Một chế độ ăn uống lành mạnh là nền tảng của sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, bạn không nên chỉ tập trung vào những món bạn cần đưa vào chế độ ăn. Tiến sĩ, bác sĩ Rosmy Barrios nói với Express.co.uk rằng bạn cũng nên lưu ý về những thực phẩm bạn cần tránh hoặc cắt giảm.
Bác sĩ Barrios, đang làm việc tại Serbia, cho biết: "Có một số loại thực phẩm mà tôi đặc biệt khuyên bạn nên tránh hoặc chỉ nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải để duy trì một trái tim khỏe mạnh. Đó là các thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa, natri dư thừa và đường bổ sung".
1. Thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa
Chất béo chuyển hóa thường có trong các thực phẩm chế biến sẵn như bỏng ngô, bánh donut, pizza đông lạnh và bánh quy. (Ảnh minh họa)
Ẩn chứa trong các thực phẩm chế biến sẵn như bỏng ngô, bánh donut, pizza đông lạnh và bánh quy, chất béo chuyển hóa đặc biệt không tốt cho hệ tim mạch.
Theo bác sĩ Barrios, những chất béo này có thể tạo nền tảng cho cholesterol "xấu" và bệnh động mạch vành.
Bác sĩ Barrios cho biết: "Thay vì chất béo chuyển hóa, hãy chọn chất béo lành mạnh hơn như chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa có trong dầu ô liu, quả bơ và các loại cá béo như cá hồi".
"Những chất béo này có thể giúp tăng cholesterol ‘tốt’ và giảm cholesterol ‘xấu’."
2. Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa
Chất béo bão hòa có trong thịt mỡ. (Ảnh minh họa)
Có trong thịt mỡ và các sản phẩm từ sữa, chất béo bão hòa khi ăn nhiều cũng có thể làm tăng cholesterol và góp phần phát triển chứng xơ vữa động mạch.
Bác sĩ Barrios giải thích rằng chứng xơ vữa động mạch làm hẹp và cứng động mạch, hạn chế lưu lượng máu đến tim và não.
Bác sĩ giải thích: "Để giảm lượng chất béo bão hòa, hãy chọn các nguồn protein nạc như thịt gia cầm không da, cá và các loại đậu".
3. Thực phẩm chứa nhiều muối
Ăn nhiều muối có thể khiến cơ thể giữ nước, làm tăng huyết áp và gây căng thẳng cho tim. (Ảnh minh họa)
Điều đáng lo ngại là lượng natri hấp thụ của một người không chỉ nằm trong lượng muối nấu ăn, vì các thực phẩm chế biến sẵn như nước sốt pasta, bánh mì, xúc xích và nhiều thứ khác cũng chứa thành phần này.
Bác sĩ Barrios cảnh báo rằng ăn nhiều muối có thể khiến cơ thể giữ nước, làm tăng huyết áp và gây căng thẳng cho tim.
Cô nói thêm: "Có thể giảm natri bằng cách sử dụng các loại thảo mộc và gia vị để tạo hương vị thay vì muối và bằng cách chọn các thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng natri thấp hoặc không thêm muối".
4. Thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung
Tiêu thụ nhiều đồ uống có đường và đồ ăn nhẹ có đường có thể dẫn đến béo phì và bệnh tim. (Ảnh minh họa)
Theo vị chuyên gia, tiêu thụ nhiều đồ uống có đường và đồ ăn nhẹ có đường có thể dẫn đến béo phì và bệnh tim, đặc biệt ở những người bị kháng insulin hoặc tiểu đường.
May mắn thay, thay thế đồ ăn nhẹ và đồ uống có đường bằng trái cây nguyên quả và nước lọc là một cách tuyệt vời để cắt giảm lượng đường bổ sung đồng thời tăng lượng chất xơ, bác sĩ khuyến nghị.
Hơn nữa, nữ bác sĩ khuyên bạn cũng nên chọn các thực phẩm "có lợi cho tim" như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
(Theo Express)