Chuyên gia dinh dưỡng Vidhi Chawla, người sáng lập Fisico Diet Clinic, cho biết cà phê là thức uống giúp tăng cường tỉnh táo, hỗ trợ giảm cân. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng uống cà phê giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường và tim mạch.
Do đó, để gặt hái tất cả những lợi ích sức khỏe của cà phê, hãy đảm bảo rằng bạn không mắc phải những sai lầm khi uống cà phê dưới đây.
1. Uống quá nhiều cà phê
Cà phê chứa nhiều caffeine, đây là chất giúp tăng cường năng lượng và sự tỉnh táo tạm thời. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gây mất ngủ, tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.
Một nghiên cứu trên 40.000 người trưởng thành đã chỉ ra rằng uống hơn 4 tách cà phê mỗi ngày có thể có tác động tiêu cực đến tuổi thọ của chúng ta.
Ảnh minh họa
2. Uống cà phê thay nước
Uống đủ nước là một thói quen tốt nhưng nhiều người thường quên. Tuy nhiên, nếu bạn uống không đủ nước và lại có thói quen uống nhiều cà phê để thay thế, điều này có thể dẫn đến tình trạng mất nước và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Lisa Moskovitz, Giám đốc của NY Nutrition Group, thói quen uống cà phê thay nước có thể dẫn đến tình trạng mất nước, tác động tiêu cực đến làn da, hệ tiêu hóa, gây ảnh hưởng tới mức năng lượng cũng như khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể.
3. Uống cà phê thêm nhiều kem tươi
Nhiều người thích thêm kem tươi vào cà phê để tăng hương vị cho loại đồ uống này. Tuy nhiên, thêm quá nhiều kem vào cà phê có thể làm tăng thêm calo dư thừa, nếu uống quá nhiều sẽ dễ dẫn đến tình trạng tăng cân, béo phì, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe.
Ảnh minh họa
4. Uống cà phê thêm nhiều đường
Chuyên gia Moskovitz nói: “Sử dụng một lượng đường vừa phải trong chế độ ăn uống có thể không gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng việc ăn quá nhiều đường có thể khiến đường tích tụ trong máu”.
Thêm quá nhiều đường vào cà phê và uống liên tục trong ngày có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao, gây viêm nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe đường ruột. Tiêu thụ quá nhiều đường một cách thường xuyên cũng có thể góp phần khiến da lão hóa nhanh hơn, tăng nguy cơ mắc tiểu đường và bệnh tim mạch.
5. Uống cà phê quá nóng
Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên PubMed (cơ sở dữ liệu về y học), dùng đồ uống quá nóng như nước nóng, trà và cà phê nóng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thực quản.
Các màng nhầy trong khoang miệng và thực quản rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nhiệt độ cao nhất mà thực quản có thể chịu đựng được là 60°C. Nhiệt độ trên 65°C sẽ gây bỏng thực quản, khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế cũng đã liệt kê các loại đồ uống nóng trên 65°C là chất gây ung thư loại 2A, bao gồm cả nước đun sôi, trà, cà phê và súp vượt quá nhiệt độ này.
Đồ uống quá nóng có thể gây tổn hại cho niêm mạc thực quản và tăng nguy cơ phát triển ung thư gấp 3 lần. Do đó, khi uống cà phê, hãy để cà phê của nguội bớt rồi mới uống để giảm thiểu rủi ro.
Ảnh minh họa
Trên đây là 5 kiểu uống cà phê gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí là tăng nguy cơ mắc ung thư. Do đó, mọi người cần lưu ý khi uống để đảm bảo việc uống cà phê không gây hại cho sức khỏe.