Vi nhựa là những hạt có kích thước từ 0,001 đến 5 mm và thường được tạo ra trực tiếp hoặc hình thành khi các mảnh vụn nhựa phân hủy. Hiện nay, chúng ta biết rằng hàng triệu tấn vi nhựa có trong môi trường và có thể gây hại cho sinh vật biển bằng cách xâm nhập vào chuỗi thức ăn. Vi nhựa cũng được tìm thấy trong thực phẩm của chúng ta, mặc dù tác động đến sức khỏe con người vẫn chưa rõ ràng, theo tạp chí khoa học Mỹ New Scientist.
"Nhựa có ở khắp mọi nơi và xâm nhập vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta - và vi nhựa cũng có thể ở đó", nhà khoa học Cheng Fang tại Đại học Newcastle, Úc, cho biết.
Cheng và các đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu để kiểm tra xem các hoạt động hằng ngày có thể giải phóng vi nhựa hay không. Họ đã mở các vật dụng nhựa quen thuộc như túi, chai và màng bọc thực phẩm bằng các hành động như:
- Vặn nắp chai
- Xé túi
- Cắt bằng kéo hoặc dao.
Những hành động này làm biến dạng và gãy các vật dụng nhựa.
Hành động vặn nắp chai nhựa có thể giải phóng ra hàng chục nghìn hạt vi nhựa.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một chiếc cân nhạy với trọng lượng thấp tới một nanogram để thu thập và đo lượng vi nhựa rơi trên bề mặt. Kết quả cho thấy khoảng 10 đến 30 nanogram vi nhựa được giải phóng khi mở các vật dụng bằng nhựa, tương đương khoảng 14.000 đến 75.000 hạt vi nhựa.
Nhóm nghiên cứu cho biết lượng vi nhựa thực sự được giải phóng có thể còn cao hơn, vì nhiều loại vi nhựa vẫn lơ lửng trong không khí.
Nghiên cứu vi nhựa bằng kính hiển vi cho thấy hầu hết ở dạng mảnh hoặc sợi có hình dạng và kích thước khác nhau. Một số có thể nhìn thấy bằng mắt thường, chẳng hạn như những mảnh nhựa từ việc cắt chai. Nhóm nghiên cứu cũng đã sử dụng một kỹ thuật gọi là quang phổ học để suy ra thành phần hóa học của vi nhựa và phát hiện ra rằng phần lớn chúng được làm từ polyethylene, một trong những loại nhựa được sử dụng rộng rãi nhất.
Nhà nghiên cứu Cheng cho biết: "Phát hiện này đưa ra một lời cảnh báo quan trọng. Chúng ta có thể cần tự chịu trách nhiệm và hợp tác với ngành công nghiệp để giảm vi nhựa".
Nhà nghiên cứu Christian Dunn tại Đại học Bangor, Vương quốc Anh, cho biết: "Bạn sẽ rất muốn nói rằng bạn ngạc nhiên và sốc trước kết quả nghiên cứu, nhưng thật không may, bạn không ngạc nhiên. Chúng ta đã nhận ra rằng vi nhựa thực sự có ở khắp mọi nơi”.
Ông nói rằng điều quan trọng hiện nay là chúng ta phải nỗ lực tìm ra những tác động có thể xảy ra đối với sức khỏe của vi nhựa và cắt giảm việc sử dụng nhựa không cần thiết.
Cách giảm thiểu tiếp xúc với vi nhựa
Các chuyên gia khuyên một trong những cách hiệu quả nhất để giảm tiếp xúc với vi nhựa là giảm thiểu số lượng bề mặt nhựa mà thực phẩm chạm vào.
Tiến sĩ Lili He, nhà hóa học phân tích, trưởng khoa Khoa học thực phẩm tại Đại học Massachusetts Amherst, Mỹ, gợi ý một số cách sau:
- Vứt bỏ chai nước bằng nhựa: Tiến sĩ He khuyên mọi người sử dụng các chai nước tái sử dụng không phải bằng nhựa – đây là một cách dễ dàng và tiết kiệm chi phí để giảm thiểu tiếp xúc với vi nhựa. Một lít nước đóng chai có thể chứa 100.000 hạt vi nhựa.
Thay thế chai nhựa bằng các loại chai khác như chai thủy tinh có thể giúp giảm tiếp xúc với vi nhựa.
- Dùng túi vải khi mua sắm: Tiến sĩ He cho biết khi đi siêu thị, bạn nên một một bộ túi vải để đựng trái cây, rau củ… thay vì sử dụng quá nhiều túi nilon, màng bọc thực phẩm.
Theo tạp chí New Scientists, Eating Well