Trong hàng tá tác phẩm truyền hình Hoa Ngữ thuộc thể loại từ cổ trang đến hiện đại, khán giả dễ dàng nhận thấy những tình tiết khá giống nhau. Hàng chục năm trôi qua, thế nhưng, nhà sản xuất xứ Trung vẫn thích đưa các yếu tố "nhức nhối" ấy lên màn ảnh. Cứ vậy, chúng đã trở thành diễn biến đặc thù, xuất hiện với tần suất dày đặc trên màn ảnh nhỏ. Điều đáng nói ở đây, đó là những tình tiết ấy nhiều khi phi thực tế đến khó hiểu!
Trên phim cổ trang, khi vai nữ muốn che giấu thân phận thực sự, họ luôn dùng khăn voan trong để che đi một nửa khuôn mặt. Dù vẫn hiện lên vẹn nguyên nhan sắc chim sa cá lặn, vậy mà các nhân vật khác vẫn cứ phải làm ngơ, tỏ ra bồn chồn và bứt rứt, chỉ muốn nhanh chóng được chiêm ngưỡng dung nhan ấy.
Bên cạnh đó, tính thẩm mỹ còn được chú trọng ở việc chọn lựa màu sắc của chiếc khăn voan. Stylist luôn phải phối chúng làm sao cho "ăn rơ" với bộ trang phục của diễn viên. Chiếc khăn "che giấu thân phận" chẳng khác gì một loại phụ kiện làm đẹp cho họ.
Các bộ phim cung đấu chẳng bao giờ thiếu nổi cảnh quỳ bền vững để xin xỏ, hối lỗi của một vài nhân vật chủ chốt. Dù cho dự báo thời tiết ngày hôm đấy có là nắng to đi chăng nữa, một khi đã quỳ thì trời sẽ ngay lập tức mưa xối xả như trút nước ngay.
Ngoài ra, nếu chị em nào mà đang dầm mưa dãi nắng thì kiểu gì một lúc sau, cũng có "người ấy" ra quỳ cùng. Nếu không quỳ, thì nam chính cũng sẽ bày ra một hành động lãng mạn nào đó, khiến các khán giả nữ nước mắt rơi lã chã không kém gì trời mưa trên phim.
Bạn có bao giờ cảm thấy bực mình vì những phân cảnh cùng một địa điểm chàng vừa đến thì nàng đi, nàng vừa đi thì chàng đến? Chỉ chênh nhau 1 giây mà nam chính phải đi tìm nữ chính mỏi mệt hoặc ngược lại, kéo theo bao nhiêu hệ lụy tiếp theo. Có nhiều lúc, thật sự chỉ muốn nhảy vào ti vi làm thần Cupid, dẫn đường chỉ lối cho hai người họ thôi "câu" giờ đi!
Kể cả mặt hoa da phấn, mắt đen môi đỏ hay sở hữu giọng nói thánh thót của một em "bánh bèo" chính hiệu thì nữ chính chỉ cần cột tóc cao, mặc trang phục nam là vẫn cứ được coi là một chàng trai đích thực. Đây là tình tiết từng khiến bao người cười ra nước mắt khi theo dõi phim bộ cổ trang Hoa Ngữ.
Có một sự trùng hợp đầy "mùi" cố tình, đó là cứ hễ nhân vật chính bị chém đầu thì à các thao tác của anh đao phủ bỗng trở nên đậm chất phim Cô Dâu 8 Tuổi, liên tục rơi vào tình trạng "slow-motion". Từ ánh mắt đến việc rút đao, lau đao đều diễn ra như muốn nói: "Sao người của triều đình mãi không tới vậy? Anh đây nhận tiền rồi, sao có thể chém đây?". Đúng lúc đao kề đầu thì "người của triều đình" nào đó mang xác lệnh đầy tính quyết định: "thánh chỉ tới, bỏ đao xuống!"
Cứ như vậy, nam chính (hoặc nam phụ có tính mấu chốt trong phim) sẽ được cứu, tiếp tục hành trình báo thù, phục quốc,v...v... gì đó mà mình vẫn còn đang thực hiện dang dở. Bộ phim lại cứ thế tiếp tục vào guồng!
Ngã từ vách núi cao xuống không những không chết mà kiểu gì cũng học được một môn võ cao siêu nào đó để leo lên tìm đường trả thù. Đấy là một trong những "tuyệt chiêu" khó tin của các cao nhân trong phim Trung. Theo khảo sát thực tế, hơn 90% người rơi từ vách núi xuống sẽ mất mạng, nhưng điều đấy rất hiếm khi xảy ra ở các tác phẩm truyền hình kiếm hiệp. Vậy nên, đừng bạn trẻ nào dại dột mà mang điều này áp dụng vào thực tế nhé.
Hai diễn viên chính mà có cảnh ngã cạnh nhau thì dù đứng dù ngồi, dù có là người trên cây người dưới đất, thì hai đôi môi bằng cách nào đó vẫn cứ "gặp" nhau. Đây là một triết lý bất biến trong một số bộ phim dành cho giới trẻ tại đất nước tỷ dân.
Lần đầu tiên xem, ai cũng xao xuyến trước nụ hôn định mệnh ấy. Ước gì có một ngày, đang hát "Người lạ ơi, xin cho tôi một nụ hôn" liền gặp được chân mệnh thiên tử. Thế nhưng, nếu tình tiết này cứ lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác, từ tác phẩm này sang đến tác phẩm khác, thì khán giả cũng phải giơ tay xin hàng vì "bội thực" nụ hôn định mệnh luôn rồi!
Mang tiếng toàn những nữ nhân công dung ngôn hạnh, tiểu thư khuê các cả ngày chỉ biết may vá thêu thùa. Nhưng hễ nhân vật nữ trên phim Trung trổ tài thêu vài ba đường cơ bản trên tấm khăn nhỏ thì không sớm thì muộn cũng... chọc vào tay. "Combo" đi kèm luôn là khuôn mặt bần thần của nhân vật nữ từ chính đến phụ cùng dòng suy nghĩ: "Có chuyện gì không hay xảy ra rồi sao?"
Cứ lúc nước sôi lửa bỏng, sẽ có một nhân vật nào đấy lôi đàn tranh ra đánh cho vui tai. Y như rằng, bầu không khí đang phấn chấn và vui vẻ thì... đàn đứt dây, báo hiệu diễn biến tồi tệ xảy ra ở những tập tiếp theo.
Đoạn cao trào nhất của tất cả những bộ phim truyền hình là khi bí mật được tiết lộ. Trong trường hợp này, người bật mí luôn ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, một nhân vật khác sẽ đặt câu hỏi quen thuộc: "Hung thủ là ai?". Nhưng rất tiếc, trong những tình thế cấp bách, ta luôn gặp phải người thuộc khối chuyên văn, thích trình bày đầy đủ cấu trúc chủ vị:" Hung... thủ... chính... là..." - và vị ngữ luôn là phần để người "ra đề" tự điền.