5 loại trà là ‘thuốc hạ huyết áp tự nhiên’, uống sớm hưởng lợi sớm: 4 loại đầu rất sẵn ở Việt Nam

Lam Chi, Theo Đời sống pháp luật 10:15 24/11/2023
Chia sẻ

Một số loại trà mà nhiều người nhấm nháp uống mỗi ngày hóa ra có lợi ích tuyệt vời trong việc hạ huyết áp, ngừa bệnh tật.

Huyết áp cao hay tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới đau tim và đột quỵ. Mặc dù huyết áp cao thường được điều trị bằng thuốc và các thay đổi về lối sống, nhưng một số loại thực phẩm từ tự nhiên, trong đó có các loại trà, có thể giúp ích trong việc hạ huyết áp.

Một nghiên cứu được đăng tải vào năm 2019 trên Tạp chí Nutrients cho thấy các thành phần trong trà có tác dụng thư giãn mạch máu, cải thiện chức năng của động mạch, giảm viêm và điều chỉnh một số yếu tố có liên quan tới huyết áp trong cơ thể.

Chuyên trang y tế Healthline đưa ra danh sách 5 loại trà tốt nhất giúp kiểm soát huyết áp cao, đó là: trà dâm bụt, trà xanh, trà táo gai, trà hoa cúc, trà lá ô liu.

5 loại trà giúp hạ huyết áp tự nhiên

Trà dâm bụt

5 loại trà là ‘thuốc hạ huyết áp tự nhiên’, uống sớm hưởng lợi sớm: 4 loại đầu rất sẵn ở Việt Nam - Ảnh 1.

Trà dâm bụt được làm từ cánh hoa dâm bụt khô. Loại trà này có màu đỏ đẹp mắt và vị chua nhẹ. Trong trà dâm bụt có các hợp chất thực vật, bao gồm anthocyanin và polyphenol. Các hợp chất này đều có tác dụng thư giãn mạch máu, giảm huyết áp tâm thu và tâm trương.

Một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Khoa học Y tế Mashhad (Iran) cho thấy uống trà dâm bụt thường xuyên có tác dụng hạ huyết áp. Chính vì thế, trà dâm bụt được coi là ‘thuốc hạ huyết áp tự nhiên’.

Ngoài ra, các nghiên cứu đều cho thấy dâm bụt rất giàu các chất chống oxy hóa khác như beta-carotene, vitamin C. Chất chống oxy hóa giúp tiêu diệt các gốc tự do - phân tử có hại - trong cơ thể. Gốc tự do là tác nhân làm các tổn thương tế bào, từ đó dẫn tới hình thành ung thư, bệnh tim và tiểu đường. Chính vì thế, tiêu thụ một loại đồ uống giàu chất chống oxy hóa như trà dâm bụt sẽ góp phần giúp cơ thể chống lại bệnh tật.

Trà xanh

5 loại trà là ‘thuốc hạ huyết áp tự nhiên’, uống sớm hưởng lợi sớm: 4 loại đầu rất sẵn ở Việt Nam - Ảnh 2.

Trà xanh là một loại đồ uống cực phổ biến. Trà xanh chứa các hợp chất có hoạt tính sinh như catechin, đặc biệt là epigallocatechin gallate (EGCG), có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau, bao gồm cả giảm huyết áp.

Một nghiên cứu năm 2023 được đăng tải trên Tạp chí BMC Public Health cho thấy tiêu thụ trà xanh nói chung - với liều lượng và thời gian bất kỳ - đều có liên quan tới việc giảm huyết áp tâm thu. Nghiên cứu này có sự tham gia của hơn 76.000 người.

Trà táo gai

5 loại trà là ‘thuốc hạ huyết áp tự nhiên’, uống sớm hưởng lợi sớm: 4 loại đầu rất sẵn ở Việt Nam - Ảnh 3.

Trà táo gai được làm từ quả của cây táo gai, có vị hơi ngọt và chua nhẹ. Theo dân gian, trà táo gai tốt cho sức khỏe tim mạch khi có thể làm giãn mạch máu, cải thiện lưu thông máu và hạ huyết áp.

Một đánh giá năm 2020 về 4 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy chế phẩm từ táo gai (dạng viên hoặc dạng lỏng) có tác dụng giảm đáng kể huyết áp ở những người bị tăng huyết áp nhẹ (tiền tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp giai đoạn 1) khi dùng trong ít nhất 12 tuần.

Mặc dù các thử nghiệm này đều không liên quan cụ thể tới trà táo gai nhưng điều đáng chú ý là nhiều hợp chất tương tự có trong trà táo gai đều góp phần mang lại những tác dụng này.

Trà hoa cúc

5 loại trà là ‘thuốc hạ huyết áp tự nhiên’, uống sớm hưởng lợi sớm: 4 loại đầu rất sẵn ở Việt Nam - Ảnh 4.

Trà hoa cúc vốn nổi tiếng là ‘thần dược’ cho giấc ngủ khi có thể giúp giảm căng thẳng, tăng cảm giác thư giãn. Tác dụng này gián tiếp mang lại lợi ích cho huyết áp.

Trà hoa cúc có nhiều hợp chất có lợi như flavonoid, terpenoid và coumarin. Một nghiên cứu vào năm 2020 được thực hiện tại Ấn Độ nhấn mạnh tiềm năng của trà hoa cúc trong việc chống viêm, chống oxy hóa, bảo vệ gan, điều hòa huyết áp và ngăn ngừa ung thư.

Trà lá ô liu

5 loại trà là ‘thuốc hạ huyết áp tự nhiên’, uống sớm hưởng lợi sớm: 4 loại đầu rất sẵn ở Việt Nam - Ảnh 5.

Trà lá ô liu được làm từ lá của cây ô liu và có hương vị thơm ngon. Loại trà này chứa các hợp chất như oleuropein và hydroxytyrosol có tác dụng hỗ trợ điều hòa huyết áp bằng cách thư giãn mạch máu.

Trong một nghiên cứu năm 2017, 31 người tham gia đã uống trà lá ô liu trong 28 tuần. Kết quả cho thấy huyết áp tâm thu và tâm trương của họ đều giảm đáng kể trong vòng 4 tuần.

Một điểm đáng lưu ý đó là trong số người tham gia nghiên cứu này, có những người đã được chẩn đoán mắc tiểu đường loại 2 và tiền tăng huyết áp. Họ đều đạt được mức huyết áp tiêu chuẩn sau khi uống trà lá ô liu.

Uống bao nhiêu trà để có tác dụng hạ huyết áp?

Tùy theo từng cá nhân, số lượng trà uống vào để đạt được lợi ích hạ huyết áp là khác nhau. Số lượng này có thể phụ thuộc vào loại trà, chế độ ăn uống tổng thể, lối sống và mức huyết áp hiện tại.

Một số bằng chứng cho thấy thường xuyên uống 2 tách trà dâm bụt hàng ngày có thể giúp bạn giảm dần được huyết áp.

Tương tự như số lượng trà, thời gian uống trà để có được lợi ích hạ huyết áp cũng khác nhau ở mỗi người và phụ thuộc vào các yếu tố kể trên. Bạn có thể mất và tuần, thậm chí vài tháng uống trà mới có thể hạ được một mức huyết áp vừa phải.

5 loại trà là ‘thuốc hạ huyết áp tự nhiên’, uống sớm hưởng lợi sớm: 4 loại đầu rất sẵn ở Việt Nam - Ảnh 6.

Nhìn chung, thêm các loại trà kể trên vào chế độ ăn uống có thể giúp bạn kiểm soát huyết áp với điều kiện tiêu thụ một cách vừa phải và kết hợp với một lối sống lành mạnh. Những người đang bị cao huyết áp nếu muốn sử dụng các loại trà này để hạ huyết áp, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để biết lượng uống thích hợp. Bên cạnh đó, cần thực hiện đúng và đủ theo phác đồ điều trị huyết áp hiện tại vì trà không thể thay thế hoàn toàn cho thuốc điều trị.

Ngoài ra, giống như các thực phẩm khác, uống trà có thể gây ra các tác dụng phụ như:

- Nhạy cảm với caffeine: Các loại trà đen và trà xanh có chứa caffeine. Do đó, nếu tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn tới căng thẳng, rối loạn giấc ngủ hoặc tăng nhịp tim. Những người nhạy cảm với caffeine cũng có thể có các triệu chứng này dù tiêu thụ với lượng không nhiều.

- Khó chịu dạ dày: Uống quá nhiều trà khi đói bụng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa hoặc trào ngược axit dạ dày.

- Tương tác với thuốc: Một số loại trà, chẳng hạn như trà xanh, có thể tương tác với một số loại thuốc, làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc giảm hấp thu một số chất dinh dưỡng.

- Xỉn răng: Các loại trà sẫm màu như trà đen có thể làm ố răng nếu tiêu thụ trong thời gian dài.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày