Câu chuyện môi trường ở Brazil hiện tại đang có quá nhiều vấn đề. Chỉ trong vòng 2 tháng gần nhất, hàng nghìn kilomet vuông diện tích rừng Amazon đã "bốc hơi", tăng đến 278% so với cùng kỳ năm 2018.
Và như để khiến câu chuyện thêm phần trầm trọng hơn thì mới đây, các nhà khoa học cho biết cộng đồng ong trên toàn Brazil đang sụp đổ thật sự, khi có đến... nửa tỉ con ong chết rơi rụng chỉ trong vòng vài tháng đầu năm 2019.
Bản báo cáo do trang Bloomberg đưa ra, và nó xảy đến ở 4 bang miền Nam Brazil. Cũng giống như đa số các địa điểm khác trên thế giới, nguyên nhân gây ra cơ sự này có rất nhiều, nhưng chủ yếu là vì con người đã quá lạm dụng thuốc trừ sâu.
Ong chết như ngả rạ tại Brazil
Năm 2012, Brazil chính thức vượt mặt Hoa Kỳ, trở thành quốc gia nhập và sử dụng thuốc trừ sâu cho nông nghiệp nhiều nhất. Theo như các nhà lập pháp, nhiều nơi tại Brazil thậm chí còn lạm dụng thuốc trừ sâu ở mức độ quá cao. Với lần "hủy diệt hàng loạt" ong lần này, thủ phạm chính là fipronil - một dạng thuốc trừ sâu tấn công vào hệ thần kinh của côn trùng.
Fipronil về cơ bản là loại thuốc dùng để diệt trừ sâu bệnh, nhưng nó đồng thời cũng tấn công cả côn trùng có lợi, trong đó có ong. Loại thuốc này cũng gây độc cho nhiều loài cá, thằn lằn, chim... khi tiếp xúc.
Tình trạng ong "bốc hơi" cũng diễn ra ở nhiều nơi khác trên thế giới. Như tại Mỹ, 37% tổ ong mật được quản lý đã biến mất trong giai đoạn 10/2018 - 4/2019.
Đây hiển nhiên là một tổn thất rất lớn. Ong đóng vai trò quan trọng đối với quá trình sinh trưởng của nhiều loài thực vật, với hơn 75% các loài cây trồng trên thế giới phải phụ thuộc vào chúng (số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc). Lượng ong giảm đi hiện đang đe dọa sản lượng cung cấp cafe, táo, hạnh nhân, cà chua, ca-cao và vô số cây trồng khác tại Brazil.
Fipronil hiện đang là loại thuốc gây tranh cãi tại nhiều nơi trên thế giới, đã bị cấm sử dụng tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng vì khả năng khiến cho ong chết. Giai đoạn 1994 - 1998, hóa chất này đã khiến ong chết hàng loạt tại các vùng nông thôn nước Pháp. Nhưng dù vậy những năm gần đây Brazil lại cho phép dùng hóa chất này, sau khi hợp tác cùng gã khổng lồ thuốc trừ sâu BASF của Đức.
Tính từ năm 2016, có hơn 1000 loại thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp của quốc gia này được thông qua. Và tình thế này đang khiến tương lai của ong gặp bi kịch hơn bao giờ hết.