4 lý do thẻ tín dụng bị trừ tiền dù không sử dụng: Khách hàng cần làm ngay 2 việc sau tránh mất thêm tiền

Linh San (TH), Theo Nhịp sống thị trường 15:21 12/02/2025
Chia sẻ

Nhiều khách hàng hoang mang khi phát hiện thẻ tín dụng bị trừ tiền dù không hề sử dụng. Trong tình huống này, chủ thẻ cần bình tĩnh và thực hiện ngay hai bước sau để tránh thiệt hại thêm về tài sản.

4 lý do thẻ tín dụng bị trừ tiền dù không sử dụng: Khách hàng cần làm ngay 2 việc sau tránh mất thêm tiền- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Có nhiều lý do dẫn đến bị trừ tiền thẻ tín dụng dù chủ thẻ không hề quẹt. Một số nguyên nhân chủ yếu bao gồm:

Bị mất thẻ: Nếu thẻ bị đánh rơi hoặc mất cắp, kẻ gian có thể lợi dụng thông tin trên thẻ, đặc biệt là mã CVV/CVC, để thực hiện các giao dịch trực tuyến mà không cần xác nhận từ chủ thẻ. Một số điểm thanh toán cũng không yêu cầu mã PIN hoặc xác thực qua SMS, tạo điều kiện cho kẻ gian dễ dàng sử dụng thẻ trái phép.

Rò rỉ thông tin thẻ: Chủ thẻ có thể vô tình để lộ thông tin khi quẹt thẻ tại các máy POS hoặc ATM không an toàn, đặc biệt tại những điểm giao dịch kém uy tín. Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin thẻ với người khác hoặc lưu thông tin trên các trang web mua sắm trực tuyến không bảo mật cũng có thể dẫn đến nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu và sử dụng trái phép.

Thanh toán tự động: Nhiều người đăng ký thanh toán tự động cho các hóa đơn định kỳ như tiền điện, nước, internet, thuê bao truyền hình,… nhưng lại quên mất. Khi đến kỳ hạn, hệ thống sẽ tự động trừ tiền từ thẻ tín dụng mà không có thông báo trước, khiến chủ thẻ bất ngờ khi kiểm tra sao kê.

Lỗi giao dịch: Một số lỗi kỹ thuật có thể xảy ra trong quá trình thanh toán, chẳng hạn như lỗi hệ thống ngân hàng, mất kết nối mạng hoặc giao dịch chưa được xử lý hoàn tất. Trong nhiều trường hợp, chủ thẻ thực hiện lại thanh toán do nghĩ rằng giao dịch đầu tiên không thành công, dẫn đến việc thẻ bị trừ tiền hai lần.

Để giải quyết trường hợp này và bảo vệ tài sản, với tư cách là chủ thẻ và chủ tài khoản, bạn cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Khóa thẻ

Bạn hãy kiểm tra lại các ứng dụng, cài đặt của mình, tắt các tính năng thanh toán tự động nếu có. Nếu không có cài đặt bất thường, bạn hãy kiểm tra giao dịch và thực hiện khóa thẻ ngay lập tức.

Bạn có thể khóa thẻ trực tiếp tại phòng giao dịch, qua ứng dụng Mobile banking, internet banking, SMS Banking… Bạn hãy lựa chọn cách thức thuận tiện và nhanh chóng nhất để hạn chế thất thoát tài sản thêm.

Bước 2: Yêu cầu ngân hàng hỗ trợ

Nếu khóa thẻ tại chi nhánh ngân hàng, bạn hãy yêu cầu nhân viên giao dịch hỗ trợ xử lý ngay trường hợp này. Còn nếu bạn khóa thẻ bằng các cách thức khác, hãy liên hệ ngay tổng đài ngân hàng để được hỗ trợ tại bất kỳ thời điểm nào. Đa số các tổng đài đều hoạt động 24/7 với đội ngũ nhân viên nhiệt tình nên bạn sẽ được hỗ trợ nhanh chóng nhất.

Sử dụng thẻ tín dụng rất tiện lợi kèm hỗ trợ tài chính với hạn mức cao nên được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, cách sử dụng đơn giản, thanh toán ít bước và ít xác nhận kèm ý thức người dùng chưa cao khiến tình trạng bị trừ tiền dù không quẹt thẻ có thể xảy ra. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho tài sản của bạn, người dùng cần lưu ý một số điểm sau:

Bảo mật thông tin thẻ, đặc biệt là mã CVV: Bạn không tiết lộ các thông tin thẻ cho bất kỳ ai đồng thời bảo quản thẻ kỹ lưỡng. Dù không sử dụng thường xuyên, bạn cũng nên kiểm tra tình trạng của thẻ.

Hạn chế sử dụng thiết bị, wifi công cộng: Đây là những nguồn để hacker xâm nhập vào thiết bị của bạn và đánh cắp thông tin, tài khoản dễ dàng.

Quan sát kỹ thiết bị sử dụng: máy ATM, POS,... Một số điểm thanh toán, giao dịch kém an toàn có thể gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ. Vì vậy bạn hãy giao dịch tại nơi sáng sủa và để ý thẻ trong tầm mắt.

Đăng ký nhận biến động số dư về điện thoại: Tính năng này giúp đảm bảo bạn cập nhật số dư nợ của thẻ nhanh chóng nhất. Trường hợp có phát sinh giao dịch bất thường, bạn có thể xử lý ngay lập tức.

Thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng thẻ: Bạn hãy chủ động kiểm tra các giao dịch, hạn mức của thẻ thường xuyên, tránh các giao dịch bất thường và có hướng giải quyết tốt nhất.

Giữ lại hóa đơn thanh toán để đối soát: Đây là căn cứ để bạn kiểm tra các khoản đã chi trả và đối soát với ngân hàng. Để đảm bảo theo dõi tốt nhất, bạn nên thanh toán hoàn toàn bằng thẻ hoặc chuyển khoản, không nên thanh toán bằng tiền mặt, rất khó xác định.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày