Với những gói hàng giả (chỉ nội bộ Amazon mới có cách nhận biết) được phân phối ngẫu nhiên, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất nhì thế giới hi vọng sẽ túm cổ được những tài xế có thói quen tắt mắt.
Lý thuyết cho "cách bắt trộm" này khá đơn giản: Gói hàng giả thường có nhãn giả, khi tài xế giao hàng quét mã trên đó - nó sẽ báo lỗi. Theo quy định của Amazon thì tài xế có thể gọi cho người giám sát để kiểm tra lại hoặc giữ gói hàng trên xe để trả về kho.
Trong trường hợp này, rất có thể những tài xế xấu tính sẽ nảy sinh lòng tham và lấy luôn gói hàng vì theo lý thuyết, hệ thống của Amazon không nhận ra mã hàng, rất khó để khách hàng khiếu nại hoặc báo mất bưu phẩm nếu nó chưa được nhận diện trên hệ thống.
"Rõ ràng, đây là cái bẫy để kiểm tra đạo đực của tài xế giao hàng", một cựu giám đốc logistic giấu tên của Amazon chia sẻ.
Người phát ngôn của Amazon nói: "Kiểm tra và kiểm toán là một phần của chương trình đánh giá chất lượng tổng thể, nó sẽ được quản lý một cách ngẫu nhiên".
Tất nhiên, các biện pháp chống trộm cắp đối với người lao động, như kiểm tra túi ở cuối ca làm việc là rất phổ biến, dù vậy cách làm mới của Amazon chẳng khác gì một cái bẫy.
Động thái này đến từ việc Amazon nghi ngờ nhân viên cố ý làm rò rỉ dữ liệu, bán thông tin cho nhà buôn độc lập để chiếm lợi thế trên thị trường. Thậm chí, những nhân viên này còn nhận hối lộ để xóa đánh giá tiêu cực trên sản phẩm.
Thậm chí, còn có tin đồn rằng một số nhân viên Amazon được trả tiền để bảo vệ công ty trên Twitter. Nhân viên kho vận của Amazon còn kêu trời vì điều kiện làm việc khắc nghiệt, đi vệ sinh vào chai, bị giám sát như tù nhân.
Theo B.I