Gia vị, theo quan niệm của các nhà khoa học, bao gồm thực phẩm, rau thơm (thường chứa tinh dầu) hoặc hợp chất hóa học được thêm vào thức ăn để tạo hương vị, kích thích tích cực đến cơ quan vị giác, khứu giác và thị giác của người tiêu dùng. Chúng giúp thức ăn trở nên hấp dẫn hơn, kích thích hệ tiêu hóa, làm thức ăn dễ tiêu hơn. Hiện nay có nhiều loại gia vị như mắm, muối (tạo vị mặn), ớt, hạt tiêu, mù tạt (tạo vị cay và mùi đặc trưng), các loại rau thơm (húng, răm, hành, tỏi...) có thể ăn kèm hoặc thêm vào khi chế biến thức ăn.
Ngày nay, việc mua sắm các loại gia vị trở nên thuận tiện hơn nhờ vào sự phát triển của trang thương mại điện tử, siêu thị và các cửa hàng bán đặc sản. Tuy vậy, vẫn có một số loại gia vị không phải lúc nào chúng cũng sẵn có để mua. Dưới đây là 3 loại gia vị quý nhất thế giới, trong đó có 1 loại rất quen thuộc ở Việt Nam.
Nghệ tây
Nghệ tây hay còn gọi là saffron, có danh pháp khoa học là Crocus sativus, thuộc họ Diên vĩ, được Carl Linnaeus mô tả lần đầu tiên vào năm 1753. Loài này xuất xứ từ Tây Nam Á và lần đầu tiên được trồng ở Hy Lạp. Là một bản sao di truyền đơn hình, nghệ tây đã lan rộng ra toàn bộ khu vực Á-Âu, và sau đó là Bắc Phi, Bắc Mỹ, và Châu Đại Dương.
Saffron thuộc nhóm các gia vị đắt đỏ nhất thế giới. Nghệ tây không thể tự phát tán hạt để sinh sản. Người trồng phải cẩn thận cấy từng củ giống và chăm sóc cây một cách liên tục từ khi trồng củ cho tới lúc thu hoạch hoa.
Cây nghệ tây chỉ thích nghi với loại đất đặc biệt, thường là đất khô nóng và khắc nghiệt, có độ ẩm từ mạch nước ngầm dưới lòng đất, và đất cần phải tơi xốp. Chất lượng của củ nghệ tây tốt nhất khi chúng có màu trắng, hình tròn, và mọng nước, trong khi củ có vết nứt, trầy xước hoặc có dấu hiệu thối, khô được coi là kém chất lượng.
Mỗi cây nghệ tây thường chỉ cho 4 bông hoa và mỗi bông hoa có 3 nhụy. Thời gian thu hoạch saffron kéo dài từ cuối tháng 10 cho tới đầu tháng 11. Việc thu hoạch nghệ tây cần được thực hiện bằng tay vào buổi sáng sớm trước khi mặt trời lên để giữ gìn những nhụy quý giá khi hoa còn chưa nở hẳn.
Nhụy hoa sau khi được thu hoạch sẽ phơi khô đến khi đạt đến độ khô nhất định, làm cho hương vị của saffron trở nên đặc trưng với vị đắng. Khi khô, nhụy hoa chỉ còn lại khoảng 1/3 kích thước so với khi còn tươi. Để có được 1 kg saffron cần phải sử dụng tới 200,000 bông hoa.
Theo thông tin từ Happydieter, nhụy hoa nghệ tây giàu dinh dưỡng với các khoáng chất như mangan, sắt, selen, đồng, kali, canxi, kẽm và magiê, cùng các loại vitamin C, vitamin A, axit folic, riboflavin và niacin. Nổi bật hơn cả, nghệ tây chứa Crocin, một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác động xấu từ các gốc tự do và có khả năng phòng ngừa ung thư.
Iran hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất saffron, chiếm 90% sản lượng toàn cầu với giá tối thiểu 5.000 USD/ kg. Đây được coi là một trong những loại gia vị đắt nhất hiện nay.
Vani (vanilla) tự nhiên
Vani, hay còn gọi là vanilla, là loại gia vị thu được từ các loài lan trong chi Vanilla, đặc biệt là từ V. planifolia, có nguồn gốc từ México. Từ "vanilla" bắt nguồn từ tiếng Tây Ban Nha "vaina", nghĩa đen là "quả đậu nhỏ". Các cư dân ở khu vực Trung bộ của châu Mỹ thời tiền Columbian đã biết cách trồng lan vani, và người Aztec gọi chúng là tlilxochitl. Hernán Cortés, một vị tướng người Tây Ban Nha, được cho là đã mang vani và sô cô la về châu Âu vào những năm 1520.
Để sản xuất vani, cần phải có quả của lan vani, vì thế việc thụ phấn nhân tạo trở nên cần thiết. Charles François Antoine Morren, nhà thực vật học người Bỉ, đã tiên phong trong việc thụ phấn nhân tạo cho lan vani vào năm 1837, nhưng phương pháp của ông không hiệu quả về mặt thương mại. Sau đó, vào năm 1841, Edmond Albius, một cậu bé nô lệ 12 tuổi sống trên đảo Réunion, đã phát hiện ra cách thụ phấn thủ công, giúp việc trồng và thu hoạch vani trở nên khả thi trên phạm vi toàn cầu.
Ba loại lan chính được trồng để lấy vani ngày nay đều có nguồn gốc từ Trung Bộ châu Mỹ và bắt đầu từ các vùng đất hiện thuộc México. Có rất nhiều phân loài lan vani, nhưng Vanilla planifolia (còn có tên đồng nghĩa là V. fragrans) được trồng ở Madagascar và Réunion cũng như ở các khu vực nhiệt đới dọc theo Ấn Độ Dương; V. tahitensis được trồng ở Nam Thái Bình Dương; và V. pompona được trồng ở Tây Ấn, Trung và Nam Mỹ. Phần lớn vani trên thị trường thế giới là từ V. planifolia, trồng tại các đảo nhiệt đới của Ấn Độ Dương, vì vậy nó còn được gọi là vani Bourbon hoặc vani Madagascar. Ở Nam Mỹ, hoa và quả của loài Leptotes bicolor cũng được sử dụng như một loại vani.
Vani là gia vị đắt thứ hai trên thế giới, chỉ sau saffron từ cây nghệ tây, do quá trình sản xuất cần nhiều lao động. Cây vani cần từ 3-4 năm trồng mới bắt đầu ra hoa. Quả của cây vani ban đầu không có hương vị đặc trưng cho đến khi chúng được qua quá trình xử lý - sấy khô hoặc được bảo quản đến khi chuyển hóa hóa học, hay còn gọi là quá trình lên men. Quá trình này tạo ra vanillin - tinh thể hóa chất mang lại hương vị ngọt ngào và mùi thơm nổi tiếng của vani.
Quả vani sau khi chế biến được nghiền mịn và trộn lẫn với rượu để thu được tinh chất vani tự nhiên, loại bỏ các phụ phẩm không mong muốn. Madagascar hiện nay đóng vai trò là nhà cung cấp chính, chiếm tới 80% nguồn cung vani trên toàn cầu. Dù có giá cao, vani vẫn được ưa chuộng bởi mùi hương "tinh khiết, phong phú và tinh tế". Vani được sử dụng rộng rãi trong ngành sản xuất thực phẩm, nước hoa và phương pháp trị liệu bằng hương thơm.
Riềng (Galangal)
Riềng hay riềng thuốc, lương khương, củ riềng (danh pháp hai phần: Alpinia officinarum) là cây thân thảo thuộc họ Gừng.
Riềng là một loại cây thân thảo, sống lâu năm, cao từ 2 đến 3,5 mét, phát triển tốt trên đất màu mỡ, thoát nước tốt và giàu chất hữu cơ. Củ riềng mọc thành nhiều nhánh, đường kính khoảng 3 đến 5 cm. Cây riềng có thể đạt chiều cao tới 1,2 mét và thường nở hoa từ tháng 4 đến tháng 9. Phần thân rễ của cây có thể sử dụng làm dược liệu, trong khi lá, thân và thân rễ còn được dùng làm gia vị. Củ riềng non có vỏ màu tía, nhưng khi củ chín, màu sắc chuyển dần sang trắng. Khi thu hoạch, rễ của củ riềng thường được cắt bỏ.
Củ riềng màu vàng nhạt có thể gây nhầm lẫn với gừng hoặc nghệ, nhưng nếu nhìn kỹ, củ riềng cứng hơn, phân chia thành nhiều đốt không đều, có vỏ bóng và được bao phủ bởi lớp vảy mỏng bên ngoài.
Loại cây này tự nhiên mọc hoặc được canh tác tại Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây riềng được trồng phổ biến nhưng phần lớn mọc nhiều ở các tỉnh phía Bắc.
Riềng là gia vị "hiếm có khó tìm" trên thế giới dù mọc nhiều ở Việt Nam. (Ảnh: Pinterest)
Củ riềng là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn hàng ngày, có công dụng làm ấm trung tâm cơ thể, giảm đau, và giúp tiêu hóa, qua đó làm tăng hương vị cho các món ăn. Củ riềng có vị hơi cay và thơm, tính ấm, trong Đông y thường được dùng để chữa chứng đau bụng do lạnh, phong thấp, sốt rét, hắc lào, lang ben và nhiều bệnh khác.
Dù là thực phẩm phổ biến ở Việt Nam và các nước châu Á nhưng riềng lại là gia vị "hiếm có khó tìm" trên thế giới.
(Tổng hợp)