Leonardo da Vinci sống qua đại dịch dịch hạch tàn phá Milan hồi năm 1484-1485. Căn bệnh chết người này đã cướp đi 50.000 sinh mạng – 1/3 dân số Milan lúc ấy. Bản thân ông không bị ảnh hưởng, nhưng chính thảm họa này đã khiến da Vinci bắt tay vào vẽ nên một thành phố tương lai an toàn hơn, sạch sẽ hơn. Bản vẽ được hoàn thiện vào khoảng thời gian giữa 1487 và 1490.
Trọng tâm của bản vẽ này là việc biến chuyển thành phố Milan thời Trung Cổ - một địa điểm chật hẹp, khó di chuyển, bẩn thỉu, dân số quá đông và mọi thứ quá thuận tiện cho một dịch bệnh chết người có thể lây lan - thành một nơi hiện đại với yếu tố nghệ thuật, sự sạch sẽ và hiệu quả tuyệt đối.
Để đạt được những mục tiêu ấy, da Vinci áp dụng hai hệ thống đặc biệt vào thành phố tương lai này, hai hệ thống được cho là dấu ấn đặc biệt của riêng ông:
- Một mạng lưới kênh đào có thể vừa giúp việc giao thương thuận lợi mà lại kiêm luôn đường nước vệ sinh.
- Thành phố được chia làm ba tầng, 3 phần với 3 mục đích khác nhau.
Đây là một ý tưởng được xây dựng từ gốc rễ lên chứ không phải một kế hoạch cải tiến thành phố.
Về cơ bản, phải có một thành phố đặt trên một con sông lớn để ý tưởng này có thể hoạt động được, hoặc sẽ phải là "đập đi xây lại" cả một thành phố. Vì thế, chẳng quá ngạc nhiên khi người ta bỏ qua ý tưởng này.
Kế hoạch đó không áp dụng được trong thời đại khó khăn ấy, nhưng nhân loại thời nay lại cần một thứ như thế, nhất là khi dân số ngày một tăng và ta cần một hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp. Áp dụng kế hoạch này cũng cho chúng ta một cơ hội nữa: gọi Leonardo da Vinci là người đi trước thời đại.
Từ Đại dịch Cái Chết Đen cho tới vấn nạn biến đổi khí hậu
Bằng việc chia thành phố thành 3 tầng, da Vinci nhắm tới việc phân chia rõ ràng phần dùng để đi lại và vùng dùng để sinh sống. Đấy là thời điểm năm 1487 khi da Vinci nghĩ ra ý tưởng này, nên có thể coi nó là nỗ lực quy hoạch khu vực sinh sống đầu tiên của lịch sử nhân loại. Cho tới sau Cách mạng Công nghiệp, việc quy hoạch này mới tỏ rõ sự hiệu quả.
Da Vinci vẽ ra một khu vực đi lại riêng cho xe và ngựa, có thể coi đó là khu vực dành riêng cho giao thương. Khi vực thứ hai sẽ dành riêng cho người dân ở. Khu vực thứ ba sẽ là hệ thống các kênh đào trong thành phố, nối trực tiếp với tầng hầm của các căn nhà, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa.
Bạn cứ tưởng tượng tầng 3 từ trên xuống sẽ là khu sinh sống; tầng 2 sẽ là nơi ô tô, xe máy, xe đạp, người đi bộ qua lại; tầng 1 sẽ là hệ thống dành riêng cho xe tải chở hàng, có thể đưa hàng hóa tới từng căn hộ hay chuyển từ kho này sang bãi khác.
Với ba tầng phục vụ 3 mục đích này, da Vinci đã mường tượng ra một thành phố hoạt động theo một cách khác. Đường chật hẹp, ùn tắc nhất là khi đạt đỉnh điểm của đại dịch nay sẽ thông thoáng hơn, đóng góp một phần cực kì quan trọng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trong thành phố.
Thời đó, dịch bệnh chết người đe dọa tính mạng những người sống sót khiến Leonardo da Vinci trăn trở, nghĩ ra một cách để chống chọi lại những thảm họa tương tự sắp tới. Ở thế kỉ 21 này, ta phải đối diện với một thứ nguy hại tương đương, đó là biến đổi khí hậu.
Những vùng ven biển đang bị ảnh hưởng nặng nề, đã có những khu vực dân cư biến mất. Nhưng bản thân một khu vực dân cư phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu nhất định sẽ có phần lớn tiếng nói trong việc cải tiến cơ sở hạ tầng nhằm khắc phục khó khăn.
Một khu vực, đơn cử như một thành phố, vốn có một nền kinh tế riêng, với bản chất dân cư tập trung của vùng địa phương, sẽ có thể dẫn đầu trong cuộc đua giảm thiểu khí thải và chống biến đổi khí hậu.
Dù da Vinci vẽ ra viễn cảnh của một thành phố đứng gồm 3 tầng, tốt nhất, với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại, ta nên duy trì việc quy hoạch theo hướng nằm ngang.
Ta sẽ không phân chia vùng theo kích cỡ hay mục đích sử dụng của các tòa nhà nữa, mà sẽ chia vùng dựa theo loại phương tiện sẽ được sử dụng trong phạm vi khu vực.
Các khu vực trung tâm thành phố sẽ ít xe cộ hơn, một xu hướng đã bắt đầu xuất hiện tại nhiều thành phố lớn.
Những khu vực xung quanh trung tâm thành phố sẽ là nơi chỉ chạy xe điện tự động – xe hơi tự động, xe bus tự động, xe chở hàng tự động.
Ngược với những gì da Vinci vẽ ra là một hệ thống kênh đào để vận chuyển hàng hóa, thay vào đó sẽ là một mạng lưới drone bay trên không để giao hàng.
Toàn bộ những điều trên đều đã được đúc kết ra từ tầm nhìn xa của Leonardo da Vinci: một thành phố hoạt động theo một cách khác, một tương lai dễ thở, dễ sống với đường, hệ thống giao thông phân chia rõ ràng và hiệu quả.
Từ xe ngựa cho tới xe tự lái
Những nhà quy hoạch đô thị đang cố bán cho người ta những khu vực trung tâm thành phố không xe cộ, chỉ có người sinh sống, giảm thiểu tắc đường và chung quy là nâng cao chất lượng cuộc sống. Có một lợi ích mà ít người nhận ra được, đó là phân tách hoàn toàn những người đi bộ khỏi các phương tiện tự động lưu thông trên đường.
Càng ngày người ta càng lo lắng cho chất lượng những phương tiện tự động lái này, liệu nó có đủ an toàn khi cùng "chung sống" với con người? Tách hẳn con người và xe tự động ra hai khu vực khác nhau, vấn đề nãy bỗng nhiên được giải quyết một cách êm đẹp.
Bên cạnh đó, có một vấn đề nữa: các thành phố được thiết kế để phương tiện đi và đỗ, chứ không phải là để đi – dừng đón trả khách – đi tiếp. Đường sá không thể biến thành một cái "sân bay" của các phương tiện tự động được.
Đó chính là suy nghĩ của da Vinci xưa kia: phân tách hoàn toàn phương tiện và con người. Cách tốt nhất để tránh tai nạn giao thông là tránh mặt nhau luôn.
Nhưng thay vào đó, ta lại cần thiết kế lại hệ thống giao thông, để kết nối những cung đường với các loại phương tiện khác nhau một cách hài hòa.
Thiết kế lại thành phố và tìm ra một hướng đi mới để di chuyển trong nội thành, trước mối nguy hiểm lớn có tên biến đổi khí hậu, sẽ là một thử thách cực kì khó khăn. May mắn thay, ta đã có một người tiền nhiệm nhìn xa trông rộng đã nghĩ ra được một hệ thống rất khả thi. Ta có thể "mượn đỡ" chút ý tưởng từ nhà phát minh đại tài Leonardo da Vinci.
Tham khảo FastCoDesign