6 nguyên nhân gây buồn nôn, trong đó có nhiều điều mà bạn ít ngờ tới

Thỏ, Theo Trí Thức Trẻ 16:28 17/02/2020

Một khi cảm giác buồn nôn ập đến, chắc hẳn bạn sẽ cố nhớ lại xem bạn đã ăn nhầm thứ gì hoặc nghi ngờ rằng đây là dấu hiệu của việc mang thai. Nhưng có nhiều thứ khác có thể khiến dạ dày bạn bị khó chịu và cảm thấy nôn nao. Vậy đó là những nguyên nhân gì?

1. Căng thẳng hoặc lo lắng

Theo Tiến sĩ Randy Wexler – một bác sĩ nội khoa tại Trung tâm Y tế Wexner, Đại học bang Ohio giải thích rằng: Mặc dù căng thẳng là một loại cảm xúc, nhưng nó lại gây ra một loạt các thay đổi về thể chất trong cơ thể bạn. Bao gồm cả ruột - bộ phận rất nhạy cảm với những cảm giác tiêu cực.

Các dây thần kinh trong ruột có vai trò trong việc mở ra và co lại để đẩy thức ăn đi theo đường tiêu hóa. Nhưng khi gặp căng thẳng hay lo lắng, não của bạn sẽ gửi tín hiệu đến những dây thần kinh gây ra các cơn co thắt. Tất cả những cơn co thắt sẽ làm rối loạn nhịp điệu bình thường của bạn, khiến bạn cảm thấy buồn nôn. 

Khi bị buồn nôn, hãy hít thở sâu để cảm thấy bình tĩnh hơn. Hay nhâm nhi một tách trà gừng hoặc nhai một miếng kẹo gừng vì tính cay có thể làm giảm cảm giác buồn nôn.

2. Bạn có thể đói

Khi bạn hoạt động trong vài giờ mà không ăn, bạn có thể bị hạ đường huyết. Điều đó khiến bạn choáng váng và buồn nôn.

6 nguyên nhân gây buồn nôn, trong đó có nhiều điều mà bạn ít ngờ tới - Ảnh 1.

Bạn nên làm gì lúc này? Hãy ăn hay uống thứ gì đó như một ly nước ép trái cây, một miếng trái cây tươi hoặc khô, hoặc bánh mì. Nạp thêm đường để lượng đường trong máu trở lại bình thường. Đặc biệt, tránh xa các thực phẩm chứa nhiều chất béo hoặc protein. 

3. Uống ít nước

Cảm giác buồn nôn có thể chỉ là do dạ dày đang muốn báo hiệu với bạn là cơ thể đang khát nước. Các tế bào trong cơ thể cần nước để sản xuất protein để giúp dạ dày hoạt động tốt. 

6 nguyên nhân gây buồn nôn, trong đó có nhiều điều mà bạn ít ngờ tới - Ảnh 2.

Khi các tế bào không nhận đủ nước, chúng sẽ ngừng thực hiện nhiệm vụ của mình và khiến bạn cảm thấy buồn nôn. Vì vậy, bạn nên uống đủ nước và bổ sung nước kịp thời để tránh gặp những dấu hiệu nghiêm trọng như mệt mỏi, chóng mặt.

4. Do tác dụng phụ của thuốc

Rất nhiều loại thuốc, thậm chí các loại thuốc bổ sung và thuốc không kê đơn có thể khiến bạn cảm thấy buồn nôn. Đôi khi, việc đặt một loại thuốc giảm đau không kê đơn (như ibuprofen, acetaminophen hoặc NSAID) khi đói bụng thực sự có thể khiến bạn buồn nôn. 

Nếu uống thuốc khi bụng bạn chưa được “lót dạ” , thì các thành phần của thuốc có thể gây kích ứng đến niêm mạc dạ dày. Các chất bổ sung như vitamin C, E và sắt cũng có thể có tác dụng tương tự.

Nếu đang uống bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng để biết các tác dụng phụ. Một vài mẩu bánh mì hoặc một vài lát bánh quy ăn trước khi uống thuốc có thể giảm triệu chứng buồn nôn.

5. Đau nửa đầu

Ít ai biết rằng những cơn đau nửa đầu dữ dội có thể dẫn đến buồn nôn. Các chuyên gia cho rằng cơn đau nửa đầu gây mờ mắt, chóng mặt và khiến bạn cảm thấy khó chịu.

6 nguyên nhân gây buồn nôn, trong đó có nhiều điều mà bạn ít ngờ tới - Ảnh 3.

Nếu bạn cảm thấy đau nửa đầu, việc dùng thuốc giảm đau OTC có thể giúp ích, bác sĩ Arthur nói. Và nếu thuốc giảm đau OTC không hiệu quả hãy tới gặp bác sĩ để được kê toa thuốc theo chỉ dẫn.

6. Nhiễm trùng tai

Nếu bạn cảm thấy nặng tai và buồn nôn, bạn có thể bị nhiễm trùng tai. Nhưng đừng quá lo lắng vì bệnh này hoàn toàn điều trị được. Nhiễm trùng có thể gây ra những thay đổi đối với lượng chất lỏng trong tai. Khi điều đó xảy ra, não nhận được tín hiệu rằng áp lực trong tai bị nhiễm trùng khác với áp lực trong tai khỏe mạnh. Với những tín hiệu này, bạn có thể cảm giác buồn nôn, chóng mặt.

Thông thường, nhiễm trùng tai gây đau tai, cảm giác nặng tai, thay đổi thính giác, nghẹt mũi, nhức đầu và sốt. Nếu bạn nhận thấy những triệu chứng này, hãy đi khám bác sĩ. Họ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để chống lại nhiễm trùng, chỉ vài ngày thôi bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn.

Nguồn: SELF