Những chuyến bay, những cú sốc văn hóa, những chuyến thám hiểm, những lần vỡ mộng – trải nghiệm là một người ngoại quốc ở một quốc gia khác và một nền văn hóa khác không chỉ đơn giản là tháng ngày rong chơi, nhất là với một cô gái ở tuổi 22 như tôi.
Vốn là người ưa dịch chuyển và dễ thích ứng, tôi đã nghĩ cuộc sống ở nước ngoài cũng sẽ "dễ chịu" thôi, rằng tôi sẽ chẳng bao giờ bị sốc văn hóa được. Nhưng sau hơn 3 năm sống ở một thành phố "đặc biệt" như Bangkok, tôi đã học được nhiều hơn những gì mình có thể hình dung khi đẩy chiếc vali nặng hơn 30kg ở sân bay Suvarnabumi 3 năm về trước.
Nhất là khi bạn chuyển đến một thành phố với khí hậu hoàn toàn khác so với nơi bạn sinh ra và lớn lên. Tôi chưa bao giờ dễ ốm đến thế, nhất là trong những tháng đầu tiên sống ở Bangkok – một nơi không bao giờ có mùa đông, thời tiết thường nóng ẩm và chênh lệch rất lớn giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời.
Khi gia đình ở rất xa bạn, khi một cú điện thoại cũng không thể kéo bạn ra khỏi giường do cơn cảm sốt, bạn sẽ không còn cách nào khác là phải học cách tự chăm sóc mình. Mất một vài tháng để tôi nhận ra mình cần điều chỉnh những thói quen sống của mình để có thể giữ bản thân khỏe mạnh, điều tôi luôn lơ là. Tôi bắt đầu hình thành thói quen bổ sung nhiều vitamin trong chế độ ăn, uống rất nhiều nước và tập yoga.
Bạn có thể chọn những môn thể thao khác để phù hợp với sở thích và cơ thể, nhưng hãy đảm bảo mình luôn vận động và có chế độ ăn lành mạnh để tăng cường sức đề kháng. Tin tôi đi, bạn sẽ không muốn có một cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi và dễ ốm đâu.
Một ví dụ rất đơn giản là khi bạn mua hàng ở cửa hàng tiện lợi, khi việc sử dụng túi nilon dường như trở thành thói quen "quốc dân". Và bạn, là một người ngoại quốc, có vẻ việc nói không sẽ khiến bạn ngần ngại hơn là suy nghĩ "thà cứ lấy cho xong".
Lần đầu tiên tôi trả lại túi nilon, nhân viên thu ngân đã rất lúng túng, điều này khiến chính tôi cũng lúng túng theo. Nhưng cũng như việc bạn hình thành một thói quen, những người xung quanh, dù ở nền văn hóa khác, cũng sẽ thích ứng với thói quen đó, để từ việc ngạc nhiên, họ sẽ có xu hướng chấp nhận.
Một người bạn của tôi, cũng là người nước ngoài, giải thích rằng anh lấy túi nilon bởi "không suy nghĩ gì và rất ngại trả lại", nhất là ở một quốc gia châu Á nơi việc nói không có thể đồng nghĩa với sự bất lịch sự. Đó là khi tôi nhận ra rằng sự hòa nhập văn hóa không đồng nghĩa với việc bạn bỏ qua những nguyên tắc của chính mình và cố gắng thay đổi bản thể.
Bởi đơn giản, bạn sẽ không bao giờ thôi ngạc nhiên trước những điều nhỏ bé đẹp đẽ mà một thành phố có thể mang lại cho bạn. Tôi luôn nói với bạn mình rằng tôi chưa từng thấy hoàng hôn ở đâu đẹp như hoàng hôn Bangkok khi nhìn từ ban công căn hộ của mình.
Hãy tưởng tượng bạn là một đứa trẻ, bạn quan sát mọi vật xung quanh với sự tò mò và đôi mắt mở to, tôi tin rằng bạn sẽ góp nhặt cho mình những kỷ niệm rất đẹp, những hoài niệm tuyệt vời kể cả khi không còn sống ở thành phố ấy nữa. Với tôi, đó là một rạp chiếu phim độc lập luôn chiếu những bộ phim không ở đâu có, một bờ sông nơi tôi có thể nghe thấy âm thanh cầu nguyện từ nhà thờ hồi Giáo, một cửa hàng bán đĩa vinyl, một hiệu sách cũ giữa khu phố sầm uất nhất nhì thành phố.
Khi chuyển đến sống ở một thành phố khác, chúng ta thường có xu hướng cảm giác mọi thứ đều rất quen thuộc, nhưng chỉ cần bắt một chuyến xe bus lạ lướt qua khu phố khác, mọi thứ đã khác hẳn so với những gì bạn có thể hình dung.
Một trong những điều "đáng sợ" nhất ở Bangkok là giao thông, nơi bạn có thể sẽ phải ngồi trên phương tiện của mình hàng giờ đồng hồ bởi tắc đường hay nhìn 3 chuyến tàu điện lướt qua cho đến khi bạn có thể bắt được một chuyến tàu vào giờ tan tầm. Việc ngồi trên tàu điện cũng là một trong những khoảng thời gian chết, thử tưởng tượng mà xem, bao nhiêu thời gian sẽ bị tiêu tốn chỉ bằng việc chờ đợi và di chuyển?
Bạn sẽ có hai sự lựa chọn: hoặc gắn bó với chiếc điện thoại của mình, hoặc sử dụng thời gian một cách thông minh hơn: đọc sách, nghe podcast, cập nhật tin tức, thậm chí là ngồi lại thư viện trường hay đến một thư viện công cộng để làm việc/học tập và tránh giờ tan tầm.
Bangkok một trong những thành phố bận rộn nhất châu Á, tôi thường rất thích thú khi ngắm nhìn công dân ở đây bận bịu đến thế nào, sớm hay muộn, guồng quay ấy cũng sẽ thúc giục bạn, những tiếng còi xe, khói bụi, những buổi sáng chen chúc trên chuyến tàu điện ngầm. Chẳng khó hiểu khi bạn trải qua những cơn stress, rồi bạn sẽ nghĩ đến việc giải tỏa bằng hòa mình vào chủ nghĩa tiêu thụ, có nghĩa mua sắm thật nhiều hay ăn uống không lành mạnh… Song, những điều này không thực sự khiến bạn cảm thấy khá hơn.
Nhưng cũng ở chính thành phố có vẻ bận rộn và nhiễu loạn ấy, có những khoảng không gian hoàn toàn miễn phí nơi bạn có thể tìm thấy sự cân bằng. Với tôi, đó là những sáng cuối tuần nằm phơi nắng ở bãi cỏ cạnh hồ nước giữa công viên Lumpini, đọc sách và ăn bánh táo hay chạy bộ dọc dòng kênh mát rượi gần nhà. Đừng quên dành thời gian tĩnh lặng bên thiên nhiên, bởi bạn sẽ luôn tìm thấy sự bình thản nhất định, dù chỉ vài giờ mỗi tuần.
(Barcode)