Trong số các bộ phận trên cơ thể, lưỡi là thứ chúng ta sử dụng rất thường xuyên, thậm chí là nhiều nhất. Thực vậy, bạn dùng lưỡi trên gần như mọi chức năng sống cơ bản nhất của một con người, từ ăn uống cho đến nói chuyện. Chỉ là bạn ít khi để ý đến nó mà thôi.
Chính vì không để ý đến, chúng ta không biết rằng lưỡi giấu cho mình những đặc điểm hết sức ấn tượng, chẳng hạn như việc nó nằm trong số những cơ quan bền bỉ và linh hoạt bậc nhất trong cơ thể người.
Bạn có bao giờ để ý rằng dù bản thân lưỡi là một loại cơ, nhưng nó không bao giờ biết mệt mỏi dù bạn có để nó hoạt động nhiều cỡ nào - miễn là bạn không mắc phải vấn đề y tế nào đó.
Lý do đơn giản thôi, bởi lưỡi thực chất sở hữu đến 8 bó cơ. Điều này giúp lưỡi không những bền bỉ, mà còn cực kỳ dẻo dai và linh hoạt. Nhìn chung thì bạn có thể nhai mỏi miệng, có thể ăn đến no căng rốn, nhưng lưỡi chẳng thấy mệt đâu.
Giống như mỗi con người là một thể độc nhất thì lưỡi cũng vậy, mỗi chiếc lưỡi đều là cá biệt. Thậm chí giống như ngón tay, lưỡi cũng có vân lưỡi, hoàn toàn có thể được sử dụng để định danh từng cá nhân dù có hơi bất tiện.
Các nhà khoa học hiện tại vẫn đang đi tìm lý do tại sao có một bộ phận thiểu số trong xã hội không thể cuộn lưỡi thành hình chữ "U" giống trong hình trên.
Một giả thuyết phổ biến nhất được đặt ra có liên quan đến di truyền, rằng khả năng này được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy có những gia đình, cha mẹ không thể làm được mà con cái lại có khả năng đó.
Giả thuyết khác cho rằng nó liên quan đến ngôn ngữ - những nơi sử dụng ngôn ngữ có âm điệu rung và uốn nhiều sẽ có tỷ lệ uốn được lưỡi nhiều hơn. Dẫu vậy, chưa có bằng chứng cụ thể về vấn đề này.
Lưỡi có thể không biết mệt dù bạn vận động nhiều thế nào, nhưng điều đó không có nghĩa nó sẽ mãi ở hình dạng ấy. Trên thực tế, lưỡi hoàn toàn có thể tích mỡ khi bạn tăng cân. Ngoài ra, các vấn đề về giấc ngủ - như ngủ ngáy, thiếu ngủ... được cho là có liên quan đến việc lưỡi bị tích mỡ.
Trong một khoảng thời gian dài, công chúng đã tin tưởng vào cái gọi là "bản đồ vị giác". Theo đó, mỗi vùng trong lưỡi có các thụ thể vị giác chịu trách nhiệm cảm nhận cho một vị riêng, ví dụ như đầu lưỡi cảm nhận vị ngọt, vị đắng ở cuối lưỡi...
Nguyên nhân của tấm bản đồ này đến từ nhà khoa học người Đức David Hänig, với luận án tiến sĩ đưa ra vào năm 1901. Trong nghiên cứu của mình, Hänig cho rằng một số khu vực của lưỡi có độ nhạy cảm cao hơn phần còn lại, nhưng ông sử dụng một bản minh họa dễ gây hiểu lầm, và nó đã tạo tiền đề cho tấm bản đồ vị giác ra đời.
Còn thực tế, tấm bản đồ ấy là một cú lừa thực sự. Năm 1974, nhà khoa học Virginia Collings xác nhận mọi bộ phận của lưỡi đều có thể cảm nhận được vị, chỉ là khác biệt ở độ nhạy cảm trên từng khu vực thôi.
Nếu không tin, hãy thử ăn một chiếc kẹo khi đang bịt mũi xem. Lưỡi của bạn sẽ biết viên kẹo có vị ngọt, nhưng không thể xác định được nó chính xác đó là kẹo chocolate hay kẹo dâu. Bởi lẽ đó là hương vị, mà hương vị thì cần cảm nhận bằng khứu giác chứ không phải vị giác.
Đó là lý do vì sao khi bị ốm, bạn hay có cảm giác nhạt mồm nhạt miệng. Bởi mũi lúc đó bị ngạt, có ngửi thấy gì đâu.
Bạn đã bao giờ cắn nhầm phải lưỡi chưa? Có lẽ là rất nhiều, nhưng thường thì sau vài phút là bạn quên luôn chuyện đã xảy ra. Đó là nhờ vào tuyến nước bọt và các mô bao phủ trên lưỡi, chúng giúp cho mô lưỡi hồi phục cực nhanh.
Nhưng dĩ nhiên là chúng tôi không khuyến khích bạn cắn thử đâu nhé. Dù sao thì nó vẫn rất đau đấy.
Thử thè lưỡi nhìn vào gương xem. Nếu lưỡi có màu hồng nhạt thì xin chúc mừng, thể trạng của bạn đang rất khỏe mạnh đấy. Còn nếu ra màu sắc khác mà không phải từ thực phẩm, có lẽ bạn nên cân nhắc ghé thăm bác sĩ một chuyến xem sao.
Sự thực là, màu sắc của lưỡi có thể thay đổi, và mỗi màu cho thấy một vấn đề khác nhau. Nếu nó đỏ rực, bạn có khả năng mắc một số vấn đề từ rất nhỏ - như viêm nhiễm nhẹ, đến rất nặng - như bệnh tim. Nếu là màu vàng, dạ dày hoặc gan của bạn đang có vấn đề. Còn nếu là màu trắng, bạn đang thiếu nước.