung Appert

Tuy vậy, báo chí lại đánh giá đây là một cuộc cách mạng trong ẩm thực. Alexandre de la Grimod Reynière của tờ Independent đã viết: "Chỉ cần bỏ ra một số tiền ít ỏi, bạn có thể tận hưởng vị ngọt ngào đầy mộng tưởng của mùa hè giữa thăm thẳm mùa đông".

Hải quân của Pháp đã đồng ý thử nghiệm hàng loạt các sản phẩm của ông, bao gồm các loại thịt, rau, hoa quả và sữa.

Suốt 15 năm theo đuổi thí nghiệm, Nicolas Appert cuối cùng đã chính thức gửi sáng chế của mình cho Chính phủ Pháp vào năm 1810. Họ đồng ý gửi cho ông 12000 francs miễn là ông phổ biến chúng cho công chúng.

Và cuối năm đó, Appert đã xuất bản cuốn sách "Nghệ thuật bảo quản thịt động vật và rau củ", cuốn sách nấu ăn đầu tiên về kiểu bảo quản thực phẩm hiện đại này. Trong thế giới nghệ thuật ẩm thực, ông được biết đến như là cha đẻ của các loại đồ hộp.

Ăn đồ hộp mỗi ngày nhưng không phải ai cũng biết đó là ý tưởng của một vị tướng lừng danh thế giới - Ảnh 3.

Đoàn quân Pháp viễn chinh của Napoleon

Appert đã được cấp bằng sáng chế với phát minh của mình và sử dụng tiền từ giải thưởng để xây dựng nhà máy bảo quản thực phẩm đầu tiên mang tên là Nhà của Appert ở Masay, ngoại ô Paris. Nó đã hoạt động trong hơn 100 năm, từ năm 1812 đến năm 1933.

Peter Durand, một nhà buôn người Anh, đã được cấp bằng sáng chế hộp thiếc ở Anh năm 1810, nói rằng ông đã học được cách đóng hộp này từ "một người bạn ở nước ngoài". Durand đã bán lại bản quyền cho Bryan Donkin và John Hall, những người tiên phong trong đồ hộp thương mại. Đến năm 1813, hai người đã cung cấp cho Quân đội Anh thực phẩm đóng hộp.

Tuy nhiên, những chiếc hộp này rất rắc rối để mở, nó đòi hỏi phải có một cái búa và một cái đục. 40 năm sau, tức là năm 1855, Robert Yeates mới phát minh ra dụng cụ mở hộp, có lẽ bởi vì ông (hay vợ của ông) đã quá mệt mỏi trong việc mở hộp rồi!

Tại Mỹ, Gail Borden đã sử dụng công nghệ này để sản xuất hộp sữa đặc đóng hộp đầu tiên vào năm 1856, sản phẩm này đến nay vẫn còn được bày bán tại các siêu thị.

Thuyền trưởng Robert Falcon Scott, người mang theo những hộp xi-rô trong chuyến thám hiểm của mình năm 1910 đến Nam Cực, đã viết thư cho các nhà sản xuất: "Súp Golden của các bạn được sử dụng hàng ngày và là thực phẩm bổ sung cần thiết, được mong đợi nhất trong cuộc thám hiểm Nam cực này". Đáng tiếc là, súp vàng cũng không thể cứu được ông. Ông đã chết vì suy dinh dưỡng sáu tháng sau đó.

Ăn đồ hộp mỗi ngày nhưng không phải ai cũng biết đó là ý tưởng của một vị tướng lừng danh thế giới - Ảnh 4.

Chân dung Henry Heinz

Thực phẩm đóng hộp bắt đầu xuất hiện trong nhà bếp vào đầu những năm 1900, khi một người tên là Henry Heinz tung ra một loạt các sản phẩm hấp dẫn hơn cùng với một chiến dịch tiếp thị bán những sản phẩm đồ hộp như là một phương pháp nhanh chóng và thuận tiện để lấy thức ăn trên bàn ăn tối.

"Việc các hộp thiếc có thể di chuyển từ chiến trường đến nhà bếp thức sự là một cuộc cách mạng"- Andrew F.0 Smith, tác giả của "Súp cà chua: Câu chuyện về những món ăn yêu thích của nước Mỹ" đã nói với tạp chí Independent. "Đây không chỉ là lần đầu tiên các tầng lớp lao động được tiếp cận với nhiều loại thực phẩm mới lạ mà nó thực sự đã làm thay đổi cuộc sống của các gia đình".

Tại Pháp, nơi nền ẩm thực được tôn thờ, Nicolas Appert được xem như là một anh hùng. 72 con phố, một trường trung học được đặt theo tên của ông. Chính phủ đã ban hành một mẫu tem kỷ niệm vào năm 1955; và năm 2010, để kỷ niệm 200 năm ngày phát minh của ông ra đời, cả nước dành cả một năm để tưởng nhớ ông. Mặc dù hầu hết những người sành ăn thích sản phẩm tươi nhưng ngày nay, một số lượng lớn thực phẩm đóng hộp vẫn đang được sử dụng vì tính tiện lợi của nó.

Nguồn: The Vintage News