Tháng 8/2016, anh Hoàng Văn Tấn (SN 1990, sinh sống tại Ba Vì, Hà Nội) bắt đầu xuất hiện những cơn đau đầu liên tục. Nghĩ đây chỉ là dấu hiệu bệnh đơn giản vì thế anh đã mua thuốc giảm đau về uống. Tuy nhiên, triệu chứng đau đầu vẫn tiếp tục kéo dài.
Đến tháng 3/2017, anh Tấn đi khám sức khỏe, thực hiện xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm. Cuối cùng anh nhận kết quả suy thận độ 2, khi chỉ mới 27 tuổi.
Anh kể: "Trước khi bị bệnh, mình là người vui vẻ, tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể. Mình phát hiện bệnh khi mới cưới vợ được 2 năm, lúc đó mọi thứ gần như sụp đổ".
Ông bố 3 con nói, nguyên nhân gây suy thận của anh được bác sĩ giải thích là do huyết áp tăng cao kéo dài, cuối cùng dẫn đến biến chứng suy thận. Anh nói, nhiều người thường chủ quan và không quan tâm đến tình trạng huyết áp cao, tuy nhiên bệnh huyết áp có thể dẫn đến không ít vấn đề nghiêm trọng. Từ câu chuyện của mình, anh Tấn khuyên mọi người nên kiểm soát huyết áp ở mức ổn định.
3 năm đầu sau khi phát hiện suy thận, anh duy trì thói quen sống tốt, thực đơn ăn uống lành mạnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên sau đó vì chủ quan, anh không thực hiện chế độ ăn dành cho người bệnh thận và bỏ qua bước kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Tình trạng của anh chuyển biến xấu dần, vì thế đến tháng 2/2024 anh Tấn chính thức phải thực hiện lọc máu, chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần.
"Điều trị suy thận cực kỳ tốn kém, 1 tháng mình chạy 12 lần, mất rất nhiều thời gian và tiền bạc", anh Tấn kể.
Cũng theo lời kể của anh, bệnh nhân chạy thận cần phải lưu ý khá nhiều trong việc sinh hoạt và ăn uống.
Bệnh nhân cần ăn theo phác đồ của bác sĩ, ăn cực kỳ nhạt vì ăn nhiều gia vị sẽ gây hại thận, cần hạn chế tiêu thụ những thực phẩm có chứa nhiều kali như chuối, mít, cam, quýt, bưởi, thịt đỏ... để có thể bảo tồn thận lâu nhất có thể.
Đồng thời, nên uống lượng nước theo khuyến cáo của bác sĩ, bởi bản thân người bệnh thận không có khả năng thải chất lỏng ra ngoài bình thường như trước. Do đó nếu uống quá nhiều nước có thể gây phù nề, huyết áp không ổn định, suy tim...
Ngoài ra, việc kiên trì điều trị theo phác đồ của bác sĩ rất quan trọng. "Rất nhiều bệnh nhân suy thận giai đoạn 1, 2 vì tin dùng thuốc nam mà sau đó phải đi lọc máu cấp cứu luôn", anh kể.
Bệnh suy thận mạn có nhiều yếu tố có thể gây nên, do di truyền, do cơ địa... đặc biệt có 1 nguyên nhân mà anh nhấn mạnh các bạn trẻ cần lưu ý đó là uống nhiều nước ngọt. Thức uống này không chỉ gây béo phì, tiểu đường mà còn có thể làm tăng nguy cơ bị suy gan, suy thận.
"Trước đây mình uống nước ngọt nhiều, lúc ấy mình cũng không biết là nước ngọt có thể gây hại cho thận. Bây giờ mình chỉ khuyên các bạn hãy từ bỏ thức uống đó đi vì nó thực sự không tốt cho sức khỏe", anh nói.
Anh Tấn cũng chia sẻ, dấu hiệu mắc suy thận thường rất khó nhận biết, hơn nữa bệnh cũng diễn ra rất âm thầm, vì thế lúc phát hiện nhiều bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối rồi.
"Có một số dấu hiệu có thể cảnh báo bệnh nhân bị suy thận, bao gồm chân tay, mặt có dấu hiệu tích nước, phù; nước tiểu có bọt, như bọt xà phòng; thường xuyên đau vùng thắt lưng; da thường xuyên nổi ban ngứa ngáy; hơi thở có mùi hôi, suy nhược cơ thể, mệt mỏi...
Nếu như bạn có một trong những dấu hiệu trên thì việc thăm khám sức khỏe là rất cần thiết. Nếu như không có bệnh thì rất tốt, nhưng nếu không may mắc bệnh thì bạn có thể có phương án điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn tiến quá muộn", anh Hoàng Văn Tấn nói.
Hi vọng với những chia sẻ trên đây của anh Hoàng Văn Tấn - một bệnh nhân bị suy thận ở độ tuổi còn rất trẻ sẽ là bài học cho tất cả mọi người đó là hãy biết trân trọng sức khỏe. Đồng thời, hãy thực hiện khám sức khỏe định kỳ để có thể kịp thời kiểm soát sức khỏe của bản thân.