Ong mật trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng cực lớn và đây là lý do chúng ta không thể để điều đó xảy ra

J.D, Theo Helino 08:10 01/08/2019

Ong mật dù đông đảo, nhưng khoa học cho biết số lượng ong đang giảm dần theo từng năm, và đó là điều cực xấu cho hệ sinh thái.

Côn trùng - một thế lực tưởng như bất diệt với hàng triệu loài trên thế giới - những năm gần đây lại khiến giới khoa học phải lo lắng khi số lượng sụt giảm quá nhanh. Rất nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong đó bao gồm cả ong.

Nghiên cứu của các chuyên gia từ ĐH Sydney (Úc) đã chỉ ra rằng khoảng 41% các loài côn trùng có số lượng đang giảm dần. Theo thống kê, số lượng côn trùng đang giảm ít nhất 2,5% mỗi năm. Nếu xu hướng này cứ tiếp tục thì đến cuối thế kỷ 21, thế giới côn trùng sẽ bị tuyệt diệt.

Và khi côn trùng nói chung và ong nói riêng biến mất, hệ quả tất yếu sẽ là một cuộc thảm họa sinh thái, thậm chí là dấu chấm hết cho nền văn minh của nhân loại. Lý do vì sao ư? Bạn sẽ biết ngay sau đây.

1. 1/3 cây lương thực được thụ phấn trên cả hành tinh là nhờ ong

Ong mật trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng cực lớn và đây là lý do chúng ta không thể để điều đó xảy ra - Ảnh 1.

Các loài ong hiện được xem là yếu tố thụ phấn quan trọng nhất dành cho cây trồng trên toàn thế giới. Ước tính, 1/3 số cây lương thực chúng ta ăn mỗi ngày là do ong xử lý, bên cạnh một số loài khác như chim, dơi và côn trùng nhỏ...

Rất nhiều quốc gia đang phải nhập khẩu hoa quả, rau củ chủ yếu chúng được thụ phấn nhờ ong. Có thể kể đến như bơ, đậu phộng, vừng, dưa chuột, chanh, đào, kiwi, anh đào, việt quất, mâm xôi, dưa...

2. Cây trồng khác cũng được thơm lây

Ong mật trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng cực lớn và đây là lý do chúng ta không thể để điều đó xảy ra - Ảnh 2.

Không chỉ lương thực và thực phẩm, nhiều loại cây trồng khác của con người cũng cần đến ong thụ phấn, như cafe và cây bông. Thậm chí những loài cây vốn được dùng để làm thức ăn cho gia súc cũng phải nhờ đến ong. Hay nói cách khác, vai trò của ong với bữa ăn của con người và các loài vật khác là cực kỳ quan trọng.

3. Có ong, hệ sinh thái mới thực sự lành mạnh

Ong mật trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng cực lớn và đây là lý do chúng ta không thể để điều đó xảy ra - Ảnh 3.

Sự tồn tại của ong cho phép các loài thực vật trở nên đa dạng sinh học hơn, mọi thứ hài hòa theo cách tự nhiên mà không cần đến bàn tay của con người.

4. Ảnh hưởng cực lớn đến nền kinh tế

Ong mật trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng cực lớn và đây là lý do chúng ta không thể để điều đó xảy ra - Ảnh 4.

Theo Hiệp hội nuôi ong Anh Quốc đánh giá, ong mang về cho nền kinh tế 185 triệu USD mỗi năm, và đó là tính riêng trên nước Anh mà thôi.

Trên thực tế, rất nhiều cây hoa, quả có giá trị kinh tế cao phải phụ thuộc vào ong. Kể cả khi không cần phải thụ phấn trực tiếp, chúng cũng gây ảnh hưởng một cách gián tiếp bởi sự đa dạng sinh học mà ong mang lại.

Như tại Mexico, quá trình thụ phấn của ong chiếm đến 2 tỉ USD giá trị sản phẩm họ tạo ra.

5. Sinh vật chăm chỉ bậc nhất thế giới

Ong mật trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng cực lớn và đây là lý do chúng ta không thể để điều đó xảy ra - Ảnh 5.

Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Ecocolmena Tây ban Nha, một tổ ong mật có thể chứa khoảng 15.000 - 80.000 cá thể. Mỗi tổ ong là một xã hội cực kỳ quy củ và có trật tự.

Ngay cả trong nhóm ong thợ, mỗi con ong lại có một nhiệm vụ riêng biệt. Như ong lau dọn, chúng sẽ chuyên dọn dẹp cặn bẩn trong tổ; ong mật thì chuyên lấy mật; ong xây tổ, ong kiếm ăn, ong bảo vệ, thậm chí có cả "ong quạt" - chuyên tạo gió, điều hòa không khí cho tổ.

6. Loài côn trùng quan trọng nhất

Ong mật trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng cực lớn và đây là lý do chúng ta không thể để điều đó xảy ra - Ảnh 6.

Ong là loài côn trùng quan trọng bậc nhất với hành tinh này - tiến sĩ George McGavin từ Viện EarthWatch cho biết. Theo ông, ít nhất 250.000 loài thực vật - gồm hoa và cây cối - đang phụ thuộc vào ong.

"Sẽ là một thế giới tẻ nhạt nếu thiếu đi ong." - McGavin cho biết. Theo ông ước tính, giá trị kinh tế mà ong mang lại cho toàn thế giới rơi vào khoảng 130 tỉ euro mỗi năm.

Tham khảo: Science Alert, BS, Vt.co