Xúc động với huyền thoại Mẹ và những khúc tráng ca của "Maquia: Chờ Ngày Lời Hứa Nở Hoa"

Dodieuha, Theo Trí Thức Trẻ 16:59 08/09/2018

Rồng, chiến tranh giữa các vương quốc, và huyền thoại về những người phụ nữ tuyệt đẹp - Nhưng không phải một câu chuyện bạn từng biết. "Maquia" vĩ đại hơn thế nhiều.

Vĩ đại, không phải vì có cốt truyện hay hơn hay nhiều thông điệp phức tạp hơn. Vĩ đại, vì đó là một bộ phim vô cùng hoành tráng và công phu, chỉ để nói lên ý nghĩa của một chữ vô cùng đơn giản và bình thường: MẸ.

Bộ phim xuất sắc nhất của Okada

Cái tên Mari Okada chắc chẳng còn xa lạ gì với những người hâm mộ anime, vì cô là người đứng sau kịch bản của những bộ phim nổi tiếng như Anohana: The Flower We Saw That Day (2013) và Anthem of the Heart (2015). Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Okada bước ra sau máy quay để chỉ đạo một bộ phim dài. Theo đánh giá của người viết, tuy Maquia: When the Promised Flower Blooms (tựa Việt: Maquia: Chờ Ngày Lời Hứa Nở Hoa) là phim dài đầu tay Okada gánh vác vai trò kép đạo diễn - biên kịch, nhưng nó lại là tác phẩm xuất sắc nhất từ trước tới nay của cô.

Trailer "Maquia: Chờ Ngày Lời Hứa Nở Hoa"

Câu chuyện của Maquia: When the Promised Flower Blooms xoay quanh Maquia, một cô gái 15 tuổi đang sống cuộc sống cô đơn mà yên bình tại Thị tộc Biệt lập - Một Thị tộc cổ xưa với khả năng trẻ mãi không già, sống tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới. Một ngày, Thị tộc của cô bị một vương quốc khác từ bên ngoài tấn công và tất cả những người phụ nữ trong tộc đều bị giết hoặc cướp đi. Maquia là cô gái duy nhất may mắn trốn thoát. Cô tìm thấy một cậu bé con người và quyết định trở thành mẹ nó, dù không có bất cứ một kiến thức nào trong việc làm mẹ. Cuộc sống ẩn dật của Maquia cứ thế trôi đi với con trai Ariel của mình, cho đến ngày cô biết tin Leilia - bạn thân nhất của mình thời còn sống trong Thị tộc - đang bị giam giữ trong lâu đài và ép phải cưới hoàng tử vương quốc kia để sinh con cho hắn. Maquia lên đường cứu Leilia, để rồi biết Leilia đang mang thai và sẽ không rời bỏ lâu đài vì điều đó nguy hiểm đến đứa bé. Leilia sinh con, nhưng phải gánh chịu nỗi đau bị tước khỏi đứa bé ngay từ khi nó sinh ra. Maquia, đồng thời, cũng phải chịu nỗi đau khi Ariel dần trưởng thành và không muốn dính líu gì đến cô nữa. Cho đến ngày chiến tranh nổ ra và cuộc sống của mọi người đảo lộn vào nhau.

Xúc động với huyền thoại Mẹ và những khúc tráng ca của Maquia: Chờ Ngày Lời Hứa Nở Hoa - Ảnh 2.

Mari Okada vốn nổi tiếng nhờ những kịch bản "coming-of-age", mà trong đó, nhân vật của cô là các cô cậu tuổi mới lớn tìm thấy sự trưởng thành thông qua sự kết nối giữa con người với con người do tình yêu đôi lứa mang lại. Maquia lần này, với chủ đề là sự trưởng thành bằng tình cảm gia đình cũng chính là mốc đánh dấu cho sự trưởng thành cho Okada về chủ đề làm phim. Tài năng của cô đã đến độ chín, và chắc hẳn trong thời gian tới, khán giả chúng ta sẽ còn được thưởng thức nhiều bộ phim hay nữa trên hành trình sự nghiệp của đạo diễn - biên kịch Mari Okada.

Có gì hay, khi phụ nữ làm phim?

Qua cảm nhận ban đầu, Maquia gây ấn tượng bằng những bối cảnh choáng ngợp về màu sắc, ánh sáng và chuyển động nhân vật - Điều này khiến Okada chứng minh được rằng cô không thua kém một đạo diễn nam nào khi cần đến chất hùng tráng của điện ảnh (Tất nhiên, cũng phải dành lời khen ngợi cho đội ngũ thực hiện bối cảnh). Song, thứ khiến Maquia đặc biệt hơn cả là những cảnh quay nữ tính và nhìn nhận nữ tính một cách thẳng thắn mà bạn sẽ khó mà gặp được trong phim của "các ông". Ví dụ như đoạn dựng phim song song (cross-cut) giữa cảnh chiến tranh và cảnh sinh nở cho thấy sự đau đớn dữ dội của người phụ nữ trong cơn vượt cạn, như cắt thẳng qua tim người xem. Một cảnh ấn tượng khác đối với người viết là cảnh Leilia hét lên "Tôi sinh nó ra mà" trong nỗi đau bị cấm gặp con gái, phần hình ảnh cho thấy máy quay lia xuống và chọn khung đặc tả vào bụng dưới của Leilia. Khung hình này tuy ở trên màn hình rất ngắn nhưng mang lại hiệu ứng đầy mạnh mẽ và xúc động, không hề gợn lên một chút cảm giác nào về dục tính.

Xúc động với huyền thoại Mẹ và những khúc tráng ca của Maquia: Chờ Ngày Lời Hứa Nở Hoa - Ảnh 3.

Ngoài ra, vấn đề của Maquia khi vào tay một đạo diễn nam còn là, câu chuyện về mối quan hệ giữa một người mẹ nuôi luôn trẻ trung xinh đẹp và một cậu con trai dần lớn lên sẽ rất dễ chệch hướng và đi vào "vùng xám". Dưới bàn tay của Okada, vấn đề nhạy cảm này có được đề cập trong phim, nhưng đầy ngầm ẩn, mà cảnh quay rõ nhất là khi Ariel nổi loạn và gây gổ với mẹ, cậu hất ngọn đèn xuống sàn khiến một ngọn lửa bùng cháy. Cậu ngay lập tức lấy khăn dập lửa (dập cảm xúc) và không khí giữa hai mẹ con lại yên ả bình thường như trước. Phim có thể để bạn phải e dè và bối rối suốt đoạn đầu và giữa, khi chúng ta theo dõi Ariel lớn lên và cùng cậu trải qua "phức cảm Oedipus"; song đến cuối, mọi điều dần dần được gỡ bỏ và ta thở phào nhẹ nhõm khi thấy Okada phân chia rạch ròi giữa các loại tình yêu, mà tình yêu của Ariel dành cho Maquia chỉ là tình cảm mẹ con thuần khiết và thiêng liêng.

Huyền thoại Mẹ bất tử và xinh đẹp

Xúc động với huyền thoại Mẹ và những khúc tráng ca của Maquia: Chờ Ngày Lời Hứa Nở Hoa - Ảnh 4.

Chắc có nhiều lý do để Okada lựa chọn xây dựng nhân vật chính của phim là hai người mẹ trẻ mãi không già. Theo thương mại mà nói, có thể sự trẻ đẹp của nhân vật sẽ thu hút được nhiều người xem hơn chăng? Còn theo lời đạo diễn, người vốn có mối quan hệ đổ vỡ với mẹ mình, thì "Tôi viết những câu thoại rằng mẹ là một người xinh đẹp, vì nghĩ về mẹ tôi trong hình ảnh một người xinh đẹp đã cho phép tôi tha thứ cho bà rất nhiều." Còn vấn đề bất tử, thì người viết cho rằng đó là sự lý tưởng hóa hình tượng người mẹ, đến mức trở thành một điều gì đó siêu nhiên, cao cả và vượt thoát khỏi những điều trần tục. Đến mức trở thành huyền thoại. Một huyền thoại về Mẹ.

Khi những người phụ nữ của Thị tộc Biệt lập bị tước khỏi lãnh thổ của họ và đem vứt ra thế giới chung ở bên ngoài, cũng là lúc những Huyền thoại giáng trần. Chúng ta dõi theo hai người phụ nữ, chứng kiến họ trở thành hai người mẹ. Leilia là Người Mẹ có công sinh ra. Maquia là Người Mẹ có công dưỡng dục. Cả hai hợp nhất trở thành một biểu tượng hoàn chỉnh về Mẹ (dù con của họ có khác nhau). Bởi vậy, có thể bạn sẽ có phần hụt hẫng với tuyến truyện của Leilia, nhưng hoàn toàn có thể hiểu được cách xử lý của Mari Okada là để tuân theo ý tưởng một Người Mẹ hợp nhất này. Việc nhấn mạnh vào Maquia hơn là Leilia cũng có khả năng liên quan đến quá khứ đau buồn của Okada với mẹ ruột của mình.

Xúc động với huyền thoại Mẹ và những khúc tráng ca của Maquia: Chờ Ngày Lời Hứa Nở Hoa - Ảnh 5.

Maquia được làm theo thể loại kỳ ảo, nhưng điều đó không ngăn cản bộ phim có chất hiện thực rõ ràng. Bởi khi Maquia "giáng trần", chúng ta cũng "chạm đất" và bộ phim từ lúc này trở đi rất gần với thế giới chúng ta đang sống. Chúng ta sẽ chứng kiến sự vật lộn của Maquia khi cô tìm hiểu về việc mình phải làm những gì để có thể trở thành một người mẹ đúng nghĩa. Những lời Maquia phải nghe như "Chỗ tôi không có việc cho những người (có con nhỏ) như cô", hay "Cậu có con rồi, cậu chỉ cản đường bọn tôi thôi" là những lời đầy chua xót mà có lẽ Okada viết nên từ những gì cô thấy từ đời thực. Niềm mong ước Ariel sẽ mãi bé xíu và nỗi day dứt về thời gian của Maquia, hay mong muốn thoát khỏi Maquia và sống cuộc sống riêng của Ariel, đều là những cảm giác chung và gây đồng cảm với bất cứ ai đã làm cha làm mẹ, hoặc làm con.

Những bài thơ và những khúc tráng ca

Xúc động với huyền thoại Mẹ và những khúc tráng ca của Maquia: Chờ Ngày Lời Hứa Nở Hoa - Ảnh 6.

Xuất thân của Okada là dân viết lách, bởi vậy người viết cho rằng phim của cô chưa quá đặc sắc về ngôn ngữ điện ảnh. Tuy nhiên, Okada đã mang thế mạnh văn chương của mình vào phim, khiến nó thấm đẫm màu sắc thi ca vô cùng thú vị. Những lời thoại như "Con có mùi như ánh dương vậy", hay "(Ariel) như một sợi chỉ bé xíu chưa dệt được cái gì" vang lên như những câu thơ. Cộng hưởng với đó là những bản nhạc đến từ nhà soạn nhạc tài năng Kenji Kawai được khớp tuyệt đối với hình ảnh trên màn hình. Đơn cử, khi phim chiếu cảnh những sợi dây trên khung cửi thì âm thanh được thể hiện là tiếng một nhạc cụ có dây. Với những cảnh phô diễn sự hoành tráng, âm nhạc cũng vô cùng "epic" với cách đẩy lên cao trào và nhả ra kịch tính, khiến khán giả đứng ngồi không yên. Sự chú trọng về âm nhạc này không lạ, vì Okada đã từng thể hiện tình yêu với âm nhạc bằng cách viết hẳn một bộ phim về cách nhân vật không thể nói nên lời mà chỉ có thể bày tỏ cảm xúc qua nhạc kịch (The Anthem of the Heart - 2015).

Xúc động với huyền thoại Mẹ và những khúc tráng ca của Maquia: Chờ Ngày Lời Hứa Nở Hoa - Ảnh 7.

Người viết đánh giá Mari Okada khá giống với Isao Takahata (Đạo diễn "Mộ đom đóm" lừng danh). Cả hai người đều xuất thân từ văn chương và trở thành đạo diễn phim hoạt hình trong khi không hề đụng vào cây bút vẽ. Cũng như những gì bạn đã được trải nghiệm với "Mộ đom đóm", lần này con tim bạn cũng sẽ bị bóp vụn bằng nghệ thuật kể chuyện của Mari Okada trong Maquia. Đúng như lời chia sẻ của cô về bộ phim, rằng cô không muốn mọi người chỉ rơi nước mắt, mà phải xúc động đến tức giận và tan nát con tim. Nhưng, yên tâm rằng những phút cuối cùng của phim, Maquia sẽ ôm bạn (và con tim tan vỡ của bạn) vào lòng, dịu dàng và êm ái, như lòng mẹ bao la.

Maquia: When the Promised Flower Blooms hiện đang được công chiếu rộng rãi trên toàn quốc.