10 kĩ năng sinh tồn giúp những chuyến dã ngoại đỡ 'hành xác' hơn, thậm chí là cứu mạng bạn nếu gặp tình huống nguy cấp

Jayden, Theo Trí Thức Trẻ 08:10 01/05/2020

Bạn có chắc mình biết cách sinh tồn nếu chẳng may lạc vào nơi "rừng thiêng nước độc" hay không? Hãy tham khảo 10 mẹo nhỏ sau đây để giúp bảo vệ bản thân tốt hơn ở môi trường hoang dã.

Nếu lạc vào nơi hoang vắng thì bạn nên ghi nhớ kĩ thuật S.T.O.P, viết tắt của Stop (dừng lại), Think (suy nghĩ), Observe (quan sát) và Plan (lên kế hoạch). Những việc nên ưu tiên hàng đầu bao gồm tránh bị thương, đi kiếm nguồn nước sạch và tìm cách quay lại "nền văn minh nhân loại" càng sớm càng tốt. Sau đây là 10 bí kíp sinh tồn giúp bạn tìm được đường sống nhanh hơn, tự giải cứu cho chính mình.

1. Bọc túi nhựa xung quanh nhánh cây để lấy nước

10 kĩ năng sinh tồn giúp những chuyến dã ngoại đỡ hành xác hơn, thậm chí là cứu mạng bạn nếu gặp tình huống nguy cấp - Ảnh 1.

Tìm kiếm nước uống là ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta lạc vào nơi hoang dã. May mắn thay, bạn có thể bọc túi nhựa xung quanh một cành cây hướng về phía ánh nắng, nhờ đó thu được nguồn nước không giới hạn trong nhiều ngày.

2. Một cách lấy nước khác từ... mắt cá

10 kĩ năng sinh tồn giúp những chuyến dã ngoại đỡ hành xác hơn, thậm chí là cứu mạng bạn nếu gặp tình huống nguy cấp - Ảnh 2.

Kĩ thuật này vốn được thổ dân Úc sử dụng khi đi bộ đường dài mà không mang theo nước. Họ sẽ quấn một nhúm cỏ khô ở mắt cá nhân, mục đích để chắt chiu những giọt sương buổi sáng đọng lại trên các bụi cỏ xung quanh.

3. Sử dụng màng xốp hơi và lá cây để làm ấm cơ thể

10 kĩ năng sinh tồn giúp những chuyến dã ngoại đỡ hành xác hơn, thậm chí là cứu mạng bạn nếu gặp tình huống nguy cấp - Ảnh 3.

Nghe có vẻ lạ lùng nhưng hãy luôn mang theo màng xốp hơi khi bạn đi cắm trại ở vùng lạnh giá. Bởi vì màng xốp hơi là chất cách nhiệt rất tốt, có thể giữ cơ thể không bị nhiễm lạnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng lá cây để thay thế. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã làm thí nghiệm cho thấy lá táo khô cách nhiệt khá tốt, có thể dùng trải lên các bề mặt trước khi bạn đặt lưng xuống nghỉ ngơi.

4. Ngủ trên các bề mặt cao để tránh hạ thân nhiệt

10 kĩ năng sinh tồn giúp những chuyến dã ngoại đỡ hành xác hơn, thậm chí là cứu mạng bạn nếu gặp tình huống nguy cấp - Ảnh 4.

Một khi đã tìm được nguồn nước, sẽ khôn ngoan hơn nếu bạn không tiếp tục hành trình trong đêm tối. Thay vào đó, hãy tìm bề mặt cao ráo để nghỉ chân. Nếu tìm được hang động an toàn, giúp bảo vệ khỏi mưa gió thì quá tốt. Nếu không, cũng đừng nằm trực tiếp lên mặt đất vì rất dễ bị hạ thân nhiệt.

5. Cọ xát bàn tay với lá thông, sả để tránh bị muỗi đốt

10 kĩ năng sinh tồn giúp những chuyến dã ngoại đỡ hành xác hơn, thậm chí là cứu mạng bạn nếu gặp tình huống nguy cấp - Ảnh 5.

Mặc dù không đem lại hiệu quả triệt để nhưng mẹo nhỏ này có thể giúp bạn hạn chế nguy cơ bị các loài côn trùng nguy hiểm tấn công. Đó là do nhựa thông, sả có mùi đặc trưng và giúp đẩy lùi muỗi cũng như các loại côn trùng khác ở mức độ nhất định.

6. Nếu bắt buộc phải chọn lựa, đừng dại "đo tốc độ" với các loài mãnh thú như gấu

10 kĩ năng sinh tồn giúp những chuyến dã ngoại đỡ hành xác hơn, thậm chí là cứu mạng bạn nếu gặp tình huống nguy cấp - Ảnh 6.

Khi gặp gấu đen, bạn nên thận trọng bước lùi về phía sau, đừng kích động bỏ chạy. Bởi vì trong hầu hết trường hợp, gấu đen sợ con người còn hơn chúng ta sợ loài thú này.

Tuy nhiên nếu "xui tận mạng" mà đụng độ gấu xám Bắc Mỹ, với kích thước đồ sộ và mạnh mẽ hơn nhiều, cách để chúng ta tăng cơ hội sống sót chỉ có thể là giả chết mà thôi. Theo hướng dẫn của Dịch vụ Vườn quốc gia Mỹ, hãy vứt ba lô của mình rồi nằm sấp, bọc tay ra sau cổ và dang rộng hai chân để hạn chế khả năng bị gấu lật lên. Giữ nguyên vị trí cho đến khi con vật đi khỏi khu vực xung quanh.

Lưu ý nếu gấu chủ động tấn công để săn mồi thì các biện pháp như bước lùi trốn tránh hay giả chết đều sẽ phản tác dụng. Vì vậy, bạn luôn phải chú ý quan sát con vật và phán đoán nhanh tình huống cụ thể.

7. Khi lội nước, thà chọn nơi sâu một chút nhưng dòng chảy chậm, hơn là chỗ nước nông hơn nhưng chảy xiết

10 kĩ năng sinh tồn giúp những chuyến dã ngoại đỡ hành xác hơn, thậm chí là cứu mạng bạn nếu gặp tình huống nguy cấp - Ảnh 7.

Đầu tiên, bạn nên chọn băng qua những khúc sông ít ngoằn ngoèo uốn lượn. Sau đó dùng một cái gậy để thăm dò độ sâu. Chúng ta cũng cần nhớ là thà chọn nơi nước sâu một chút nhưng dòng chảy chậm, thay vì chỗ nước xiết.

Ngoài ra luôn hướng mặt về phía dòng chảy (ngược dòng), giữ tư thế hơi cúi người về phía trước, dang rộng hai chân bằng vai, đồng thời hạ thấp đầu gối một chút để giữ cân bằng và luôn cầm theo gậy nếu bạn lội nước một mình.

8. Mài băng thành hình dạng thấu kính để nhóm lửa

10 kĩ năng sinh tồn giúp những chuyến dã ngoại đỡ hành xác hơn, thậm chí là cứu mạng bạn nếu gặp tình huống nguy cấp - Ảnh 8.

Với một khối băng trong suốt, dày khoảng 5 cm, bạn có thể mài nó thành hình dạng giống như thấu kính. Cụ thể là nó có dạng gương cầu lồi - mỏng ở các cạnh và dày lên ở giữa. Sau đó, hãy đặt miếng băng đúng góc độ dưới ánh nắng, soi xuống củi đóm hay lá cây và kiên nhẫn chờ chúng bắt lửa.

9. Thu thập lá cây ướt để tạo khói cầu cứu

10 kĩ năng sinh tồn giúp những chuyến dã ngoại đỡ hành xác hơn, thậm chí là cứu mạng bạn nếu gặp tình huống nguy cấp - Ảnh 9.

Sau khi đã tìm được nước uống, nơi trú ẩn và nhóm được lửa, bạn sẽ muốn thoát khỏi miền hoang dã càng sớm càng tốt. Lúc đó, chúng ta có thể tạo khói để báo hiệu cầu cứu. Và cách để tạo ra khói nhiều nhất là sử dụng lá cây ướt.

Thêm một lưu ý khác là bạn hãy xếp thành 3 mớ bùi nhùi chất dễ cháy để tạo ra 3 luồng khói tách biệt nhau. Chỉ như vậy thì khi máy bay hay tàu thuyền nhìn thấy mới không tưởng là cháy rừng tự nhiên. Hình ảnh 3 cột khói là tín hiệu cầu cứu theo quy ước của thổ dân Mỹ và hướng đạo sinh.

10. Sử dụng tro như chất khử trùng để rửa tay

10 kĩ năng sinh tồn giúp những chuyến dã ngoại đỡ hành xác hơn, thậm chí là cứu mạng bạn nếu gặp tình huống nguy cấp - Ảnh 10.

Khi ở trong điều kiện hoang dã, nhiều người sẽ chẳng màng quan tâm đến việc giữ vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên hãy luôn nhớ khử trùng bàn tay, vì việc này sẽ giúp cơ thể dễ chữa lành vết thương tốt hơn nếu có rủi ro xảy ra. Từ lâu, tàn tro đã được sử dụng để làm chất sát khuẩn nếu không có xà phòng, bởi vì nhiều loại vi khuẩn không thể sống trong nồng độ pH 10-12 ở môi trường này.

(Theo Bright Side)