"Thấy cảnh sát, con tự hỏi mình có bị giết": Người da màu treo cổ hàng loạt, hé lộ thực tế đáng sợ đang xảy ra với nước Mỹ

J.D, Theo Trí Thức Trẻ 00:10 30/06/2020

Người da đen treo cổ tự sát, thánh giá gỗ bị hỏa thiêu ở nhiều nơi. Một trong những biểu tượng xấu xí nhất lịch sử về xung đột sắc tộc đã quay trở lại Mỹ sau hơn 1/2 thế kỷ, dưới áp lực của phong trào #blacklivesmatter.

Ở cả hai bờ Đông và Tây, người ta phát hiện thi thể người da màu treo cổ trên các nhánh cây lớn. Ít nhất 2 vụ đốt thánh giá (nhiều nơi nhầm là thiêu sống) đang được điều tra tại 2 tiểu bang phía Nam. Tất cả dường như tái hiện lại hình ảnh xung đột sắc tộc tại Mỹ khi xưa - thời điểm không phải người da trắng là một tội lỗi.

Chúng tôi không hiểu điều gì đang xảy ra

Robert Fuller - thanh niên da màu 24 tuổi tại California được tìm thấy trong tình trạng treo cổ vào ngày 10/6, trên một cây bồ hòn phía trước tòa Thị chính thành phố Palmdale. Chính quyền địa phương nhanh chóng kết luận đây là một vụ tự sát. Nhưng người dân, chẳng ai tin cả. Mọi người yêu cầu có một cuộc điều tra độc lập về cái chết của Fuller - một dấu hiệu cho thấy công chúng dần mất tin tưởng vào cơ quan hành pháp trong các vấn đề liên quan đến chủng tộc.

Kết quả điều tra sẽ có trong thời gian tới. Trong khi đó ở Thung lũng Antelope tại Los Angeles, mọi thứ đang dần trở nên căng thẳng.

Thấy cảnh sát, con tự hỏi mình có bị giết: Người da màu treo cổ hàng loạt, hé lộ thực tế đáng sợ đang xảy ra với nước Mỹ - Ảnh 1.

Một người da đen quỳ gối tại nơi Fuller qua đời

"Chúng tôi thực sự không hiểu điều gì đang xảy ra," - trích lời Waunette Cullors (54 tuổi), thành viên hội đồng thành phố tại trấn Littlerock gần đó. "Chúng tôi không thể tin tưởng cảnh sát trưởng, mọi thứ thì không minh bạch. Chúng tôi không biết liệu có phải người ta bị bắt đi rồi bị xử tử không."

Sự việc của Fuller phản ánh sự soi xét của công chúng với cảnh sát sau cái chết của George Floyd - người Mỹ gốc Phi thiệt mạng dưới cái ghì gối dài 8 phút của cảnh sát thành phố Minneapolis. Điều này đặc biệt đúng tại Palmdale, nơi người da màu và Mỹ Latin chiếm đa số.

Hiện tại, FBI đã tiếp nhận vụ án của Fuller và đang tiến hành điều tra. Nhưng kể cả khi cái chết của Fuller được xác nhận là tự tử, nó cũng gợi nhớ đến sự xung đột bạo tàn của người da trắng với cộng đồng da màu nhiều thập kỷ trước đây.

Trước đó vào ngày 31/5 tại Victorville - thành phố cách Palmdale khoảng 80km, Malcolm Harsch đã treo cổ trong khu trại vô gia cư. Báo cáo điều tra dẫn đến một đoạn video cho thấy người đàn ông 38 tuổi đã tự sát. Thân nhân của Harsch cũng đã lên tiếng, nhằm củng cố niềm tin cho công chúng. Nhưng sự hoài nghi vẫn ở đó, nhất là khi xuất hiện nhiều thi thể người da màu trong tư thế treo cổ vào những tuần gần đây. Tất cả đều bị nghi tự sát - theo báo cáo của chính quyền địa phương.

Trường hợp mới nhất là vào ngày 23/6, khi cảnh sát tìm thấy một người Mỹ gốc Phi treo cổ tại Long Island, thành phố New York. Cảnh sát cho rằng anh đã tự tử dựa trên bức thư tuyệt mệnh gửi cho gia đình trước đó.

Lịch sử xung đột ác mộng và nỗi lòng "con sợ bị giết"

Bản thân Antelope có một lịch sử đẫm máu về xung đột sắc tộc, và điều này góp phần khiến công chúng trở nên thiếu niềm tin hơn, đòi hỏi điều tra độc lập về các sự vụ.

Trước kia, có rất nhiều người chuyển tới Antelope từ Los Angeles, bởi giá nhà đất rẻ hơn, cũng như cộng đồng láng giềng an toàn hơn. Nhưng ẩn sâu dưới bề mặt bình yên là sự phân biệt nặng nề giữa các hộ gia đình nhắm đến cộng đồng người da màu, và chúng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Thấy cảnh sát, con tự hỏi mình có bị giết: Người da màu treo cổ hàng loạt, hé lộ thực tế đáng sợ đang xảy ra với nước Mỹ - Ảnh 2.

"Khi chuyển đến đây, gia đình tôi đã cảnh báo: hãy cẩn thận, vì ở đây có rất nhiều gã trọc đầu (từ chỉ những kẻ ưa bạo lực)," - Cullors cho biết. Bà đã chuyển đến đây từ thập niên 1990, và thứ khiến bà lo lắng nhất là cho con trai, hiện đang học cấp 3.

"Thằng bé từng bị chặn lại tra hỏi 3 - 4 lần mà chẳng vì lý do gì. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình trưởng thành," - Cullors cho biết. "Có lần thằng bé tâm sự 'Mỗi lần nhìn thấy cảnh sát sau lưng, con tự hỏi liệu mình có bị giết không?'"

Thập niên 1940, người Mỹ gốc Phi hiếm người sống được ở Palmdale, cũng như phần lớn khu vực Thung lũng Antelope. Họ bị từ chối hỗ trợ tài chính từ ngân hàng, buộc phải tự lực cánh sinh, xây nhà, vận chuyển nguyên liệu thô từ L.A va sống dựa vào nhau, hình thành cộng đồng tại làng Sun. Trong nhiều năm, cộng đồng ấy chẳng có nước máy, cũng chẳng có điện. Và đó là giữa nước Mỹ phồn vinh.

Thấy cảnh sát, con tự hỏi mình có bị giết: Người da màu treo cổ hàng loạt, hé lộ thực tế đáng sợ đang xảy ra với nước Mỹ - Ảnh 3.

Đốt cây thập tự - hành động từng dùng để đe dọa người da màu vào thế kỷ 20

Đến năm 1968, luật pháp liên bang thay đổi, cũng là lúc người da màu rời làng đến sống tại Palmdale. "Bất kể họ có được chấp nhận hay không," - James Brook (71 tuổi), trưởng hiệp hội làng Sun cho biết.

Sau vài thập kỷ, dân số tại Palmdale đã tăng gấp 10 lần - lên 155.000 vào năm 2019, trong đó cộng đồng người da trắng chiếm đa số vào cuối thế kỷ 20. Ngày nay, họ chỉ chiếm 20%. 12,5% là người da màu, và 60% thuộc chủng tộc Mỹ Latin.

Nigel Holly - nhà hoạt động của cộng đồng người da đen hồi tưởng về một ngày nắng nóng của năm 2013. Ông lột phăng chiếc áo khi đang lái xe, chỉ để lại áo ba lỗ. "Tôi đoán hành động ấy khiến người ta có cái nhìn khác về tôi," - ông chia sẻ, bởi ngay sau đó cảnh sát đã dừng ông lại, còng tay và đưa lên xe lái về trụ sở. Chỉ sau khi cảnh sát lục hồ sơ và phát hiện Holly là thành viên của một cộng đồng hoạt động có tiếng, họ mới để ông đi.

"Anh cảnh sát xin lỗi và bảo đó là một phần của quy định, không phải ác cảm cá nhân. Nhưng tôi có cảm giác bản thân bị đưa vào tầm ngắm."

Xung đột chủng tộc chưa bao giờ chấm dứt

Mùa thu năm 2019, 5 nhân viên tại một trường tiểu học ở Palmdale đã bị sa thải, sau khi xuất hiện hình ảnh giáo viên tay cầm thòng lọng, miệng mỉm cười. Hiệu trưởng nhà trường là người đã chụp bức ảnh đó.

Vậy nên về cơ bản, cộng đồng người da màu tại Palmdale tin rằng Fuller không tự sát. Anh thanh niên ấy được miêu tả là một người khiêm tốn với nụ cười thường trực trên môi, thích xem anime Nhật Bản, chơi game, thích nhảy và mê bóng rổ. Mẹ Fuller qua đời khi anh còn nhỏ, trong khi cha anh cũng không sống được quá lâu. Anh sống cùng chị gái, người có ảnh hưởng thực sự đến mình.

Thấy cảnh sát, con tự hỏi mình có bị giết: Người da màu treo cổ hàng loạt, hé lộ thực tế đáng sợ đang xảy ra với nước Mỹ - Ảnh 4.

Robert Fuller

Bạn bè của Fuller cho biết anh đã tham gia phong trào Black Lives Matter (tạm dịch: Sinh mạng người da đen là đáng giá) chỉ vài ngày trước khi qua đời. Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng về nhận định này.

Hơn 1 tuần sau cái chết của Fuller, cảnh sát đã bắn hạ người anh em cùng cha khác mẹ của anh - Terron Jammal Boone - trong một cuộc đọ súng tại hạt Kern. Cảnh sát đã đến trấn áp Boone sau cáo buộc anh có những hành động bạo lực với bạn gái.

Ngoài ra, hình ảnh hiện trường cũng khiến mối nghi ngờ xung quanh cái chết của Fuller gia tăng. Cảnh sát cho biết không có ghế hay bất kỳ thứ gì tương tự tại hiện trường, trong khi cư dân nhận định cái cây được cho là nơi Fuller treo cổ không đủ lớn để chịu được trọng lượng của anh. Thêm vào đó, 2 vụ nổ súng dẫn đến chết người tại Antelope trong vài tuần qua càng khiến niềm tin giảm sút.

Thấy cảnh sát, con tự hỏi mình có bị giết: Người da màu treo cổ hàng loạt, hé lộ thực tế đáng sợ đang xảy ra với nước Mỹ - Ảnh 5.

Theo Sean Joe - chuyên gia về các vụ tự sát trong cộng đồng người da màu, ông chưa từng gặp trường hợp nào như Fuller trong 2 thập kỷ qua.

"Vụ việc xảy ra trong thời điểm nhạy cảm, cộng thêm cách thức nó diễn ra làm dấy lên những nghi ngờ. Nó trái ngược với hầu hết hiểu biết của tôi."

Joe cho biết, hầu hết các vụ người da đen tự tử thường liên quan đến súng. Chết vì ngạt thở cũng không phải ít, nhưng hiếm khi xảy ra công khai như vậy. Thực tế là việc thi thể Fuller được tìm thấy ngay trước cửa tòa thị chính cần đến những bằng chứng thuyết phục hơn.

"Khi một người tự sát, họ thường cố gắng gửi lại một thông điệp," - Joe nhận định. "Và nỗi đau thì luôn là cá nhân chịu, nhắm đến một cá nhân khác chứ không phải xã hội."

Theo Brooks nhận định, các hội nhóm thù địch vẫn tồn tại, đặc biệt là trong quy mô địa phương khi nhiều người tin rằng cộng đồng người da màu có thể tổ chức bạo lực. "Dù quá trình điều tra có dẫn đến các hội nhóm này, cộng đồng người da màu vẫn lo sợ."

Ngày nay, có khoảng 88 tổ chức thù ghét vẫn đang hoạt động tại California, với nhiều hội nhóm tại các khu ngoại ô L.A.

Nguồn: Washington Post