5 tháng thất nghiệp “đốt” sạch tiền tiết kiệm cả năm, tôi tự hỏi mình đang làm gì với cuộc đời mình vậy?

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 07:00 18/05/2025
Chia sẻ

Đã không làm ra tiền lại còn ốm đau, nhiều khi cũng chẳng hiểu tại sao đời mình cứ bấp bênh sóng gió mãi thế…

Không đủ trẻ để về nũng nịu khóc lóc với mẹ, rồi bảo “mẹ nuôi con với được không?”, nhưng cũng chưa đủ trưởng thành và vững vàng để tự mình đối mặt với cả ngàn khó khăn đang đợi mình bước qua. Cuối cùng thành ra bất an, tuyệt vọng.

Đây có lẽ là tâm trạng của không ít người đang trong cảnh thất nghiệp. Tiền tiết kiệm - người có nhiều, người có ít, đủ sống vài tháng tới nhưng nếu cái cảnh không thu nhập cứ tiếp diễn thì…

Không làm ra tiền, nghĩ kiểu gì cũng vẫn thấy lo…

Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ chuyện đi làm - kiếm việc của dân công sở, một người dùng đã chia sẻ nỗi lòng ở chế độ ẩn danh, nguyên văn như sau: “Năm nay mình 30 tuổi, đã thất nghiệp được hơn 5 tháng. Đi làm gần 7 năm nhưng đến năm 2023 mình mới bắt đầu tiết kiệm được một ít, trước đó đầu tư và hùn vốn làm ăn nhưng đổ bể, may không nợ nhưng cũng không để được nhiều.

Chẳng biết mình cầm cự được thêm bao lâu nữa. Tiền tiết kiệm đã hết, gần đây mình có chạy giao hàng, giao đồ ăn nhưng vì từ xưa đến giờ sức khỏe vốn yếu, không quen bêu nắng nhiều cũng chẳng rành đường xá nên tiền ship cũng chỉ vừa đủ bù tiền xăng. Có đợt ốm mà không dám đi khám cho tử tế, chỉ mua thuốc giảm đau về uống. Mình thấy mệt mỏi, tuyệt vọng quá mọi người ạ, không biết mình đang làm gì với cuộc đời mình nữa”.

5 tháng thất nghiệp “đốt” sạch tiền tiết kiệm cả năm, tôi tự hỏi mình đang làm gì với cuộc đời mình vậy?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Khoảng thời gian gần đây, cũng không khó để bắt gặp những tâm tư tương tự như trên, trong các cộng đồng trên Facebook. Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh, một khó khăn khác nhau nhưng tất cả lại đều “gặp” nhau ở một điểm: Bỗng dưng thất nghiệp và mãi… không tìm được việc khác nên chẳng có thu nhập.

5 tháng thất nghiệp “đốt” sạch tiền tiết kiệm cả năm, tôi tự hỏi mình đang làm gì với cuộc đời mình vậy?- Ảnh 2.

Bàng hoàng xen lẫn hoang mang vì thất nghiệp ở tuổi 47…

5 tháng thất nghiệp “đốt” sạch tiền tiết kiệm cả năm, tôi tự hỏi mình đang làm gì với cuộc đời mình vậy?- Ảnh 3.

Có người bật khóc, có người rơm rớm,... khi nghe tin bản thân có tên trong danh sách cắt giảm nhân sự…

Với những gì đang diễn ra trong thị trường lao động, có lẽ chúng ta phải thừa nhận một sự thật: Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, dù vốn kinh nghiệm còn non nớt hay đã dày dặn nhiều thập kỷ, bất kỳ ai cũng có thể rơi vào cảnh bỗng dưng thất nghiệp, loay hoay nhiều tháng trời vẫn chưa có được một nguồn thu nhập ổn định trở lại. Đương nhiên, nếu được lựa chọn, chẳng ai lại chọn cho mình viễn cảnh khó khăn đến thế.

Nhưng biết làm sao được? Thứ duy nhất chúng ta có thể làm, và có thể lựa chọn, chính là tự “dọn cho mình một đường lui”, để không quá chông chênh, không rơi vào bế tắc nếu có không may thất nghiệp trong trạng thái bị động.

3 việc nên làm ngay lúc này

Nếu bạn vẫn đang có công việc, có một nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, việc đầu tiên cần làm chắc chắn là trân trọng những gì mình đang có, và nỗ lực hoàn thành tốt những gì được giao. So với rất nhiều người đang thất nghiệp, vừa mới bị sa thải, những người có việc để làm và được trả đủ lương, hẳn là những người may mắn.

Nhưng đồng thời, bạn vẫn nên tự chuẩn bị cho mình một “plan B”, phòng trường hợp không mong muốn.

1 - Chi tiêu ở mức tối thiểu, tiết kiệm và dự phòng tối đa

Đừng ỷ lại vào việc “thu nhập vẫn đang tốt mà” để vung tay quá trán, thờ ơ với việc xây dựng quỹ dự phòng và tiền tiết kiệm. Vì chẳng có gì chắc chắn trong tương lai gần, chúng ta vẫn còn duy trì được nguồn thu nhập như xưa. Tới lúc thu nhập giảm, hoặc thậm chí là không còn thu nhập, mà trong người lại chẳng còn tiền, cuộc sống sẽ ra sao?

5 tháng thất nghiệp “đốt” sạch tiền tiết kiệm cả năm, tôi tự hỏi mình đang làm gì với cuộc đời mình vậy?- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Chỉ cần nghĩ thế thôi, bạn sẽ hiểu tại sao nên cắt giảm chi tiêu để tập trung xây dựng quỹ dự phòng và tiền tiết kiệm.

Nếu đã đang có thói quen tiết kiệm, dự phòng tiền bạc, cũng hãy cố duy trì và tăng thêm tỷ lệ “tiền để dành” hàng tháng. Chẳng có gì bất an và đáng sợ hơn việc đã không có thu nhập, còn không có cả tiền tiết kiệm lẫn tiền dự phòng. Việc này, nếu là người trưởng thành, đã đi làm và đang phải chăm lo cho gia đình, chắc hẳn ai cũng hiểu.

2 - Cố gắng đa dạng thu nhập

Giảm chi tiêu rồi thì cũng nên giảm thời gian thư giãn, vui chơi để tăng thời gian làm việc, kiếm tiền. Không phải tự nhiên mà người ta lại bảo “thời gian là vàng là bạc”.

Thời buổi khó khăn, hãy cố gắng làm nhiều nhất có thể, kiếm được thêm đồng nào hay đồng ấy. Ban ngày làm văn phòng, buổi tối có thể nhận thêm những công việc khác đúng sở trường để đa dạng hóa thu nhập, hoặc chạy xe ôm công nghệ, làm shipper,... Miễn sao, đừng để bản thân chỉ có một nguồn thu nhập là được.

Việc này không chỉ giúp bạn đảm bảo duy trì được tiền tiết kiệm và quỹ dự phòng, mà còn giống như một “chiếc phao” trong trường hợp không may mất đi công việc - nguồn thu nhập chính.

3 - Không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ

Trong bối cảnh làn sóng sa thải vẫn còn chưa lắng xuống và AI đang phát triển từng ngày như hiện tại, nếu cứ tặc lưỡi hài lòng với kinh nghiệm, kiến thức của bản thân mà không chịu học hỏi, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, khả năng bị thay thế, đào thải là rất lớn.

Học không bao giờ là thừa, dù đang ở độ tuổi nào đi chăng nữa. Bởi thế, đừng trì hoãn việc nâng cấp bản thân - theo mọi nghĩa. Đây cũng chính là việc “tự mua bảo hiểm cho bản thân”. Đợi đến lúc bị sa thải, đến khi thấy bản thân thực sự không có thế mạnh giữa hàng trăm những CV ứng tuyển khác, mới rục rịch đi học, thì có lẽ cũng đã là muộn mất rồi.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày