Biến đổi khí hậu - đề tài được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, nhưng vẫn chẳng khi nào cũ. Nó vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra, nhưng theo tình trạng hiện tại thì là với tốc độ ngày càng nhanh.
Trước tình trạng ấy thì mới đây, một cộng đồng gồm hơn 11.000 người là các nhà khoa học đến từ 150 quốc gia trên thế giới đã cùng nhau tập hợp lại. Họ cùng nhau ký tên, đóng dấu, và chuyển đi một thông điệp cảnh báo đến toàn thế giới: Nếu không sớm hành động, cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi vĩnh viễn, và kèm theo là những "thảm họa không thể dự đoán đối với loài người".
Lời cảnh báo mang lịch sử của hàng thập kỷ tuyệt vọng
Trong hơn 40 năm qua, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã sớm cảnh báo về một thảm họa khí hậu sẽ xảy đến với Trái đất. Và họ nhận được gì? Rất ít nỗ lực thay đổi đến từ chính phủ và các ngành công nghiệp. Gần như chẳng ai quan tâm cả.
Giờ đây, tình trạng khẩn cấp đã ở quy mô toàn cầu, với các dự đoán về tương lai ngày càng trở nên mờ mịt. Còn các nhà khoa học, họ chẳng còn cách nào khác ngoài việc phải lại đứng ra truyền đạt thông điệp. Và lần này là một thông điệp mới, rõ ràng hơn, và gay gắt hơn.
"Các nhà khoa học có nghĩa vụ về mặt đạo đức phải cảnh báo nhân loại khi có những mối đe dọa xảy ra," - trích lời Thomas Newsome, nhà khoa học môi trường đến từ ĐH Sydney (Úc).
"Từ các số liệu có được, rõ ràng chúng ta đang phải đối mặt tình trạng khẩn cấp về khí hậu."
Tháng 11/2017, Newsome đã đứng ra công bố một lời cảnh báo dành cho nhân loại do giáo sư sinh thái học William J. Ripple từ ĐH Bang Oregon chắp bút. Văn bản thu hút được hơn 15.000 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đồng lòng ký tên - có thể nói là lớn nhất trong lịch sử. Vậy mà giờ đây, họ phải tiếp tục cùng nhau đứng ra nhắn gửi thêm một thông điệp nữa, về một lời cảnh báo khẩn cấp cho toàn thế giới.
Lời cảnh báo lần này dựa trên dữ liệu trong hơn 4 thập kỷ vừa qua, liên quan đến năng lượng sử dụng, nhiệt độ bề mặt Trái đất, dân số, nạn phá rừng, lượng băng tan, tỉ lệ sinh - tử, và quan trọng nhất là lượng khí thải carbon.
"Khủng hoảng khí hậu đang đến gần và diễn ra với tốc độ nhanh hơn những gì khoa học có thể nghĩ đến," - văn bản có viết.
"Nó nghiêm trọng hơn những gì đã được khoa học đưa ra, đe dọa hệ sinh thái và số phận của cả nhân loại."
Cháy rừng ngày càng lan rộng
Những gợi ý để thay đổi bài toán "vô nghiệm"
Kết luận của nghiên cứu - dĩ nhiên - là chẳng có gì mới mẻ. Chỉ là thêm một lời cảnh báo dành cho nhân loại đang quá vô tâm đối với tình trạng của mình mà thôi.
Ngày nay, dân số loài người vẫn tăng thêm ít nhất 80 triệu người mỗi năm. Ở chiều ngược lại, diện tích rừng Amazon ngày càng giảm xuống.
"Sau 40 năm đàm phán về khí hậu, về cơ bản con người vẫn tiến hành kinh doanh và thu lời như bình thường, chẳng ai chú tâm đến nó," - William Ripple, nhà sinh thái từ ĐH Bang Oregon cho biết.
Giải pháp cho cuộc khủng hoảng này, các nhà khoa học cho biết nhân loại cần phải thực sự thay đổi. Phải đảo ngược những thói quen và hoạt động thường thấy, cố gắng giảm thiểu lượng nhiên liệu hóa thạch càng nhiều càng tốt. Thay vào đó, cần nhanh chóng phát triển các dạng nhiên liệu tái tạo và công nghệ thu gom carbon, chuyển sang chế độ ăn giàu thực vật.
Các quốc gia phát triển, họ sẽ buộc phải là những người tiên phong đứng ra thay đổi, nhưng điều đó sẽ là không đủ. Nếu như tất cả nghiêm túc hướng đến một tương lai không còn khí thải carbon, các nước nghèo sẽ cần phải được hỗ trợ thật cặn kẽ.
"Mục tiêu của các quốc gia cần phải thay đổi, từ tăng trưởng GDP trở thành ưu tiên cho hệ sinh thái bền vững. Mọi người cần được cung cấp những nhu cầu căn bản, giảm được chênh lệch giàu nghèo."
Dĩ nhiên, nói thì dễ, làm mới khó, nhất là với những người ở cương vị nguyên thủ quốc gia. Nhưng dẫu khó thì cũng phải làm, vì khi thành công, cuộc sống của nhân loại sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.
Ở thời điểm hiện tại, đã có một số dấu hiệu đáng tích cực. Năng lượng từ gió và Mặt trời đã tăng 300% so với thập kỷ trước, trong khi nhiên liệu hóa thạch đang "bớt" phổ biến hơn. Ngoài ra, những hành động vì môi trường đang được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới, đến từ các cá nhân, tổ chức, và thậm chí là cả quốc gia.
"Dù mọi thứ đang tệ hơn, nhưng không đến nỗi tuyệt vọng. Chúng ta chỉ cần phải lắng nghe và thực sự làm những hành động thiết thực để giải quyết cơn khủng hoảng này."