Là thành phố lớn của cả nước, Sài Gòn là nơi chứng kiến dòng chảy thời gian tàn khốc và rõ rệt nhất. Thời hiện đại như bây giờ thì khỏi phải nói, biết bao công trình chọc trời, địa điểm check-in xinh lung linh cứ thế ra đời và hút hồn giới trẻ. Trong khi đó từ vài chục năm trước, chuyện vui chơi, giải trí không mấy thịnh hành như bây giờ. Các toạ độ giới trẻ thường lui chân tới cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, ký ức về chúng lại càng đậm sâu hơn.
Dưới đây chính là 5 cái tên từng gắn liền với tuổi thơ của giới trẻ Sài Gòn thời ấy. Ngày nay dù không còn tồn tại nữa nhưng những địa điểm này chắc hẳn vẫn là mảnh ký ức không thể thiếu của rất nhiều người.
Công viên nước Sài Gòn (Saigon Water Park) là công viên nước đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam vào ngày 13/12/1997. Địa điểm vui chơi nổi tiếng này nằm bên bờ sông Sài Gòn thuộc địa phận quận Thủ Đức, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km.
Ảnh: Made in Sài Gòn
Công viên giải trí đình đám này có diện tích tổng cộng là 5 hecta, bao gồm nhiều trò chơi dưới nước như: dòng sông lười, trượt ống xoắn, hố đen (có chiều dài đến 70m, chiều cao lên đến 15m) và các trò chơi có cảm giác mạnh khác. Ngoài ra, Saigon Water Park còn có các bể bơi, sân khấu ca nhạc phục vụ khách tham quan.
Ảnh: Made in Sài Gòn
Ảnh: Made in Sài Gòn
Thời điểm mới mở cửa, công viên có giá vé vào cổng là 35.000 đồng, và đến năm 2007 thì được điều chỉnh thành 60.000 đồng đối với người lớn và 50.000 đối với trẻ em cao dưới 1,1m - số tiền không hề rẻ đối với nhiều người thời điểm đó. Là công viên nước đầu tiên của Việt Nam, thế nên địa điểm này khi vừa ra mắt đã tạo nên làn sóng quan tâm rất lớn từ người dân thời điểm đó, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.
Ảnh: Made in Sài Gòn
Đến năm 2006, công viên nước Sài Gòn bỗng nhiên âm thầm ngừng hoạt động trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người. Được biết, địa điểm được đóng cửa để phát triển một dự án địa ốc khác. Cho đến nay, sự "biến mất" của toạ độ tuổi thơ này vẫn khiến bao người phải tiếc nuối.
Ảnh: Marcel Lennartz
Được xây dựng vào năm 1880 và khánh thành năm 1924, Thương xá Tax ban đầu có tên Grands Magasins Charner (GMC), là một trung tâm thương mại lâu đời và nổi tiếng hàng đầu tại Sài Gòn với diện tích 9.200 m2, nằm ngay trung tâm Quận 1, tiếp giáp với 3 đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur - nơi mua bán sầm uất và nhộn nhịp nhất thành phố lúc bấy giờ.
Sau rất nhiều lần thăng trầm, đi qua bao sự đổi thay theo chính sách của thành phố. Đến 17h ngày 25/9/2014, trung tâm thương mại 134 năm tuổi này chính thức ngừng mọi hoạt động kinh doanh để xây dựng 1 công trình mới với tên gọi Satra Tax Plaza cao 40 tầng. Vì là biểu tượng một thời của Sài Gòn, thế nên khi bị phá bỏ Thương xá Tax đã khiến người bao người dân thành phố lưu luyến, tiếc nuối.
Được xây dựng từ năm 1994 đến năm 1999, Thuận Kiều Plaza là một tổ hợp 3 toà tháp chọc trời án ngữ trên đường Hồng Bàng, ngay khu đất vàng của trung tâm Quận 5. Theo thiết kế, công trình gồm 3 tháp (kiểu một con thuyền với 3 ống khói), mỗi tháp có 33 tầng. Trong đó có khu TTTM, 648 căn hộ và các công trình tiện ích khác như hồ bơi, khu giải trí, nhà xe…
Suốt hơn 20 năm tồn tại, trái với tham vọng sẽ trở thành một khu Cửu Long Tân Giới (khu sầm uất ở Hong Kong) của Sài Gòn. Vì nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau mà Thuận Kiều Plaza từ chỗ sầm uất, náo nhiệt dần trở nên ế ẩm, vắng khách. Mãi đến ngày 3/11/2017, TTTM The Garden Mall chính thức khai trương cũng là lúc Thuận Kiều Plaza chính thức lùi lại vào quá khứ với nhiều dư âm, giai thoại gắn liền ký ức của người Sài Gòn.
Đến năm 2017, Thuận Kiều Plaza chính thức được đổi tên thành The Garden Mall với 3 toà nhà màu xanh lá.
Năm 1954, ông Nguyễn Thiên (SN 1915) là người kinh doanh giày dép nhưng có máu nghệ sĩ đã thành lập nên chuỗi rạp hát, chiếu phim Đại Đồng. Lúc bấy giờ, rạp khá nhỏ nằm ở quận Bình Thạnh, chỉ thường chiếu phim cũ nhưng nhờ việc có chọn lọc và giá vé phải chăng nên rất được ưa chuộng. Người Sài Gòn một thời khi nhắc đến xem phim là nghĩ ngay tới cái tên Đại Đồng.
Ông Phan Thành Đỗ (83 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh) cho biết: "Lúc xưa gia đình phải khá giả mới được đi xem phim tại Đại Đồng. Cứ đến giờ chiếu, bọn thanh niên chúng tôi tìm đủ mọi cách để… xem lén, hoặc cùng ngồi phía trước để nghe tiếng phim. Một lần, khi chúng tôi đang trốn vé vào bị bắt lại, tưởng sẽ ăn đòn nhưng ông chủ không đánh mà còn mời vào trong ngồi ghế xem hẳn hoi. Thời đó, được ngồi rạp xem phim thấy oai lắm".
Hiện tại, rạp Đại Đồng đã nhường sân cho diễn kịch của sân khấu kịch Sài Gòn, tuy nhiên đa phần họ vào đây để tập, về hoạt động rất ít người tham gia vì Đại Đồng ngày nay dường như không còn hoạt động, ẩm mốc và cũ nát, ít người ra vào. Nhìn Đại Đồng ngày nào là niềm tự hào một thời của người Sài Gòn, ông Đỗ thở dài: "Cũng là dòng chảy thời gian mà thôi".
Cùng với Thảo Cầm Viên và công viên văn hóa Đầm Sen, Hồ Kỳ Hòa từng là một địa điểm vui chơi giải trí nức tiếng của Sài Gòn vào những năm 90 của thế kỷ trước. Nhắc đến toạ độ này, một trong những hình ảnh biểu tượng gắn liền với ký ức nhiều người chính là chiếc vòng đu quay lớn mà ở thời điểm đó gần như chỉ có nơi này mới có.
Trong khi Đầm Sen và Thảo Cầm Viên vẫn đang duy trì hoạt động, Hồ Kỳ Hòa giờ chỉ còn trong tâm thức của người Sài thành thế hệ trước mà thôi. Tại vị trí ấy bây giờ, hàng loạt những địa điểm mới đã thế chỗ từ lúc nào. Đôi khi đi ngang qua, người ta mới chợt nhớ rằng cái đu quay "siêu to khổng lồ" ngày ấy đã biến mất từ bao giờ…
Nguồn: Tổng hợp