"A Quiet Place" liệu có thể hồi sinh kỷ nguyên phim "câm" trên màn ảnh?

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 15:50 09/04/2018

"A Quiet Place" gần như không có lời thoại nhưng lại có sức khuấy động nỗi sợ đến tột cùng cho người xem đã chứng tỏ sức hấp dẫn đặc biệt của dòng phim câm vốn tưởng như đã bị lãng quên tại Hollywood.

Ngay từ khi mới công bố dự án, A Quiet Place (tựa Việt: Vùng Đất Câm Lặng) đã khiến tất cả thích thú khi đem tới ý tưởng táo bạo: một bộ phim kinh dị gần như không lời, đối nghịch lại dòng phim jump-scare hù dọa ồn ào vốn nhan nhản tại Hollywood những năm gần đây. Thông minh trong cách kể chuyện, bài bản trong khâu dựng hình, A Quiet Place đang được kỳ vọng như một trong những phim kinh dị tốt nhất năm 2018. Phim được ấn định ra mắt từ ngày 20/4 tại Việt Nam.

Trailer cuối cùng của "A Quiet Place" (Vùng Đất Câm Lặng)

Sức mạnh ghê gớm từ sự im lặng

Từ phần nhạc nền cho tới những âm thanh trong phim: tiếng thở của con người, tiếng di chuyển của loài quái vật, tiếng hú đầy quái dị trong đêm, bộ phim của John Krasinski đã làm việc trên chất liệu điện ảnh vốn bị đánh giá thấp tại Hollywood: sự im lặng. Người ta nghĩ rằng làm phim kinh dị thì phải ầm ĩ, phải gào thét, phải có tiếng đập cửa thình thình thì khán giả mới sợ. Hóa ra chúng ta đã lầm, bởi vợ chồng nhà Emily Blunt đã cho thấy nỗi ám ảnh có thể tới từ thinh không im ắng nhất.

A Quiet Place liệu có thể hồi sinh kỷ nguyên phim câm trên màn ảnh? - Ảnh 2.

Đây là phản ứng của bạn khi ai đó nói chuyện trong rạp

Trung tâm nhân vật của A Quiet Place tuy vậy không chỉ là một người vợ bụng mang dạ chửa, mà là cô con gái Regan bị điếc của họ. Được vào vai bởi nữ diễn viên khiếm thính Millicent Simmond, Regan để lại trên màn ảnh một khoảnh khắc "đứng tim" khi không hề biết có một con quái vật đang ở ngay sau lưng trong khi đó con quái cũng không cảm nhận được sự hiện diện của Regan do bị mù.

Cũng chính là Millicent đã từng để lại ấn tượng khi vào vai cô bé Rose chạy trốn tới New York trong phim Wonderstruck - tác phẩm từ đạo diễn Todd Haynes năm 2017. Wonderstruck được ra đời sau kỷ nguyên vàng của phim câm một thế kỷ đã để lại nhiều hoài nhớ trong khán giả với màu phim đen trắng và phong cách cổ điển.

A Quiet Place liệu có thể hồi sinh kỷ nguyên phim câm trên màn ảnh? - Ảnh 3.

Cả Wonderstruck, A Quiet Place và trước đó phải kể tới The Artist (2012) hay The Tribe (2014, phim của Ukraine) đều cố gắng đảo ngược lại tiến trình màn ảnh rộng của Hollywood hiện nay: trở nên ầm ĩ hơn, khổng lồ và khoa trương hơn bằng cách đặt khán giả vào những khiếm khuyết của nhân vật để ta phải vận dụng hết các giác quan mà bắt lấy ngữ nghĩa hoàn cảnh trong phim. Một số chi tiết sẽ mất đi giá trị nếu đặt vào bối cảnh có âm thanh, điển hình như cảnh Regan chạm mặt một trong những quái vật săn người đã nhắc tới ở trên.

Phim câm cũng cần khán giả phải trật tự hơn

Như một thứ hiệu ứng, các phim câm khiến khán giả phải tự vấn lại sự ồn ào của mình trong rạp. Bạn không thể tới xem 3-Iron của Kim Ki-duk mà ăn bỏng ngô rồm rộp trong khi màn ảnh đang chiếu chuyện tình câm giữa một người vợ bị bạo hành và một kẻ chuyên đột nhập vào nhà người khác để ở nhờ.

Trong thế giới của A Quiet Place nơi một chiếc đèn rơi xuống cũng đủ khiến bạn mất mạng, người xem bất giác trở nên nhạy cảm với âm thanh mà cơ thể mình tạo ra: tiếng hắt hơi, ho khạc, tiếng sôi bụng... Những bộ phim câm hoặc "gần câm" đổi lại, cũng đòi hỏi sự yên tĩnh từ phía khán giả. Và làm ơn hãy tắt điện thoại trong rạp đi!

A Quiet Place liệu có thể hồi sinh kỷ nguyên phim câm trên màn ảnh? - Ảnh 4.

"The Tribe" (Băng Đảng) - phim của Ukraine năm 2014 sử dụng rất nhiều thủ ngữ

Phim câm châu Âu và phim câm Hollywood

Màn ảnh câm không nhất thiết chỉ có phim kinh dị hoặc dòng phim hoài cổ thập niên 20. Le Quattro Volte - một phim hài của Ý với những chiêm nghiệm sâu sắc, dí dỏm về thiên nhiên và con người không có đoạn thoại nào trừ lời dẫn và tiếng dê kêu. Phim hài Songs from the Second Floor (Những Bài Hát Từ Tầng Hai) của Thụy Điển, phim hoạt hình Belleville Rendezvous (Những chiếc xe đạp nhiều chỗ ở Belleville) hay thậm chí tiếng thở của Scarlett Johansson trong Under the Skin làm nên bức tranh đa dạng của phim "kiệm lời" hiện đại.

A Quiet Place liệu có thể hồi sinh kỷ nguyên phim câm trên màn ảnh? - Ảnh 5.

"Under the Skin" (Dưới Lớp Mặt Nạ) cũng là một phim rất tiết chế về mặt lời thoại.

Các nhà làm phim Hollywood cũng không thua kém gì đồng nghiệp châu Âu khi cho ra mắt phim hoạt hình Wall-E (Robot Biết Yêu) không có một câu thoại nào suốt đoạn phim dài 40 phút, hay 2001: A Space Odyssey của Stanley Kubrick mới kỷ niệm 50 năm ra mắt mới đây cũng chỉ có vỏn vẹn 2 câu thoại trong 25 phút màn ảnh.

Giờ đây mỗi khi bạn muốn nói rằng điện ảnh ngày nay chỉ dành cho phim có thoại, thì nên nhớ rằng sức sống của môn nghệ thuật này nằm trong cách các nhà làm phim phá bỏ các quan niệm của số đông để tự do sáng tạo. Thành công của A Quiet Place có thể không đủ sức để vực dậy kỷ nguyên phim câm trên màn ảnh nhưng cũng đủ để tạo được dấu ấn cho dòng phim tưởng chừng đã bị quên lãng tại Hollywood ngày nay.