Thất nghiệp chủ động thì còn có thể thảnh thơi, thư giãn vui chơi một thời gian, chứ thất nghiệp bị động thì khác. Trạng thái bỗng dưng không việc làm, không thu nhập khiến người ta dễ rơi vào tình cảnh hoài nghi năng lực của chính mình, để rồi tự ti và cứ băn khoăn mãi: "Chẳng lẽ mình không đủ giỏi, mình kém đến vậy sao?".
Chỉ cần tưởng tượng thôi, ai cũng có thể hình dung được phần nào cảm giác ấy ám ảnh ra sao, đặc biệt là với người trẻ - những người chưa có nhiều kinh nghiệm lẫn trải nghiệm trong thị trường lao động, đã phải đối mặt với làn sóng sa thải.
Tâm sự của cô gái 24 tuổi trong câu chuyện dưới đây, tiếc thay, lại là một trường hợp như vậy.
"Chênh vênh tuổi 24... Kết thúc 5 ngày nghỉ lễ, lại tất bật xuống Hà Nội, giả vờ tất bật đi làm... Nhiều lúc nghĩ thấy khó khăn quá, cứ muốn về với bố mẹ..." - Cô viết.
Muốn bỏ Hà Nội về quê vì quá mệt mỏi với hành trình tìm việc, nhưng như vậy lại sợ bố mẹ lo lắng (Ảnh chụp màn hình)
Không than vãi dài dòng, cũng chẳng kể khổ, chỉ với vài dòng ngắn ngủi, cô gái này đã nói thay tâm trạng của biết bao người lúc này: Nửa muốn về quê, nửa muốn bám chấp ở thành phố. Bản thân cứ bị dằn vặt ở cái điểm chính giữa đó, bỏ không được mà cố thì cũng chẳng biết cố được đến bao giờ. Mệt mỏi quá, chênh vênh quá, muốn về nhà với bố mẹ cho đỡ áp lực nhưng lại sợ vậy thì bố mẹ lo...
Không ít bạn trẻ chia sẻ tình cảnh thất nghiệp nhưng không dám ở nhà lâu vì sợ bố mẹ lo lắng...
"Cố gắng lên bạn ơi. Mình cũng từng trải qua cảnh như bạn rồi. 24 tuổi, thất nghiệp, công việc không ổn định và cũng phải mất 2 năm, mãi tới năm 26 tuổi mình mới kiếm được công việc hiện tại. Mệt quá thì về với bố mẹ 1-2 tuần cho có tinh thần, rồi lại tiếp tục cố gắng, kiểu gì cũng sẽ tìm được việc phù hợp thôi bạn ạ" - Một người an ủi.
"Cái cảm giác thất nghiệp khi chưa tìm được định hướng của bản thân thật đáng sợ. Ai cũng có những khoảng thời gian khó khăn, cố lên bạn nhé" - Một người khác động viên.
Giai đoạn thất nghiệp - đặc biệt là thất nghiệp bị động, thường kéo theo một loạt cảm xúc tiêu cực: Buồn bã, lo lắng, thậm chí là tức giận và mặc cảm. Việc chuẩn bị tinh thần và tài chính cho giai đoạn này đóng vai trò như một "tấm khiên" vững chắc, giúp bạn duy trì sự lạc quan, kiên trì và không đánh mất niềm tin vào bản thân.
Giai đoạn thất nghiệp có thể ập đến bất ngờ và mang theo nhiều xáo trộn về mặt tinh thần. Để không rơi vào tuyệt vọng, việc chuẩn bị tâm thế là vô cùng quan trọng.
Ảnh minh họa
Trước hết, hãy chấp nhận và đối diện với thực tế, cho phép bản thân trải qua những cảm xúc tiêu cực nhưng không để chúng kéo dài. Thay vì nhìn nhận đây là sự mất mát, hãy cố gắng chuyển hóa thành cơ hội để đánh giá lại bản thân, khám phá những đam mê tiềm ẩn, học hỏi kỹ năng mới và dành thời gian cho những điều mình trân trọng.
Duy trì một lịch trình hàng ngày khoa học với những thói quen tích cực như thức dậy đúng giờ, tập thể dục, và theo đuổi sở thích cá nhân sẽ giúp bạn giữ vững nhịp điệu cuộc sống. Bên cạnh đó, việc xây dựng và duy trì mạng lưới hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp cũ là vô cùng cần thiết. Đừng ngần ngại chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần.
Cuối cùng, hãy chú trọng chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần bằng cách ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng. Một tinh thần vững vàng chính là "tấm khiên" kiên cố giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Về mặt tài chính, sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực và có thêm thời gian tập trung vào việc tìm kiếm cơ hội mới.
Ảnh minh họa
Bước đầu tiên là đánh giá toàn diện tình hình tài chính hiện tại, bao gồm các nguồn thu nhập (dù là nhỏ nhất), các khoản chi tiêu hàng tháng và tổng tài sản bạn đang có. Mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng một quỹ dự phòng thất nghiệp đủ để trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản trong ít nhất 3-6 tháng.
Để làm được điều này, hãy ưu tiên tiết kiệm ngay từ khi còn có thu nhập ổn định và cắt giảm những chi tiêu không cần thiết khi đối diện với nguy cơ thất nghiệp. Lập một kế hoạch chi tiêu chi tiết cho từng tháng, ưu tiên các khoản thiết yếu và theo dõi chặt chẽ việc thực hiện.
Nếu có các khoản nợ, hãy xem xét khả năng cơ cấu lại để giảm bớt gánh nặng. Đồng thời, tìm hiểu về các khoản hỗ trợ thất nghiệp mà bạn có thể đủ điều kiện nhận. Duy trì tinh thần tiết kiệm ngay cả khi đã có công việc mới sẽ giúp bạn xây dựng một "pháo đài" tài chính vững chắc cho tương lai.