Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, một cô vợ 30 tuổi đã trải lòng về tình cảnh có phần “ngoài dự đoán” của bản thân. Tâm sự của cô ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm, đồng cảm, âu cũng bởi… làn sóng cắt giảm nhân sự đẩy chúng ta vào một tình cảnh chung: Thất nghiệp!
Nguyên văn chia sẻ của cô vợ 30 tuổi như sau: “Em 30 tuổi còn chồng 34 tuổi. Bọn em có 2 thiên thần nhỏ. Trước đây thu nhập trung bình của 2 đứa được khoảng 30 triệu/tháng.
Ảnh minh họa
Sau 8 năm lấy nhau, bọn em tích góp được 1,7 tỷ đồng. Gần đây thì người thân - bạn bè hỗ trợ cho vay 1,8 tỷ không lấy lãi, nên bọn em đã quyết định mua nhà 3,5 tỷ ở Yên Nghĩa (Hà Nội) mục đích để cho thuê.
Còn gia đình em vẫn đang ở nhờ nhà ông bà ngoại, ông bà có nhà trên Hà Nội cho con cháu ở trông nhà thôi còn ông bà vẫn ở quê.
Khi mua nhà xong, em cho thuê nhà được 8 triệu/tháng, cộng với khoảng 15 triệu tiết kiệm được mỗi tháng, em tích vào để trả dần người thân, bạn bè.
Nhưng sau khi mua nhà được 5 tháng thì em thất nghiệp. Hiện giờ em đang rất chông chênh, không biết làm gì, bắt đầu từ đâu, bao giờ mới trả hết nợ. Công việc của em giờ quá bão hòa, em không muốn làm công việc đó nữa nhưng cũng không biết giờ làm gì. Đầu óc em nặng nề vô cùng, cũng hay khóc nữa. Chồng em thì khuyên cứ nghỉ ngơi cho thoải mái rồi tính tiếp nhưng hơn 1 tháng rồi, em vẫn chưa tìm được việc phù hợp. Mỗi tháng chỉ trả nợ được 8 triệu từ tiền cho thuê nhà, càng nghĩ em càng thấy nặng nề”.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người động viên cô vợ này cố gắng, cùng lắm nếu không chịu được áp lực tiền bạc, nợ nần thì bán nhà lấy tiền trả nợ. Nhà Hà Nội bây giờ dù sao cũng không lo mất giá, chẳng sợ lỗ. Nghĩ thế cho đỡ nặng nề, để còn tâm sức mà đi tìm việc, kiếm tiền.
“Nếu kẹt quá thì em nên bán nhà, vì giờ chắc chắn có lãi rồi. Trả nợ xong, số tiền còn lại thì em có thể nghĩ đến phương án kinh doanh hoặc mua đất chỗ khác, cũng coi như là đầu tư. Nói chung là em đang tự áp lực thôi chứ tình hình không tệ đến vậy đâu, nghe chồng, cứ thoải mái rồi đâu sẽ có đó” - Một người động viên.
“Nỗi lo tài chính là thật, nhưng nhìn lại khoản vay của chị thì chủ yếu là từ người thân, không lãi suất. Điều này đã giảm áp lực rất nhiều so với vay ngân hàng. Cho thuê thu được 8 triệu/tháng đã là nguồn thu ổn định trong lúc này rồi. Mỗi tháng trả nợ 8 triệu, cộng với 15 triệu còn lại sau chi tiêu gia đình, vẫn đang đủ để xoay vòng. Chủ nợ còn chưa đòi gấp, thì mình cố gom góp hết sức thôi, bao giờ họ đòi mà không có thì hẵng tính chuyện bán nhà trả nợ chị à” - Một người khác khuyên.
“Nói thật bạn vẫn còn cái nhà cho thuê là có nguồn tiền 8 triệu/tháng, còn có chồng tâm lý động viên, đồng hành. Vậy là may mắn hơn rất nhiều người rồi đó. Có người bị thất nghiệp ở tuổi 35-40 mà cũng không có gì dự phòng phía sau luôn, bố mẹ thì già yếu, con cái 2 đứa mà họ vẫn đứng lên xây lại từ đầu. Chẳng qua bạn chưa vượt qua được cú shock thất nghiệp thôi. Cứ từ từ rồi sẽ bình tĩnh, sẽ thấy mọi chuyện chưa tệ như bạn đang nghĩ đâu” - Một người phân tích.
Nếu quyết định vay tiền mua nhà, bạn cần lưu tâm 3 vấn đề dưới đây, để phòng trường hợp mua nhà xong, áp lực trả nợ lại trở thành gánh nặng quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống.
1 - Phương án tính toán khoản vay mua nhà
Để khoản vay mua nhà không ảnh hưởng tới chi tiêu, sinh hoạt chung của bản thân hoặc gia đình, bạn có thể áp dụng quy tắc 28/36.
Quy tắc 28/36 có nguồn gốc từ các ngân hàng Mỹ, thường được dùng để xem xét các khoản vay thế chấp mua nhà không được chính phủ hậu thuẫn. Quy tắc này vừa giúp phía ngân hàng chọn lọc được khách vay có khả năng chi trả tốt, vừa giúp người đi vay mua nhà tự cân nhắc khả năng tài chính của bản thân.
Ảnh minh họa
Theo quy tắc 28/36: Bạn chỉ nên dành tối đa 28% tổng thu nhập hàng tháng của mình cho khoản vay mua nhà, và tối đa 36% thu nhập cho toàn bộ các khoản vay khác.
Ví dụ: Thu nhập hàng tháng của bạn là 40.000.000 đồng. Như vậy, trong 1 tháng:
- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho khoản vay mua nhà là: 40.000.000 x 28% = 11.200.000.
- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho tất cả các khoản nợ khác (bao gồm cả nợ vay mua nhà) là: 40.000.000 x 36% = 14.400.000.
2 - Ưu tiên vay tiền người thân trước khi vay ngân hàng
Nếu bắt buộc phải vay tiền mua nhà, hãy ưu tiên vay người thân trước khi vay ngân hàng, vì thông thường, vay người thân sẽ không mất lãi; hoặc nếu lãi, khoản lãi có thể cũng sẽ “nhẹ nhàng” hơn nhiều lãi vay ngân hàng.
Vậy nên, cố gắng vay tiền người thân, đồng thời lên kế hoạch tiết kiệm để trả nợ cho họ, rồi xem còn thiếu bao nhiêu, hãy vay ngân hàng.
3 - Tính toán cả khả năng bị giảm thu nhập sau khi vay tiền mua nhà/BĐS
Khi thu nhập ổn định, việc trả nợ hàng tháng có thể không phải áp lực quá lớn. Tuy nhiên, cuộc sống luôn tiềm ẩn những bất trắc như mất việc, ốm đau, hoặc các vấn đề kinh tế khác có thể dẫn đến giảm hoặc mất thu nhập. Nếu đã quyết định vay tiền mua nhà hoặc mua BĐS, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại, đừng bao giờ bỏ qua khả năng bản thân có thể bị giảm thu nhập/mất thu nhập.
Việc trả nợ mua nhà là một cam kết tài chính dài hạn và thường chiếm một phần không nhỏ trong thu nhập hàng tháng. Nếu không tính toán đến khả năng giảm thu nhập, bạn có thể phải thắt chặt chi tiêu quá mức khi tình huống xấu xảy ra, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình. Việc có sự chuẩn bị trước giúp bạn có thể duy trì một mức sống chấp nhận được ngay cả khi thu nhập bị ảnh hưởng.