Loại quả nhiều hạt vi nhựa nhất
“Ông sẽ ăn bao nhiêu đồ nhựa cho bữa tối” - câu nói trích trong tiểu phẩm châm biếm trên Saturday Night Live tưởng là đùa nhưng lại là thực tế của chúng ta ngày nay.
Được phát minh vào đầu những năm 1900, nhựa tổng hợp ngày càng được sản xuất với số lượng lớn. Theo tạp chí Bon Appétit, chúng ta đã sản xuất 1,7 triệu tấn nhựa vào năm 1950. Hiện nay, con số này đã đạt mức 400 triệu tấn/năm.
Không chỉ sản xuất nhiều, con người cũng ngày càng sử dụng một lượng lớn nhựa phục vụ cuộc sống. Như người tiêu dùng trên toàn thế giới tiêu thụ hơn 1 triệu chai nhựa/phút và sử dụng 5.000 tỷ túi nhựa mỗi năm.
Một mặt đem đến sự tiện lợi, mặt khác, vật liệu này cũng đang trở thành mối lo ngại với sức khỏe con người.
“Như chai nước dùng 1 lần sẽ bị phân hủy thành những mảnh nhựa nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa - được gọi là vi nhựa. Nhưng những hạt này sẽ phải mất đến 450 năm để phân hủy. Điều này đồng nghĩa những mảnh nhựa đầu tiên được sản xuất vẫn tồn tại đâu đó trên hành tinh này” Sherri Mason, Tiến sĩ, Giám đốc Phát triển bền vững tại ĐH Pennsylvania cho biết.
Rác thải nhựa hiện nay xuất hiện ở khắp mọi nơi. Thậm chí cả những hạt nhựa có kích thước nhỏ vẫn đang ẩn hiện trong thức ăn chúng ta sử dụng hàng ngày.
Theo CNN, một nghiên cứu vào tháng 2/2024 cho thấy, 90% mẫu protein động vật và thực vật có chứa hạt vi nhựa. Chúng là những mảnh nhựa hoặc hạt có kích thước dưới 5 mm.
Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả những người chỉ ăn các loại trái cây, rau củ quả cũng không thể thoát khỏi hạt vi nhựa. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ, nếu nhựa đủ nhỏ, trái cây và rau quả cũng có thể hấp thụ vi nhựa qua hệ thống rễ. Sau đó, chúng chuyển những chất hoá học đó đến thân, lá, hạt và quả của cây.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science đã phát hiện ra có từ 52.050-233.000 hạt vi nhựa có kích thước dưới 10 micromet trong nhiều loại trái cây và rau củ. Trong đó, táo là loại quả bị nhiễm hạt vi nhựa nhiều nhất với hơn 100.000 hạt vi nhựa/1 g.
Sion Chan, nhà vận động của Văn phòng Greenpeace Đông Á tại Hồng Kông từng chia sẻ: “Khi cắn 1 miếng táo, chúng ta chắc chắn đang tiêu thụ vi nhựa”.
Hạt vi nhựa ảnh hưởng đến sức khoẻ
Theo thông tin được đăng tải trên website của Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế, sau khi xâm nhập và tích luỹ trong thời thời gian dài ở cơ thể con người, hạt vi nhựa gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Thứ nhất, hạt vi nhựa xâm nhập vào cơ thể sẽ khiến gốc tự do bị viêm và dẫn đến mất cân bằng oxy hóa. Theo các nghiên cứu, nồng độ hạt vi nhựa từ 0,05 – 10mg/l sẽ sinh ra gốc tự do và chúng phản ứng ngược lại với nồng độ cao. Điều này dẫn đến gây ảnh hưởng đến tế bào não và tế bào biểu mô.
Thứ hai, trong hạt vi nhựa có chứa Phthalate là một chất được dùng trong sản xuất nhựa dẻo. Phthalate đã được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đưa vào danh sách chất có thể gây nên sự phát triển tế bào ung thư. Theo một nghiên cứu trên chuột cho thấy khi chúng ăn hạt vi nhựa, các hạt này sẽ tích tụ trong gan, làm tăng oxy hóa trong gan và ảnh hưởng tới tế bào gốc.
Thứ ba, nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Vrije Amsterdam, Hà Lan cho thấy hạt vi nhựa có thể tuần hoàn theo máu và di chuyển đến nhiều mô trong cơ thể. Các nghiên cứu đã cho thấy hạt vi nhựa có trong hệ tim mạch và gây tắc nghẽn động mạch, phù động mạch, viêm tế bào, gây độc tế bào máu...
Biện pháp giảm hấp thụ hạt vi nhựa
Hạt vi nhựa có kích thước vô cùng nhỏ nên không dễ dàng nhìn bằng mắt thường. Vì vậy, để hạn chế hấp thu hạt vi nhựa vào cơ thể, chúng ta có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Sử dụng nước từ máy lọc nước giúp loại bỏ bụi bẩn, tạp chất và hạn chế hạt vi nhựa.
- Dùng nước ion kiềm giàu hydrogen trong sơ chế và chế biến thức ăn để giúp thực phẩm tươi ngon và đảm bảo dinh dưỡng.
- Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng từ cơ sở cung cấp uy tín. Không cần phải cắt giảm hoàn toàn những món ăn có nguy cơ nhiễm hạt vi nhựa, chỉ cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để tăng sức đề kháng.
- Không dùng dụng cụ bằng nhựa để chế biến và hâm thức ăn vì đồ nhựa bị đun nóng sẽ khiến các chất độc hại thoát ra ngoài và dính vào thực phẩm.