Vừa qua, chuyên trang điện ảnh Indiewire đã tiến hành một cuộc khảo sát lấy ý kiến các nhà phê bình phim uy tín trên thế giới với câu hỏi: Phim Nhật nào được xem là xuất sắc nhất thế kỷ 21?
Dưới đây là đề xuất của các đáp viên, được sắp xếp theo thứ tự ra mắt của phim tính từ năm 2000 đến nay.
Đề cử bởi Edward Douglas, biên tập viên của ấn phẩm The Tracking Board
The Hidden Blade xoay quanh anh chàng samurai tên Munezo (Masatoshi Nagase đóng). Anh ta chỉ là một gã võ sĩ quèn mắc kẹt trong mối tình bị cấm đoán với cô giúp việc. Đến một ngày, Munezo học được kỹ năng quân sự phương Tây và được giao cho nhiệm vụ đi giết một người bạn cũ. Biết rằng sức mình hèn mọn, dù có thêm hỏa lực thì cũng không địch nổi đối thủ, Munezo tầm sư học đạo và quyết tâm lĩnh hội món võ kiếm có tên Ấn Kiếm Quỷ Trảo từ người thầy lâu năm của mình.
Đạo diễn Yoji Yamada vốn khá "mát tay" trong việc tái dựng những điển tích về samurai thời Edo. Bằng chứng là The Hidden Blade và cả The Twilight Samurai (Kiếm sĩ Cơ Hàn) đều là những tác phẩm được đánh giá cao trên các mặt trận tranh giải. Dù trong giới điện ảnh Nhật, Akira Kurosawa đã là một tượng đài không thể đánh đổ khi nói về dòng phim samurai, nhưng Yoji Yamda và hai tác phẩm trên của ông đều xứng đáng trở thành những đề cử có sức nặng nhất định.
Đề cử bởi David Ehrlich, biên tập viên của IndieWire
Ba ngày trước khi lễ hội ở trường trung học diễn ra, ban nhạc nữ sinh gồm tay guitar Kei (Yu Kashii đóng), tay trống Kyoko (Aki Maeda đóng) và tay bass Nozumi (Shiori Sekine đóng) đối diện với khủng hoảng nhân sự nghiêm trọng: Họ cần một giọng hát chính để được biểu diễn. Đang trong hồi tuyệt vọng, họ "vớ" được một cô nàng du học sinh người Hàn họ Son (Bae Doo Na đóng). Son nói tiếng Nhật hãy còn bập bẹ, nhưng cô nhanh chóng trở thành nữ ca sĩ bất đắc dĩ cùng ban nhạc tự lập thực hiện mơ ước trình diễn bài hát Linda Linda nổi tiếng của ban nhạc The Blue Hearts.
Linda Linda Linda được xây dựng với tông màu tươi sáng, sinh động và khiến người xem hưng phấn bởi những giai điệu rock Nhật hồi thập niên 80. Ngay cả tên nhóm nhạc Paranmaum cũng được cho là phiên âm tiếng Hàn của The Blue Hearts, ban nhạc người Nhật đã sáng tác bài hát chủ đạo của phim Linda Linda.
Đề cử bởi Jordan Hoffman, nhà phê bình phim của các ấn phẩm Vanity Fair, The Guardian
Phim gồm ba hồi, bắt đầu với sự kiện có thật trong lịch sử khi làn sóng sinh viên trỗi dậy mạnh mẽ ở Nhật vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Một nhóm người trẻ đã tham gia buổi cắm trại leo núi ở dãy Alps thuộc quần đảo Honshu. Phim chứa nhiều cảnh lưu trữ, các giáo điều về tập thể, đồng thời tái hiện vụ án được cho là trận thanh trừng đẫm máu khiến 14 người chết được đặt tên Asama Sansou.
Đề cử bởi Joshua Rothkopf, nhà phê bình phim của ấn phẩm Time Out New York
Trong Still Walking, Ryota (Hiroshi Abe đóng) ở tuổi 40 đã quay về nhà để giới thiệu với gia đình về người vợ mới cưới cùng đứa con riêng. Nhà của Ryota từng là một phòng khám tư nhân, nay chỉ còn bố mẹ già của anh đang sinh sống. Dù bảng hiệu vẫn còn đó, các vật dụng của phòng khám vẫn còn khá đầy đủ, nhưng công việc kinh doanh đã tạm dừng từ lâu. Bởi lẽ, Ryota còn có một người anh trưởng, người đáng lẽ ra là bác sĩ của phòng khám nhưng 15 năm trước đó, người anh cả này đã qua đời trong một tai nạn đuối nước. Ryota không kế thừa phòng khám này và từ đó trở nên tránh mặt bố mẹ. Lần này về nhà, Ryota lòng nặng trĩu vì thật ra anh ta cũng đang thất nghiệp dài hạn.
Trong tiếng Nhật, tựa đề gốc của phim được thể hiện bằng hai câu y hệt nhau, được lặp lại liên tiếp với ý nghĩa "Dù ta cứ đi tiếp, đi tiếp". Đây cũng chính là cảm xúc bao quát cho cả phim, một tác phẩm ủ dột và buồn rầu, kể về việc mất mát người thân trở thành nỗi ám ảnh và dằn vặt che lấp hạnh phúc gia đình. Đôi khi trong cuộc sống, dù chúng ta có mạnh mẽ thế nào, có bước tiếp ra sao, các từ ngữ như "kết thúc" hay "giải phóng" thật sự vẫn không đủ tiếp sức cho nỗi đau quá lớn.
Đề cử bởi Carlos Aguilar, nhà phê bình phim người Tây Ban Nha với 36 năm kinh nghiệm
The Tale Of The Princess Kaguya dựa trên chuyện kể dân gian của người Nhật về nàng út ống tre, con gái của một tiều phu nghèo khó. Cha cô nhặt cô về từ thanh tre ông chặt được ở rừng, rồi bằng tình thương yêu và sự bao dung, cô gái lớn lên trở nên xinh đẹp và được nhiều gia đình phú hộ ngỏ lời cưới về làm dâu, trong đó có cả quốc vương của đất nước.
Ai cũng phải thừa nhận rằng viên ngọc quý của nền điện ảnh hoạt họa Nhật Bản trong thế kỷ này chính là kiệt tác Spirited Away (Vùng Đất Linh Hồn) của Hayao Miyazaki. Tuy vậy, chúng ta vẫn không thể gạt bỏ sự tinh tế đáng tôn vinh của tác phẩm mang tầm vóc tương đương - The Tale Of The Princess Kaguya . Cùng đến từ xưởng Ghibli danh tiếng, câu chuyện về nàng tiên ống tre chính là tâm huyết suốt một thập kỷ của Isao Takahata, đồng sáng lập xưởng phim và cũng là tác giả của tác phẩm hoạt hình lừng danh My Neighbors The Yamada (Gia Đình Yamada).
Cốt truyện dân gian được lồng ghép nhiều suy tưởng sâu sắc về mối tình của một nàng tiên phải lòng con người, để rồi nếm trải biết bao vui buồn ở nhân gian. Takahata đã biến ngòi bút chì thành một tác phẩm thủ công kỹ nghệ sống động, mang theo phần nội dung vừa mộc mạc, bền vững với thời gian, lại vừa có chiều sâu trong cảm xúc, xóa nhòa ranh giới phim hoạt hình và phim điện ảnh có người đóng.
Đề cử bởi Candice Frederick, nhà phê bình phim của các ấn phẩm Broadly, Vice, Thrillist
Like Father, Like Son được viết và đạo diễn bởi Hirokazu Kore-eda. Ngay từ tiền đề, phim đã gây xúc động vì tình huống một người cha biết tin đứa con trai của mình đã bị tráo đổi từ khi sinh ra. Đứa trẻ sáu tuổi mà ông nuôi nâng bấy lâu không phải là con ruột. Nam diễn viên Masaharu Fukuyama đã thành công hóa thân vào hình ảnh một người đàn ông đứng trước quyết định lớn lao nhất trong đời: ông ta liệu có bỏ đi đứa con mình tự tay nuôi nấng để nhận về một sinh linh cùng huyết thống nhưng thiếu mất sự gắn kết tình thân?
Người Mỹ cũng từng có một bản remake khá ổn, nhưng lời khuyên chân thành bạn hãy xem bản gốc vì chỉ có ở nơi đây, bạn mới cảm nhận trọn vẹn bức chân dung chân thực về tình cha con và sự gắn kết gia đình ở những góc cạnh chưa từng có. Một tác phẩm đẹp tuyệt vời.
Đề cử bởi Christian Blauvelt, biên tập viên của chuyên mục BBC Culture
Our Little Sister tiếp tục là một tác phẩm gia đình đáng ghi nhận của đạo diễn Hirokazu Kore-eda. Trong đó, ba chị em gái ruột trở về trong đám tang của người bố đã rời bỏ mình, để rồi nhận nuôi đứa con riêng của bố và đem cô em gái đó đến sống ở nhà mình. Trong bối cảnh của những nỗi đau chồng chéo về sự chia cắt người thân, niềm thương tiếc cho người bố đã khuất, Kore-eda lại chọn cách khai thác đầy tươi sáng và tích cực: Các nhân vật của ông ngay lập tức nén đau buồn để bắt đầu cuộc sống mới. Nhịp điệu trong phim của ông luôn dịu dàng và tinh tế, tập trung lột tả những tiểu tiết để thể hiện cảm xúc nhân vật. Ai mà không cảm động trước hình ảnh đầy nhân văn: Những đứa con không chung dòng máu sống hòa hợp, nương tựa vào nhau, cùng nhau khui chiếc rương đã cũ, nhấc những bộ quần áo bạc màu rồi vùi chiếc mũi vào giữa lớp vải, cùng đồng thanh: "Mùi của bà nội đây rồi!"
Đề cử bởi Vadim Rizov, quản lý biên tập của ấn phẩm Filmaker Magazine
Đồng đề cử bởi Richard Brody, nhà phê bình phim của ấn phẩm The New Yorker
Bốn người phụ nữ ở độ tuổi U30 cùng tạo nên một hội bạn thân. Họ luôn cho rằng vì mối quan hệ quá thân thiết, họ có thể chia sẻ với nhau mọi thứ mà không cần giấu giếm. Cho đến một ngày nọ, Jun (Rira Kawamura đóng), một người trong số họ tiết lộ cô ấy đã trải qua cuộc li hôn đau đớn trong vòng một năm qua, nhưng cả hội đều không hề hay biết. Thông tin này khiến mỗi người trong số họ đều có những xáo trộn cảm xúc riêng và câu chuyện tiếp theo gợi mở nhiều lối suy tư đa chiều về nhân sinh và lề thói suy tưởng của những người đàn bà ngoài 30 tuổi.
Đạo diễn của phim, Ryusuke Hamaguchi được tán dương bởi tài năng sớm được bộc lộ. Không phải một đạo diễn 39 tuổi nào cũng có thể liên tục cống hiến và đủ sức xuất xưởng đến 8 phim truyện trong vòng chưa tới 10 năm. Happy Hour là một tác phẩm đáng ghi nhận của Hamaguchi, khi phần mở đầu khá bình đạm trong lối kể và dẫn dắt, nhưng anh đã dùng đúng thời lượng rề rà đó để dựng nên chiều sâu cho nhân vật, từ đó mạch phim co dãn và chuyển mình trở thành một tác phẩm đầy tính nhân văn.
Theo Indiewire