Tiểu Độ, 19 tuổi là sinh viên năm 2 của một trường đại học ở Trung Quốc. Ngay từ năm nhất, cậu đã giữ thói quen sau các buổi học trực tuyến thì không hề rời mắt khỏi máy tính, tiếp tục chơi game từ 8 giờ tối hôm trước tới sáng ngày hôm sau.
Sáng hôm xảy ra sự việc, mẹ của Tiểu Độ mở cửa phòng bước vào thì thấy con trai mình đã ú ớ, nói không thành tiếng, cánh tay phải của cậu không thể nhấc lên được, cứ vậy ngẩn người dựa vào giường. Sau khi được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ xác định đây là trường hợp nhồi máu não cấp tính.
Ảnh minh họa: Sohu
Nhận định về trường hợp của Tiểu Độ, bác sĩ Vương Trần Quỳnh, Trưởng khu 3 Khoa Thần kinh nội, Bệnh viện Trung ương Tịnh Châu trực thuộc Đại học Tịnh Châu (Trung Quốc) cho biết bệnh nhân có cân nặng lên tới 110kg, xét trên chỉ số khối cơ thể, người này đang trong tình trạng béo phì nặng. Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến Tiểu Độ có nguy cơ cao bị nhồi máu não, giống như một "quả bom" luôn trực chờ phát nổ bất cứ lúc nào.
Tìm hiểu về bệnh sử, loại trừ các nguyên nhân như lỗ thông bầu dục (PFO), thông động tĩnh mạch phổi hay những bệnh khác, được biết từ nhỏ Tiểu Độ đã thích ăn đồ dầu mỡ và nước ngọt, thích chơi game, lười vận động và hút thuốc từ khi còn rất trẻ. May mắn là sau khi được điều trị cục máu đông, Tiểu Độ đã qua cơn nguy hiểm và đang dần hồi phục.
Bệnh nhồi máu não là một quá trình bệnh lý làm giảm lưu lượng tuần hoàn tới một vùng của não do hẹp, tắc mạch máu não hoặc do hạ huyết áp. Thiếu máu não là tình trạng một phần não bị ngừng cung cấp máu. Nếu sự thiếu cung cấp máu không được khắc phục hoặc kéo dài thì phần não đó sẽ bị hoại tử do thiếu oxy và glucose.
Có thể khẳng định, nhồi máu não là vô cùng nguy hiểm, có khả năng gây ra nhiều biến chứng nặng nề như liệt nửa người, rối loạn ý thức, mất khả năng nói, hôn mê… thậm chí dẫn tới tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Khi thấy người bệnh có biểu hiện FAST (tiếng Anh): méo miệng, tay chân yếu, thay đổi giọng nói, cần đưa ngay vào bệnh viện.
Một số triệu chứng cảnh báo đột quỵ khác như chóng mặt, đau đầu, tê yếu tay chân, méo miệng, nói đớ, hôn mê, co giật... Khi thấy các dấu hiệu này, cần đưa bệnh nhân vào viện sớm để điều trị. Vì nếu quá thời gian cửa sổ điều trị, bệnh nhân không được điều trị kịp thời có thể bị tàn phế nặng nề.
Theo BV ĐKQT Vinmec
1. Hút thuốc thường xuyên
Nicotine có trong thuốc lá có thể làm tăng độ nhớt của máu, tạo điều kiện cho quá trình hình thành huyết khối, gây xơ vữa động mạch. Do đó, thói quen hút thuốc thường xuyên không chỉ gây hại cho phổi mà còn làm tăng nguy cơ phát triển các cơn nhồi máu não.
2. Thức khuya trong thời gian dài
Khi thường xuyên thức khuya não cần được tưới máu nhiều hơn, áp lực bơm máu lên não càng tăng, khiến huyết áp tăng vọt, tạo một lực tác động lên thành mạch máu não lớn quá mức và hậu quả là vỡ mạch máu não.
3. Béo phì
Các nghiên cứu cho thấy béo phì gây ra một loạt các hệ lụy, trong đó dễ thấy nhất là tình trạng béo phì làm tăng nguy cơ bị bệnh tăng huyết áp lên 12 lần so với bình thường. Béo phì làm tăng nguy cơ bị đột quỵ lên 6 lần và làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành lên 4 lần so với bình thường.
4. Lười vận động
Lười vận động khiến lượng lipid máu tăng cao, dễ tích tụ lipid máu dưới dạng mảng bám, một khi mảng bám rơi ra sẽ hình thành các cục máu đông gây nghẽn mạch máu.
5. Chế độ ăn uống không khoa học
Ăn quá nhiều dầu mỡ, nạp vào cơ thể lượng lớn chất béo làm tăng cholesterol trong máu, tăng tốc độ thu hẹp mạch máu và dễ dẫn đến sự khởi phát của các cơn nhồi máu não.
Bên cạnh đó, các loại nước ngọt, trà sữa... đều có chứa lượng lớn đường - thứ đã được chứng minh là khiến lượng calo của cơ thể vượt quá tiêu chuẩn, không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì mà còn khiến độ nhớt máu tăng lên, dễ dàng hình thành các cục máu đông hơn.
Nguồn: NetEase, stroke.org