Trên địa hạt điện ảnh, việc các nhà làm phim mượn ý tưởng từ các tác phẩm khác là chuyện không hiếm, tuy nhiên một số bộ phim nổi tiếng lại có cốt truyện giống nhau đến mức như "anh chị em sinh đôi" vậy. Trong số những cái tên sau đây, có tác phẩm nào là "phim gối đầu giường" của bạn không?
1. Moonrise Kingdom (Welcome, Or No Trespassing)
"Moonrise Kingdom"
Kể về hành trình trốn khỏi trại hè của một cậu bé tinh ranh, Moonrise Kingdom là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp của đạo diễn tài ba Wes Anderson. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng bộ phim này lại được lấy cảm hứng từ một phim cũ của Xô-viết mang tên Welcome, Or No Trespassing ra đời năm 1964.
Welcome, Or No Trespassing
Nội dung của hai phim không hoàn toàn giống nhau, nhưng về tổng thể có khá nhiều điểm tương đồng. Trong Welcome, Or No Trespassing, nhân vật chính là một cậu bé bị đuổi khỏi trại thiếu niên Young Pioneers và phải lén trở lại vì sợ làm bà mình buồn lòng. Từ những trò tinh nghịch của cậu bé, sự tham gia của các nhân vật người lớn cũng như trẻ em khác trong hành trình của cậu đều giống với câu chuyện của Moonrise Kingdom một cách đáng kinh ngạc.
2. The Force Awakens (A New Hope)
Star Wars: The Force Awakens
Kể từ khi ra đời cách đây vài thập kỷ, loạt phim Star Wars đã trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng của văn hoá Mỹ khi mê hoặc biết bao thế hệ. Nếu là một fan cứng của loạt phim này, sẽ không khó để bạn nhận ra sự giống nhau đáng kinh ngạc giữa phần phim The Force Awakens và "người tiền bối" A New Hope.
Phần "A New Hope"
Bản thân phần phim A New Hope cũng được gợi cảm hứng từ bộ phim Nhật Bản ra đời năm 1958 là The Hidden Fortress khi cùng có nội dung kể về một đế chế tàn bạo đe doạ thống trị vũ trụ cho tới khi có nhóm một chiến binh (trong đó một người là nữ) tới phá huỷ hang ổ chính của chúng. Cốt truyện trên đã một lần nữa được khai thác gần như y hệt trong phần phim The Force Awakens, tuy có sự bổ sung thêm một vài nhân vật mới. Chính vì vậy, ngay từ khi ra rạp năm 2015, nhiều người còn cho rằng The Force Awakens là phần phim... remake của A New Hope.
3. Barb Wire (Casablanca)
"Barb Wire"
Cốt truyện của Barb Wire được đặt trong bối cảnh giả định là thời kỳ nước Mỹ đang phải trải qua cuộc nội chiến thứ hai ở thế kỷ 21. Lúc này, cả đất nước đều đặt trong tình trạng báo động dưới sự cai quản theo kiểu phát xít của quốc hội Mỹ. Nhân vật chính trong phim là Barb Wire do Pamela Anderson thủ vai - chủ nhân gợi cảm của một hộp đêm sầm uất và người săn tiền thưởng có hạng.
"Casablanca"
Khi một chiến binh tự do và đồng thời là người tình cũ của Barb xuất hiện nhờ giúp đỡ, cô đã phải đối mặt với một loạt quyết định khó khăn để cứu anh ta. Với các fan của điện ảnh cổ điển, không khó để nhận ra chi tiết này có sự vay mượn từ bộ phim huyền thoại Casablanca năm 1942. Nhân vật cô nàng Barb Wire nóng bỏng chính là "phiên bản nữ" của nhân vật Rick Blaine do tài tử Humphrey Bogart thể hiện trong bộ phim kinh điển. Tuy nhiên, trong khi Casablanca được vinh danh là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất mọi thời đại, Barb Wire lại bội thu giải thưởng... Mâm Xôi Vàng.
4. Inception (Paprika)
"Inception"
"Bom tấn" Inception của vị đạo diễn tài danh Christopher Nolan luôn được ca ngợi là một trong những bộ phim xuất sắc nhất thế kỷ 21 khi xây dựng nên một thế giới kỳ ảo nơi người ta có thể chia sẻ giấc mơ cùng nhau. Tuy nhiên, ngoài Inception, còn có một bộ phim cũng vô cùng xuất sắc khác khai thác cách sử dụng giấc mơ và ký ức để xây dựng nên cốt truyện độc đáo có phần "hại não".
"Prapika"
Đó là phim hoạt hình khoa học viễn tưởng Paprika của đạo diễn người Nhật Satoshi Kon ra mắt năm 2006 – trước Inception bốn năm. Trong cả hai phim đều có sự hiện diện của một chiếc máy cho phép con người đi vào giấc mơ của nhau để thay đổi tính cách của họ, chỉ khác là trong Paprika, chiếc máy này được sử dụng bởi các nhà trị liệu thay vì kẻ trộm quốc tế như Inception.
5. Avatar (Dance With Wolves)
"Avatar"
Kể về cuộc đấu tranh ngoan cường của dân tộc Na’vi ở hành tinh Pandora chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ, "bom tấn" Avatar của đạo diễn lừng danh James Cameron đã từng làm mưa làm gió khắp các phòng vé trong năm 2009. Nhưng trước đó đã có một bộ phim khác sử dụng chính cốt truyện này, tuy là được đặt trong bối cảnh khác.
"Dance With Wolves"
Đạo diễn Kevin Costner đã kể một câu chuyện tương tự trong bộ phim nổi tiếng Dance With Wolves, khi tái hiện lại cuộc chiến chống quân xâm lược Mỹ da trắng của người Mỹ bản địa. Dù xét về phương diện xây dựng nhân vật và cách kể chuyện, Avatar không thể so được với một tác phẩm nghệ thuật như Dance With Wolves, nhưng những thước phim 3D tuyệt vời của bộ phim đã đủ khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình và khiến Avatar trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tính đến nay.
6. Body Double (Vertigo)
"Body Double"
Bộ phim Body Double (1984) của đạo diễn Brian De Pama có thể nói là một sự tôn vinh tuyệt vời dành cho kiệt tác điện ảnh Vertigo của huyền thoại Alfred Hitchcock. Trong Vertigo, Hitchcock đã truyền tải sự ám ảnh của mình với những phụ nữ tóc vàng xinh đẹp, lạnh lùng vào một câu chuyện tình hoang tưởng đầy sức nặng giữa một viên cựu cảnh sát cùng người đàn bà đẹp mà anh được giao nhiệm vụ theo dõi.
"Vertigo"
Brian De Pama đã tái hiện lại cốt truyện này vào bộ phim mang đậm hơi thở thập niên 80 của mình khi kể câu chuyện về một người đàn ông sau khi chia tay bạn gái đã chuyển đến căn hộ mới và bắt đầu theo dõi người phụ nữ sống ở nhà bên qua chiếc kính viễn vọng. Cũng như câu chuyện trong Vertigo, nhân vật nam chính của Body Double về sau cũng đã khám phá ra những bí ẩn động trời liên quan đến đối tượng theo dõi của mình.
7. Up (Gran Torino)
"Up"
Cùng có cốt truyện chung là một ông lão đau khổ vì mất mát gia đình kết bạn cùng cậu bé hàng xóm người châu Á để rồi từ đó trút bỏ thái độ hoài nghi, cộc cằn và trở nên dễ mến, gần gũi với mọi người xung quanh hơn, cả hai bộ phim Up và Gran Torino (2009) đều được cả giới phê bình cũng như khán giả đại chúng yêu mến. Tuy nhiên, vì là phim hoạt hình hướng đến cả đối tượng trẻ em nên cách thể hiện cùng kết thúc của Up vẫn tươi sáng, nhẹ nhàng hơn Gran Torino.
Gran Torino
8. Looper (Terminator 2)
Một gã sát thủ đến từ tương lai được gửi về quá khứ để ngăn chặn sự trưởng thành của một cậu bé và huỷ hoại tương lai của cậu vì lo sợ khi lớn lên cậu sẽ trở thành kẻ chống đối xã hội. Người mẹ cố gắng bảo vệ cậu khỏi sự truy bắt của kẻ sát nhân. Phải chăng đạo diễn Rian Johnson của Looper (2012) đã "vay mượn" chút ý tưởng từ Terminator 2 (1991) của James Cameron?
"Terminator 2: Judgement Day"