Những năm gần đây, thế hệ kế thừa tại các tập đoàn lớn bắt đầu lộ diện và tham gia chèo lái sự nghiệp của gia đình.
Trong số đó, Lê Ngọc Tiên (SN 1998) - con gái duy nhất của "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh vừa được bổ nhiệm vào ban điều hành của Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC), sau khi chính thức đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Chiến lược từ ngày 1/9/2021 (thời điểm đó Ngọc Tiên chỉ mới 23 tuổi).
Năm 2022, ở tuổi 24, Lê Ngọc Tiên chính thức được bổ nhiệm vào ban điều hành Công ty, trở thành một trong những lãnh đạo trẻ nhất trên sàn chứng khoán.
Ảnh: Năm 2022, Lê Ngọc Tiên chính thức được bổ nhiệm vào ban điều hành Công ty, lúc này được 24 tuổi – có thể xem là một trong những lãnh đạo trẻ nhất trên sàn chứng khoán.
Được biết, Lê Ngọc Tiên tốt nghiệp cử nhân Kế toán - Tài chính, từng làm việc tại một công ty đa quốc gia trụ sở khu vực ở Singapore trước khi gia nhập Vĩnh Hoàn.
Lê Ngọc Tiên hiện chịu trách nhiệm hoạch định chiến lược chuyển đổi số và quản lý các khoản đầu tư của Vinh Technology, công ty con 100% vốn của Vĩnh Hoàn, có trụ sở tại Singapore.
Tính đến ngày 31/12/2024, Chủ tịch HĐQT Trương Thị Lệ Khanh đang là cổ đông lớn nhất của Vĩnh Hoàn, nắm giữ 42,32% vốn. Tạm tính theo thị giá ngày 11/2/2025 là 70.000 đồng/cp, ước tính tài sản của bà Khanh vào khoảng 6.650 tỷ đồng. Giá trị vốn hóa thị trường của Vĩnh Hoàn - công ty cá tra lớn nhất Việt Nam - là hơn 15.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, Lê Ngọc Tiên hiện không sở hữu cổ phần nào.
Về bà Lệ Khanh, bà sinh năm 1961 tại An Giang, tốt nghiệp cử nhân ngành tài chính kế toán tại Đại học Tài chính Kế toán Tp.HCM. Sau khi ra trường, bà bắt đầu sự nghiệp công chức tại Sở Tài chính tỉnh An Giang vào năm 1984, trước khi trở thành Kế toán trưởng tại Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang.
Năm 1997, một trong những quyết định quan trọng nhất trong sự nghiệp của bà chính là việc "ra riêng" thành lập doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Hoàn, sau đó chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH Vĩnh Hoàn vào năm 1998.
Theo chia sẻ, cái tên Vĩnh Hoàn được đặt với với ý nghĩa Vĩnh – mang hàm ý vĩnh viễn và Hoàn – là hoàn cầu, nghĩa là Vĩnh Hoàn sẽ tồn tại mãi trên hoàn cầu như một ngôi sao.
Ảnh: Bản thân bà Khanh cũng liên tục nhận được nhiều giải thưởng danh giá: 1 trong 2 đại diện của Việt Nam lọt bảng vàng 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020, được Forbes Việt Nam vinh danh 5 lần và 2 lần vinh danh bởi Forbes châu Á...
Đây cũng là giai đoạn khi ngành cá tra bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Năm 1997-1998, ngành cá tra Việt Nam bắt đầu tìm đường xuất khẩu. Lúc đó, cả nước mới chỉ xuất khẩu được 425 tấn cá tra với giá trị khoảng 1,65 triệu USD, chiếm 0,2% tổng xuất khẩu thủy sản và chỉ bằng 0,6% so với giá trị xuất khẩu tôm. Dù sản lượng xuất khẩu ít, nhưng giá cá tra thời điểm này lại rất cao, với nguồn cầu lớn đến từ các nước như Trung Quốc, Singapore…
Thời gian đầu, VHC nuôi trồng và chế biến các sản phẩm cá tra đông lạnh. Đến năm 1999, xí nghiệp chế biến thủy sản đầu tiên của Vĩnh Hoàn đi vào hoạt động.
Thiên thời địa lợi, sau năm 2000 ngành công nghiệp cá tra Việt Nam chính thức ‘lột xác’, năm này Việt Nam cũng bắt đầu hình thành các vùng nuôi tập trung lớn ở vùng ĐBSCL. Số liệu từ VASEP cho thấy, nếu như năm 2001 sản lượng cả vùng mới đạt khoảng hơn 100.000 tấn thì năm 2009 đã lên tới 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD.
Năm 2010, VHC vươn lên đứng đầu ngành cá tra Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu theo thống kê của VASEP.
Trở lại với thế hệ F2, năm 2021 việc bổ nhiệm thêm một giám đốc khối chiến lược của Công ty đặt trong bối cảnh doanh nghiệp đứng đầu ngành thủy sản này đang tham vọng mở rộng thị trường, cả trong nước lẫn nước ngoài nhằm tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại.
Chưa kể, theo công bố trên báo cáo thường niên 2020, VHC còn đề mục tiêu sẽ đầu tư khu liên hợp nguyên liệu cho cả mảng thủy sản và nông sản. Đầu năm 2021, VHC thành lập Công ty Nông sản Thực Phẩm Thành Ngọc (TNG Foods) với 100% vốn nhằm sản xuất sản phẩm từ trái cây và mua lại 76,72% cổ phần tại CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (mã chứng khoán SGC).
Về chỉ số kinh doanh, giai đoạn 2020-2022 doanh thu và lợi nhuận VHC liên tục tăng trưởng. Công ty đạt đỉnh cao trong năm 2022 - năm này toàn ngành xuất khẩu tăng trưởng mạnh hậu Covid-19.
Năm 2023, trong khi nhu cầu suy giảm và đối mặt với cạnh tranh gay gắt trên trường quốc tế, áp lực chi phí gia tăng khiến Công ty có sự sụt giảm đáng kể. Trong đó, lãi ròng của VHC đạt 897 tỷ đồng, giảm 55% so với mức lãi cao kỷ lục của năm 2022 và chỉ đạt được 90% kế hoạch.
Cuối năm này, VHC chiếm khoảng 13% giá trị toàn ngành cá tra Việt Nam.
Sang năm 2024, VHC vừa có BCTC hợp nhất quý 4 với lãi ròng đột biến 425 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ và liên tục tăng trong 5 quý gần nhất. Đà tăng chủ yếu đến từ sự tăng trưởng về sản lượng và giá bán nhóm sản phẩm cá tra.
Luỹ kế cả năm 2024, VHC ghi nhận doanh thu hơn 12.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước, tiến sát mức kỷ lục hơn 13.200 tỷ đồng từng đạt được vào năm 2022. Lãi ròng đạt 1.233 tỷ đồng, tăng 34%.