1. Ngừng quan tâm tới suy nghĩ của người xung quanh
Không ít người luôn e sợ, dè chừng những lời nói, những ánh nhìn của người khác, vì thế mà chẳng dám sống vì mình, sống cho mình. Cũng chính bởi vậy, họ không thể sống thoải mái, từ đó mà sinh cáu giận, bực trách thân phận mình, luôn so sánh, tự ti về bản thân. Nếu cứ giữ quan điểm này thì khó mà sống hạnh phúc được!
Mỗi người chỉ có một cuộc sống, và mỗi chúng ta cũng chỉ có thể kiểm soát được lời nói, hành vi của chính mình chứ không thể thay đổi suy nghĩ của những người khác "một sớm, một chiều" được. Vì vậy, hãy ưu tiên cuộc sống của chính mình và tôn trọng sự khác biệt ở mỗi người.
2. Tiết kiệm tiền
Tiết kiệm tiền chính là xây dựng quỹ dự phòng để giải quyết kịp thời các tình huống bất ngờ có thể xảy ra và giúp chính bạn khi gặp khó khăn như đau ốm, hỏng xe... Hoặc thói quen này cũng có thể hỗ trợ bạn phần nào trong kế hoạch muốn mua xe, tu sửa nhà cửa hay mua nhà mới...
Các chuyên gia kinh tế thường đưa ra lời khuyên nên tiết kiệm khoảng 20% thu nhập cá nhân; tuy nhiên tuỳ vào thu nhập thực tế của mỗi người, bạn có thể linh động điều chỉnh khoản tiết kiệm mỗi tháng của mình là 10-15% tiền lương và cần đảm bảo con số này không nên giảm dưới mức 10%.
3. Quan tâm tới sức khỏe
Hiện nay, các bệnh mãn tính ngày càng trẻ hóa, vì thế những căn bệnh về xương khớp hay thậm chí ung thư, người trước 30 tuổi vẫn có thể nguy cơ mắc bệnh nếu không biết chăm sóc bản thân. Trong khi đó, không ít người trẻ hiện nay theo đuổi lối sống không lành mạnh: ngủ muộn, thứ khuya, hút thuốc, thường xuyên ăn thức ăn nhanh...
Dù ở độ tuổi nào, sức khoẻ vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Không có sức khỏe, chẳng thể làm gì. Có sức khỏe, bạn có thể làm được mọi thứ, có được tự do, có được hạnh phúc nhờ chính mình. Hãy dành ít nhất 30 - 45 phút/ngày để rèn luyện sức khỏe bạn nhé!
4. Đừng ám ảnh về độ tuổi
Thành bại của một người không giới hạn ở bất kỳ độ tuổi nào và thành bại của mỗi chúng ta khác nhau bởi chúng ta khi sinh ra đã là những cá thể khác nhau, được giáo dục theo những cách khác nhau. Nhưng vẫn có không ít người bị tác động bởi những tiêu chuẩn mà dư luận đặt ra: 30 tuổi kết hôn, 40 tuổi sung túc, 50 tuổi nghỉ ngơi...
Nếu cứ mãi theo đuổi những khuôn mẫu ấy thì không chừng có ngày, chúng ta lại gục ngã trước. Muốn đạt được mục tiêu đề ra, bản thân phải thực sự thích thú, đam mê, phải có động lực để chạm đến ước mơ để không từ bỏ giữa chừng. Kiên nhẫn với những gì bản thân đã xác định, chắc chắn sẽ "chạm" đến mục tiêu.
5. Không bỏ lỡ cơ hội
Khi còn trẻ, chắc chắn có không ít người từng bỏ lỡ những cơ hội mà khiến bản thân phải hối tiếc về sau bởi 2 nguyên nhân sau: một là, bản thân còn quá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa dám đón nhận cơ hội, chưa dám bước ra khỏi vùng an toàn; hai là, tuy đã nắm bắt được cơ hội nhưng vì còn quá trẻ, cơ hội ấy lại quá sức so với năng lực của bản thân.
Để không bỏ lỡ một cơ hội nào cũng như không bao giờ phải "ôm" hối tiếc vì những gì đã xảy ra, người trẻ nên tạo ra giá trị cho bản thân bằng cách đọc sách, trau dồi kiến thức từ những người đi trước, tham gia các khóa học kỹ năng... để phát triển bản thân một cách tốt nhất.