Gần đây, câu chuyện một nữ sinh 17 tuổi bất ngờ phát hiện mắc ung thư cổ tử cung dù chưa từng làm chuyện ấy đã khiến không ít người phải giật mình, lo lắng. Nữ sinh này tên là Tiểu Mễ, đang học trường trung học nữ sinh tại Nam Kinh (Giang Tô, Trung Quốc). Cô đi khám vì đau vùng chậu kéo dài và hành kinh tới 3 - 4 lần mỗi tháng, đau bụng kinh dữ dội lan ra cả thắt lưng.
Bản thân Tiểu Mễ và gia đình đơn giản chỉ nghĩ là cô bị rối loạn kinh nguyệt và đau nhức do ngồi học quá nhiều. Tuy nhiên, kết quả chẩn đoán bác sĩ đưa ra lại là ung thư cổ tử cung giai đoạn 3. Lúc này, khối u đã xâm lấn ra ngoài cổ tử cung, vào các mô và cấu trúc gần đó, bao gồm vùng hố chậu, hạch bạch huyết và chèn ép bàng quang, trực tràng.
Người mẹ tức giận quát mắng Tiểu Mễ ngay tại bệnh viện vì cho rằng cô hư hỏng, đã sớm phát sinh quan hệ không lành mạnh mới mắc bệnh. Tiểu Mễ òa khóc, nói rằng mình ngoài thời gian đi học thì chỉ ở ký túc xá nữ, cuối tuần thì về nhà, chưa từng có bạn trai chứ đừng nói đã làm chuyện ấy. Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung ở Tiểu Mễ là nhiễm HPV và nó có thể xảy ra ở độ tuổi rất trẻ, ngay cả khi chưa từng quan hệ tình dục.
Bàn luận về trường hợp của Tiểu Mễ, Giáo sư Qiao Youlin - Trưởng khoa Sản phụ khoa tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) nói chuyện này không hề hiếm gặp.
Ông giải thích, HPV (Human Papillomavirus) là một nhóm virus thuộc họ Papillomaviridae, bao gồm hơn 200 chủng khác nhau. Một số loại HPV có thể gây ra các mụn cóc (mụn cơm) ở da và bộ phận sinh dục, trong khi những chủng khác lại liên quan đến ung thư từ ung thư tử cung tới ung thư hầu họng, ung thư dương vật/âm đạo… Trong đó, các chủng có nguy có gây ung thư cổ tử cung cao nhất là HPV-16 và HPV-18.
Giáo sư Qiao nhấn mạnh, HPV lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục, nhưng đây không phải con đường lây truyền duy nhất. Nó có thể lây truyền qua tiếp xúc da kề da, như ôm hôn hay chạm vào vùng da tổn thương. Hoặc lây truyền qua dụng cụ cá nhân chung như khăn tắm hoặc bàn chải đánh răng, quần áo... HPV cũng có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở. Ngoài ra, dù ít phổ biến nhưng loại virus này còn có thể lây qua môi trường không vệ sinh như bể bơi công cộng hoặc phòng tắm công cộng.
Bên cạnh đó, nhiễm HPV không phải lúc nào cũng dẫn đến ung thư cổ tử cung ngay lập tức. Quá trình từ khi nhiễm HPV đến khi phát triển thành ung thư có thể kéo dài từ 10 đến 20 năm. Trường hợp của Tiểu Mễ chưa tìm được nguyên nhân lây nhiễm chính xác nhưng xác định là nhiễm HPV đã nhiều năm, trước đây đã có những tổn thương tiền ung thư nhưng không để ý. Đến khi phát hiện là lúc khối u đã di căn, ngay cả cắt bỏ tử cung cũng khó điều trị hiệu quả.
Thông qua câu chuyện của Tiểu Mễ, Giáo sư Qiao nhắc nhở chúng ta, đặc biệt là nữ giới nên sớm quan tâm tới chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng ngừa nhiễm HPV. Bao gồm lối sống khoa học, chú trọng cải thiện miễn dịch, vệ sinh vùng kín đúng cách, quan hệ tình dục lành mạnh… và tiêm vaccine phòng HPV.
Nguồn và ảnh: QQ, Health GVM