35 tuổi, sống giữa dịch bệnh, tôi nhận ra: Không so sánh, không tranh giành, bớt phàn nàn, bớt tham công tiếc việc... mới là cuộc sống ổn định đích thực!

Thiên Tuyết, Theo Trí thức trẻ 11:43 30/03/2020
Chia sẻ

Hãy coi trọng sức khỏe, làm việc có kế hoạch, đừng so sánh hay hơn thua với người khác. Bởi vì con đường bạn đang chạy, dài hơn người khác gấp mấy lần, thay vì cố cắm đầu mà chạy, hãy bảo tồn thể lực, chạy tiếp một cách thông minh.

- 01 -

Trong tháng này, bởi vì tình trạng dịch bệnh chưa có xu hướng thuyên giảm, nên nhà trường vẫn quyết định cho học sinh nghỉ học, cháu gái tôi cũng nằm trong số đó.

Trường nó tổ chức cho học sinh các cấp được ôn tập thông qua hình thức học online. Vốn dĩ chuyện này cũng không có gì đáng nhắc tới, nhưng không hiểu sao hôm qua, khi tôi ghé qua nhà nói chuyện với ba con bé thì thấy nó vừa học xong đã tắt máy với vẻ gắt gỏng, bực mình.

Thấy thế, tôi mới hỏi:

"Cháu làm sao thế?"

Cháu gái tôi đáp:

"Cháu ước gì mau hết dịch bệnh, thà đi học chính thức để đỡ nhìn bản mặt thấy ghét của con Thanh."

"Sao cháu lại nói vậy? Bạn ấy làm gì cháu hay sao?"

"Cháu và Thanh đều là học sinh giỏi của lớp. Cháu rất muốn làm lớp trưởng, nhưng năm nào cô chủ nhiệm cũng để Thanh làm, vì thành tích nó tốt hơn cháu một chút xíu. Thực ra cháu thấy lên lớp nó cũng đâu làm gì nhiều, về học hành thì có khi tính toán còn chậm hơn cháu đây này. Cô giáo đúng là bất công! Giờ ngày nào học online cũng thấy mặt nó, đúng là đáng ghét."

35 tuổi, sống giữa dịch bệnh, tôi nhận ra: Không so sánh, không tranh giành, bớt phàn nàn, bớt tham công tiếc việc... mới là cuộc sống ổn định đích thực! - Ảnh 1.

Nghe xong, tôi chợt giật mình. Cháu gái tôi ngày còn nhỏ dễ thương lắm, không so đo với bạn như thế. Lâu lắm rồi mới gặp lại, ba mẹ nó thì cũng bận hoài không quản được, không ngờ mới lớn tầm này lại nói chuyện khó nghe như thế.

Tôi bảo:

"Cháu nói cô giáo bất công, vậy cháu có bao giờ bình tĩnh nhìn nhận lại bản thân chưa? Thay vì suốt ngày nói bạn cháu thế này thế nọ, sao cháu không tập trung cố gắng hết sức để có thành tích cao hơn bạn, để cô giáo có cái nhìn khác về cháu.

Suốt ngày cháu chỉ chăm chăm vô bực tức, chẳng khác nào lấy đá buộc mình. Trong khi bạn Thanh tiến bộ từng ngày, còn cháu chỉ ngày càng thụt lùi mà thôi. Giống như việc học online lúc nãy, cháu hiểu hết chưa, cháu làm bài tập cô giao chưa? Cháu chưa làm, nhưng chắc chắn bạn Thanh đang làm. Bởi vì nhờ người ta siêng năng, nỗ lực trong âm thầm, mới có thành tích đáng ngưỡng mộ như thế..."

Con bé nghe xong lúc đầu cũng tính cãi lại, nhưng thấy tôi nghiêm nghị nên không dám. Sau khi suy nghĩ thông suốt rồi lại xấu hổ chạy về phòng làm bài. Hôm sau, còn nhắn tin cám ơn tôi.

Thực ra, so sánh và tranh giành đã trở thành một loại "bệnh" trong xã hội, không chỉ giới trẻ, người lớn cũng có phần. Chính vì thế mới có những tin đồn, lời nói xấu nhằm hạ thấp nhau...

Nhưng làm vậy có đáng không? Ai nỗ lực hết mình, người đó mới xứng đáng có kẹo ngọt ăn.

Sợ nhất là những người không nỗ lực còn hay so đo với những người đang miệt mài, chăm chỉ từng ngày. Mà người như vậy, cả đời cũng khó ngóc đầu lên nổi.

35 tuổi, sống giữa dịch bệnh, tôi nhận ra: Không so sánh, không tranh giành, bớt phàn nàn, bớt tham công tiếc việc... mới là cuộc sống ổn định đích thực! - Ảnh 2.

- 02 -

Bạn tôi thất nghiệp rồi!

Năm nay cô ấy 35 tuổi, là một nhân viên sale bình thường ở một công ty quy mô nhỏ chuyên bán trang phục online.

Vì tình hình dịch bệnh kéo dài, công ty cô ấy quyết định cắt giảm nhân lực, chỉ chừa lại một nửa nhân viên và quản lý, mà cô ấy lại xui xẻo nằm trong danh sách bị thôi việc.

Cô ấy gọi cho tôi vừa khóc vừa than rằng số cô ấy thật khổ. Có bao nhiêu nhân viên, chọn ai không chọn lại chọn đúng ngay cô ấy.

Tôi rất đồng cảm với cô ấy, vì dù sao tháng này có rất nhiều người chịu thất nghiệp oan, hơn nữa vì dịch bệnh không được ra đường thường xuyên, kiếm ăn cũng không dễ dàng gì. Tháng này, cô ấy mượn tôi 5 triệu xài tạm trước, tôi cũng đồng ý chuyển khoản qua.

Nhưng sau đó, cứ cách 2, 3 ngày, cô ấy lại gửi tin nhắn kể lể đủ thứ cho tôi nghe. Không chỉ than vãn, mượn tiền; còn trách móc ông chủ bất công này nọ, kể tội người ta dài như một tờ sớ. Còn nói đôi ba câu đại loại như tôi làm nghề viết này thật sung sướng, chỉ cần ngồi gõ chữ cũng có ăn, nào hiểu được nỗi khổ của cô ấy.

Tôi chỉ biết im lặng, ấn tên cô ấy trên danh bạ đưa vào black list, không muốn liên lạc nữa, số tiền đó coi như lần giúp đỡ cuối cùng, tôi sẽ không đòi lại.

Bạn biết không? Kiếm tiền là chuyện không hề dễ dàng với bất cứ ai, bất cứ ngành nghề nào, đặc biệt là khi rơi vào những tình huống bất đắc dĩ, như dịch bệnh hiện nay chẳng hạn.

Bạn muốn sống an ổn, không chỉ cần phải suy nghĩ công việc hiện nay thế nào, còn phải tự tính xem năng lực kiếm tiền của mình có những gì? Để chừa đường lui cho tương lai sau này.

Trong xu hướng biến đổi nhanh chóng của thời đại kinh tế hiện nay, một bàn tay của bạn phải biết cách tạo ra nhiều nguồn tiền, từ việc chính, việc part time, việc online, việc kinh doanh...

Không ngại kiếm được bao nhiêu, chỉ cần bạn có năng lực, những số tiền kiếm thêm đó sẽ khiến tài khoản tiết kiệm của bạn tăng lên nhanh chóng hơn.

Cho đến khi biến cố xảy ra, bạn cũng có thể dựa vào khoản tiết kiệm mà sống một thời gian. Và trong thời gian rảnh rỗi, bị thôi việc đó, hãy dựa vào năng lực từng học được mà sáng tạo cho mình một công việc kiếm được tiền, lại phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Người có bản lĩnh sẽ không bao giờ phàn nàn hay than vãn. Bởi khi gặp nghịch cảnh, thứ người ta nghĩ đến là cách vượt qua, mà không phải là đào lên những "khổ tâm" của bản thân rồi đi bán "than" với người khác.

35 tuổi, sống giữa dịch bệnh, tôi nhận ra: Không so sánh, không tranh giành, bớt phàn nàn, bớt tham công tiếc việc... mới là cuộc sống ổn định đích thực! - Ảnh 3.

- 03 -

Theo nghiên cứu, số lượng người bị đau dạ dày do không ăn sáng tăng lên qua các năm. Thậm chí với giới trẻ, bỏ bữa sáng chỉ là chuyện bình thường và như cơm bữa. Nếu hôm nào có tăng ca, họ chỉ việc gọi người ta ship đến một ly trà sữa là "đủ sống".

Tại sao thời đại càng phát triển thì càng có nhiều loại bệnh lạ? Tại sao sức khỏe và tuổi thọ con người ngày càng giảm?

Bởi vì chúng ta đang tự bào mòn nó, bào mòn nguồn tài nguyên vô giá có sẵn của bản thân.

Lứa tuổi từ 20 – 30 tuổi là lứa tuổi mà người ta thường hay liều mạng làm việc nhất. Bởi vì đó là khoảng thời gian chúng ta chưa có gì trong tay, nên muốn dồn sức lực, làm việc thật chăm chỉ để nhanh trở thành người giàu sang, thành công, trở thành người mà bạn bè ngưỡng mộ.

Chúng ta hay thở ngắn than dài, luyến tiếc tuổi thanh xuân, ngại đánh đổi tình yêu; nhưng lại không chần chừ dùng sức khỏe để đổi lấy sự thăng tiến và tiền bạc.

Cùng một cái điện thoại, nếu rơi vào tay người biết bảo quản, có thể xài 2, 3 năm. Nhưng nếu rơi vào tay kẻ phá hoại, dưới 1 năm là phải đổi cái mới.

Nhưng sức khỏe có thể dùng tiền đổi về như khi bạn dùng tiền đổi điện thoại mới hay không?

Chăm chỉ là tốt, nhưng phải chăm chỉ trên phương diện sức khỏe được đảm bảo, đừng quá tham công tiếc việc mà tự mình từ bỏ vài năm tuổi thọ.

Nằm trên chiếc chiếu mỏng manh dù sao cũng dễ chịu hơn nhiều so với nằm trên giường bệnh.

Hãy coi trọng sức khỏe, làm việc có kế hoạch, đừng so sánh hay hơn thua với người khác. Bởi vì con đường đua bạn đang chạy, dài hơn người khác gấp mấy lần, thay vì cố cắm đầu mà chạy, hãy bảo tồn thể lực, chạy tiếp một cách thông minh.

35 tuổi, sống giữa dịch bệnh, tôi nhận ra: Không so sánh, không tranh giành, bớt phàn nàn, bớt tham công tiếc việc... mới là cuộc sống ổn định đích thực! - Ảnh 4.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày