Ở tuổi 66, một bà mẹ ở Sherman Oaks (California, Mỹ) vốn nghĩ rằng mình sẽ được tận hưởng cuộc sống hưu trí thảnh thơi, chẳng phải lo nghĩ gì nhiều. Tuy nhiên gần đây, khi cô con gái 27 tuổi của bà xin dọn về sống cùng bố mẹ, mọi mường tượng về những năm tháng nghỉ hưu của bà bỗng… tan thành mây khói.
Bà cho biết từ cuối năm 2024 đến giờ, bà và chồng phải chi gần 5.000 USD/tháng (khoảng 130 triệu đồng) để chăm sóc con gái, bao gồm chi phí thực phẩm, phương tiện đi lại và chăm sóc sức khỏe dù con bà hoàn toàn khỏe mạnh và không hề bệnh tật, ốm đau.
Ảnh minh họa
Người mẹ giấu tên này thở dài, tiết lộ chồng bà - một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, có lẽ phải hoãn lại dự định nghỉ hưu vì nếu không, ông bà sẽ không có đủ tiền để lo cho con gái ở thời điểm này.
“Chúng tôi vốn không có kế hoạch chi tiêu nhiều như vậy mỗi tháng. Chúng tôi đã tích lũy đủ tiền hưu trí nhưng không đủ để lo thêm cho con gái. Vợ chồng tôi quả thực không nỡ mặc kệ con bé, không có người cha mẹ nào nỡ nhìn con mình trở thành người vô gia cư” - Bà bộc bạch.
Thực tế cho thấy càng ngày, càng có nhiều người con thuộc thế hệ Gen Z và thậm chí là Millenials quay trở về tìm sự hỗ trợ tài chính của cha mẹ - Những người đang trong độ tuổi nghỉ hưu. Nhiều bậc cha mẹ cũng thừa nhận kế hoạch tài chính của họ bị ảnh hưởng bởi việc con cái quay về nhà xin hỗ trợ .
Một cuộc khảo sát do nhà cung cấp dịch vụ tài chính Thrivent công bố vào tháng 5/2025 cho thấy gần 40% các bậc phụ huynh ở Hoa Kỳ đang phải hỗ trợ tài chính cho con trên 18 tuổi. Đây là tỷ lệ cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Người mẹ ở Sherman Oaks trong câu chuyện phía trên cho biết, mối quan hệ của bà với con gái đã trở nên căng thẳng đến mức bà phải tìm tới sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý.
Muench - Chuyên gia tâm lý hỗ trợ cho người mẹ già này tiết lộ phần lớn các khách hàng trung niên của cô phải thay đổi toàn bộ kế hoạch nghỉ hưu vì con cái họ không thể sống tự lập. Họ không dám đi du lịch, không dám nghỉ hưu, thậm chí là không dám chi tiền để thăm khám sức khỏe dù tuổi đã cao.
Ảnh minh họa
Muench cho biết: “Nhiều bậc phụ huynh ngần ngại chi tiền cho bản thân họ vì họ đã dành phần lớn tiền hưu trí để hỗ trợ con cái”.
Một người cha khác ở Sherman Oaks - cũng là khách hàng của Muench với vấn đề tương tự, cho biết: “Hàng tháng chúng tôi phải chi ít nhất 600 USD (khoảng 15,6 triệu đồng) cho con gái. Chúng tôi không dám nghỉ hưu vì như vậy vừa mất thu nhập, vừa không được hưởng các quyền lợi chăm sóc sức khỏe do công ty tài trợ. Nghỉ hưu là lựa chọn quá xa xỉ với chúng tôi bây giờ”.
Theo góc nhìn và kinh nghiệm trong quá trình tư vấn cho các bậc phụ huynh trung niên vẫn đang phải “oằn mình” nuôi con gái, Muench cho rằng ban đầu, nhiều người khá vui vẻ khi con cái xin họ hỗ trợ chuyện tiền bạc, vì họ nghĩ rằng đó chỉ là vấn đề tạm thời. Tuy nhiên càng ngày, họ càng trở nên bế tắc và tuyệt vọng vì dường như các con coi sự hỗ trợ của họ là đương nhiên. Tiền tiết kiệm đã gần cạn, các con vẫn chưa có vẻ gì là đang cố gắng phấn đấu để tự chủ tài chính.
“Họ mệt mỏi vì phải kiếm tiền lo cho con, nhưng cũng không dám từ chối hay mở lời đề cập tới việc các con nên tự lo liệu cho cuộc sống của chúng”, Muench nói.
Bà cũng tiết lộ và khẳng định cách duy nhất để gỡ thế khó này chính là trò chuyện cởi mở: Con cái cần biết chúng phải tự lập và cha mẹ cần thẳng thắn chia sẻ rằng họ không thể làm việc tới ngày cuối đời chỉ để lo tiền ăn, chi phí nhà ở hay đam mê mua sắm của con. Nói cách khác, cha mẹ và con cái cần làm rõ ranh giới trong việc hỗ trợ tài chính.
Bên cạnh đó, Muench cũng gợi ý các bậc phụ huynh không nên chu cấp cho con 100% ngay cả khi họ có tiềm lực làm điều đó.
“Chúng phải đóng góp được phần nào đó, có thể chỉ là 1/3 chi phí thực phẩm hay một nửa tiền điện, nước,... để hiểu rằng mình không thể phụ thuộc vào cha mẹ cả đời. Đây là cách để duy trì ranh giới lành mạnh giữa cha mẹ và con cái trong vấn đề tài chính, đồng thời cũng là cách để đôi bên trưởng thành về mặt cảm xúc. Con cái không nên quá phụ thuộc vào sự chu cấp của bố mẹ, và bố mẹ cũng không nên dằn vặt bản thân nếu không thể chu cấp 100% chi phí sinh hoạt cho một người con đã trưởng thành và hoàn toàn khỏe mạnh” - Muench nhấn mạnh.
Theo CNBC