Cây hạt dẻ ngựa tại châu Âu, mới đây đã được IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) xếp vào dạng có nguy cơ tuyệt chủng.
Và đó chỉ là một trong số 400 loài cây bản địa tại châu Âu được xếp vào danh sách mới nhất của tổ chức này. Tính theo tỷ lệ, có khoảng 50% cây cối tại châu Âu đang dần biến mất. Theo Craig Hilton-Taylor - giám đốc đơn vị Sách Đỏ của IUCN, đây là những con số đáng giật mình.
"Cây cối là một phần quan trọng đối với hệ sinh thái của Trái đất. Tại châu Âu, các loài cây có sự đa dạng sinh học nhất định, là nguồn thức ăn, nơi cư trú cho vô số các loài vật, và đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế," - ông cho biết.
Được biết, tình trạng bảo tồn của các loài động vật tại châu Âu, phần lớn đã được xếp vào dạng nguy cấp. Và nay khi chuyển sang đánh giá hơn 450 loài thực vật bản địa của châu lục này, các chuyên gia nhận thấy như sau:
42% đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Riêng các loài cây đặc hữu, không tìm thấy ở bất kỳ đâu khác trên thế giới, con số là 58%.
Trong số này, một số loài đặc biệt nhất phải kể đến là hạt dẻ ngựa - loài cây đang giảm số lượng ở phạm vi toàn châu Âu, cùng 200 loài cây khác cùng họ. Nguyên nhân được đưa ra là do côn trùng phá hoại và dịch bệnh leo thang, cộng thêm các loài cây xâm lấn, khai thác gỗ quá mức và cháy rừng.
Trong số các nguyên nhân trên, phần lớn trong số đó đang ngày càng nghiêm trọng vì tác động của biến đổi khí hậu (côn trùng sinh sôi nhiều hơn, dịch bệnh khó chấm dứt, cháy rừng tăng...).
Theo tiến sĩ Steven Bachman - chuyên gia bảo tồn tại Vườn Bách thảo Hoàng gia, cây cối quả thực là thứ giúp sự sống trở nên bền vững. "Báo cáo lần này cho chúng ta thấy những thông tin quan trọng về sự sống của cây trồng tại châu Âu. Kết quả cho thấy mức độ nguy cấp đáng báo động, cần phải có những hành động bảo tồn cấp thiết hơn."
Luc Bas - giám đốc IUCN tại châu Âu cho biết các hành động của con người đang ngày càng khiến tình hình tệ hơn.
"Tình hình đang bị quá xem nhẹ. Các loài vật được xem là xương sống của hệ sinh thái đang bị hủy hoại, khiến tình trạng của hành tinh ngày một xấu đi."
Còn theo Mike Seddon - giám đốc điều hành quỹ Forestry England thì các cuộc "khủng hoảng khí hậu" là mối đe dọa thực sự với khu rừng, làm tăng nguy cơ khiến sâu bệnh phát triển mạnh hơn.
Vậy mới thấy biến đổi khí hậu là điều có thực, và nó đang ảnh hưởng thực sự đến sự sống trên hành tinh của chúng ta.