Mới đây, dòng tâm sự của người vợ trong group chi tiêu nhận về rất nhiều bình luận ý kiến trái chiều. Bởi chị tâm sự, sau 10 năm kết hôn, vợ chồng vẫn không dư được đồng nào. Nguyên nhân đến từ việc người chồng đưa rất ít tiền chi phí sinh hoạt, thậm chí,... không đưa đồng nào được cho vợ.
Cụ thể, người vợ tâm sự: "Dù đã 10 năm nhưng lúc nào mình cũng trong tình trạng bế tắc về tiền bạc. Từ lúc cưới mình luôn quan điểm với chồng muốn quy thu nhập 2 vợ chồng về 1 mối nhưng chồng mình đều không đồng ý vì nhiều lý do theo từng giai đoạn.
Cá nhân mình thấy chồng là một người khá tuyệt vời, ổn áp về mọi mặt. Chăm vợ chăm con, lo quán xuyến gia đình, chỉ có điều không thích nộp tiền cho vợ. Chồng mình cũng là tuýp người yêu bản thân, kiểu đầu tư chăm chút cho bản thân và thường xuyên nhậu nhẹt giao lưu. Vì anh kinh doanh nên mình cũng tạo điều kiện để ra ngoài giao lưu nhậu nhẹt.
Chồng mình kinh doanh, thời gian đầu lương chỉ tầm 7 triệu thì anh nói không đủ tiêu, và còn kinh doanh thêm nữa nên cần cầm tiền linh hoạt mua bán các thứ nên đa số chi tiêu trong gia đình là tiền lương mình và mình có làm thêm nên cũng đủ chi tiêu trong gia đình. Mình ở quê nên nếu chi tiêu chắt bóp thì cũng gắng được.
1 thời gian sau mình không có làm thêm nữa vì bận con nhỏ thì anh có chuyển cho mình khoảng 5 triệu/tháng để lo cho gia đình 4 người có 2 con nhỏ, thêm lương của mình khoảng 7 triệu/tháng. Mình chi tiêu rất chật vật nhưng mình nghĩ chồng còn kinh doanh nữa nên mình cũng cố gắng.
Có một thời gian anh có về khoe với mình là làm ăn rất được, nhưng chưa bao giờ anh có ý định đưa tiền cho vợ cầm mà bảo dùng để kinh doanh và trả lãi mua xe. Bẵng một thời gian mình phát hiện anh bể nợ, mình phải bán xe để anh trả nợ, giờ vẫn còn nợ 1 ít nhưng mình để anh tự trả. Giờ anh cũng trả hết rồi thì thời gian vừa rồi mình đề xuất là anh góp 8 triệu/tháng vì thật sự mình tiêu rất chật vật. Do lương cứng của anh chỉ 10 triệu còn khoản ngoài không cố định nên mình chỉ yêu cầu từng đó. Dù tăng lên mình cũng chỉ chi tiêu trong gia đình trong khoản đó chứ ko thể tiết kiệm được đồng nào.
Hôm qua anh bảo mình là anh cất được 100 triệu, nhưng anh để đầu tư, việc của anh mình không cần quan tâm. Ý mình hiểu đó là tiền riêng của anh và đừng xen vào việc đó.
Mình đã rất thất vọng và mệt mỏi. Mình khóc rất nhiều nhưng anh nói mình làm quá lên. Thật sự chưa khi nào mình được giữ lương chồng, tiền thì không đủ sống, nghĩ cho chồng còn kinh doanh này kia, còn chồng thì ăn tiêu thoải mái, giờ cất cả quỹ riêng và xem như chuyện đương nhiên vì chồng kiếm được nhiều tiền hơn. Mình buồn mấy hôm không ngủ được.
Bọn mình cưới đã 10 năm, không đất không nhà không xe không một khoản chung hay tiết kiệm gì. Theo mọi người mình nên làm gì ạ?".
Ảnh minh hoạ
Bên dưới bài đăng, nhiều người đã bình luận cảm thông với người vợ. Hầu hết đều khuyên người vợ nên nói chuyện lại với chồng để thống nhất việc quản lý tiền riêng - tiền chung của gia đình. Về lâu dài, nếu vẫn còn giữ tình trạng tiền lương hai vợ chồng theo kiểu "mạnh ai nấy tiêu" thì tình hình tài chính của gia đình khó lòng được cải thiện.
Một số bình luận góp ý:
- "Giờ bạn phải thống nhất chi tiêu ra. Tiền chi tiêu cho 2 con các thứ liệt kê ra, tiền ăn uống ghi lại hết cộng lại chia đôi, chăm con thì chia đều ra. Nói chung là cứ cộng lại rồi chia ra đều nhau, nếu như ổng góp 5 triệu lương, bà 7 triệu thì bà cũng góp 5 triệu thôi, còn dư 2 triệu, nếu phát sinh thì góp lại chia đôi. Ổng có khoản riêng bà cũng phải có khoản riêng chứ, lỡ bà đau ốm bệnh tật thì sao? Nếu góp hết lương mà vẫn thiếu thì tìm cách gia tăng thu nhập cho mình thôi nè bà. Người đàn ông mà muốn đưa là đưa liền không cần mình nói".
- "Theo mình thì tiền phải quy về một mối. Tiền ai nấy xài thì cũng giống như 2 người ở ghép không có phải là gia đình".
- "Ngoài khoản chi tiêu hàng tháng chị đề xuất 2 vợ chồng có thêm 1 quỹ chung để tiết kiệm, một là phòng ốm đau, hai là những dự định lớn trong tương lai. Chứ gia đình chị không có định hướng tương lai sẽ mua nhà, mua xe hay làm gì cần đến tiền hay sao mà không có quỹ ạ?".
- "Bạn đã sai ngay từ đầu, không thống nhất dứt khoát với chồng. Không giữ tiền cũng được nhưng mỗi tháng bạn bắt chồng phải góp thêm tiền nuôi con và sinh hoạt, chứ như này chẳng khác nào bạn tự đẻ con tự nuôi".
- "Chồng mình dù lương bao nhiêu vẫn auto đưa vợ, cũng chả biết lương vợ bao nhiêu luôn. Nhưng mình luôn chủ động chia sẻ. Còn việc ai giữ tiền người đó là do mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Quan điểm của từng người khác nhau. Với mình, vợ chồng phải có trách nhiệm san sẻ để cuộc sống tốt lên, còn giữ bo bo bảo là muốn làm ăn kinh doanh mà để vợ lo hết cho cuộc sống thì đó là 'ích kỷ'".
Ảnh minh hoạ
Nhiều cặp đôi sau khi kết hôn mới nhận ra rằng: Yêu nhau là một chuyện, còn sống chung – nhất là sống chung về tài chính – lại là một chuyện hoàn toàn khác. Người thì quen tiêu hoang, người lại thích tiết kiệm. Người coi tiền là công cụ hưởng thụ, người thì xem nó là nền tảng để tích luỹ tương lai. Nếu không thống nhất cách quản lý tài chính, thì dù yêu thương đến mấy, cuộc sống hôn nhân cũng dễ rạn nứt vì những chuyện tưởng chừng rất nhỏ.
1. Ngồi xuống nói chuyện nghiêm túc về tiền
Nhiều cặp đôi cho rằng "không nên nói về tiền quá sớm", nhưng thực tế thì: nói chuyện sớm sẽ tránh được rắc rối muộn. Ngay từ khi chuẩn bị kết hôn, hai người nên chia sẻ thẳng thắn về: Tổng thu nhập mỗi tháng; các khoản nợ (nếu có); mức chi tiêu cá nhân; Quan điểm về tiết kiệm, đầu tư, chi tiêu.
Bạn sẽ bất ngờ khi biết có những cặp vợ chồng sống 5–10 năm mới phát hiện ra nhau có nợ tín dụng, vay ngoài, đầu tư mạo hiểm… chỉ vì ngại nói về tiền. Trong khi đó, chỉ một cuộc trò chuyện vào buổi tối cuối tuần, với giấy bút rõ ràng, cũng có thể giúp cả hai hiểu được cách người kia "xem tiền như thế nào".
2. Lập một "quỹ chung" – nhưng không bỏ qua "quỹ riêng"
Một nguyên tắc phổ biến được nhiều cặp áp dụng là: 70% thu nhập của cả hai sẽ gộp vào quỹ chung, dùng cho sinh hoạt, con cái, tích luỹ, đầu tư. Còn lại, mỗi người giữ lại 30% làm quỹ cá nhân, để tiêu những gì mình muốn mà không cần xin phép hay giải trình.
Quỹ chung có thể dùng để: Trả tiền nhà, điện nước, ăn uống; Đóng học cho con, mua bảo hiểm, chi phí y tế; Tiết kiệm cho các mục tiêu lớn: mua xe, mua nhà, đi du lịch, nghỉ hưu
Trong khi đó, quỹ cá nhân giúp giữ được cảm giác tự do trong hôn nhân. Người vợ có thể mua mỹ phẩm, quần áo mình thích; người chồng có thể mua máy ảnh, đồ công nghệ, hay đơn giản là café cuối tuần với bạn bè.
3. Họp tài chính định kỳ - như một cuộc "hẹn hò có mục tiêu"
Hãy hình thành thói quen họp tài chính mỗi tháng, có thể vào cuối tuần, sau bữa tối. Mỗi lần họp, hai vợ chồng có thể cùng nhau:
- Nhìn lại chi tiêu tháng qua: có gì vượt kế hoạch?
- Xem xét khoản tiết kiệm: đã tích được bao nhiêu?
- Cập nhật kế hoạch tài chính: mục tiêu nào đã đạt? Mục tiêu nào cần điều chỉnh?
Nhiều người nghĩ việc này nhàm chán, nhưng khi làm quen, bạn sẽ thấy mỗi lần họp là một lần hiểu nhau hơn, có thể cùng nhau lên kế hoạch du lịch, đổi nhà, gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư sinh lời.
4. Đừng giấu tiền – mà hãy cùng nhau "giấu" để phòng thân
Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến rạn nứt là giấu quỹ đen, đầu tư riêng, cất tiền riêng mà không thông báo. Điều này làm suy giảm niềm tin và có thể dẫn đến hiểu lầm nghiêm trọng.
Nếu muốn có khoản dự phòng riêng, hãy thống nhất với nhau rằng: Mỗi người có thể để riêng một khoản "quỹ khẩn cấp" (ví dụ 3–6 tháng thu nhập) để dùng trong tình huống bất ngờ. Nhưng phải rõ ràng và minh bạch: người kia biết có tồn tại khoản đó Khi đã đủ tin tưởng và đồng thuận, việc "có khoản riêng" không còn là vấn đề. Nó chỉ trở nên nguy hiểm khi một người giấu quá nhiều thứ khỏi người kia.