Xuất hiện thêm nạn nhân tử vong do cúm A/H1N1, giới chuyên gia khuyến cáo nâng cao cảnh giác phòng tránh bệnh

Tiểu Nguyễn, Theo Helino 15:27 26/10/2018
Chia sẻ

Cúm A/H1N1 là một bệnh cúm thông thường nên rất nhiều người vẫn chủ quan. Chúng ta đều rất mơ hồ không biết rõ đây là căn bệnh có thể gây tử vong bất ngờ.

Thêm nạn nhân tử vong do cúm A/H1N1 được xác định là trường hợp đầu tiên ở Đồng Nai

Mới đây, Sở Y tế Đồng Nai lên tiếng xác nhận một nữ bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 trên nền nhiều bệnh mạn tính. Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận 3 bệnh nhân có các triệu chứng bệnh viêm phổi, cúm. Kết quả kiểm tra nhanh cùng với mẫu xét nghiệm cho thấy cả 3 đều dương tính với cúm A/H1N1. Trong số 3 bệnh nhân này có một phụ nữ 65 tuổi tử vong. Ngoài bệnh lý đặc trưng về cúm, bệnh nhân này còn nhiều bệnh mạn tính khác như viêm phổi. Đây là bệnh nhân đầu tiên ở tỉnh tử vong do H1N1. Hai bệnh nhân còn lại đã ổn định sức khỏe và xuất viện.

Xuất hiện thêm nạn nhân tử vong do cúm A/H1N1, giới chuyên gia khuyến cáo nâng cao cảnh giác phòng tránh bệnh - Ảnh 1.

Mới đây, Sở Y tế Đồng Nai lên tiếng xác nhận một nữ bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 trên nền nhiều bệnh mạn tính.

Trước đó đã có nhiều người tử vong do cúm A/H1N1 ở nhiều tỉnh khác nhau cũng được xác định trong năm nay. Ngày 26/6, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM cho biết, bệnh viện vừa ghi nhận thông tin về một trường hợp tử vong do cúm A/H1N1. Ông N.T.V (46 tuổi, ngụ quận Bình Tân) khởi phát bệnh với các biểu hiện như ho, sốt tự chữa trị tại nhà nhưng bệnh không thuyên giảm mà có biểu hiện nặng thêm. Ngày 22/6, người bệnh được chuyển đến Chợ Rẫy trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng phải thở máy. Các kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Dù được bệnh viện điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Sau khi gia đình xin đưa về, bệnh nhân tử vong tại nhà.

Ngày 7/7, ông Văn Công Minh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết một nữ bệnh nhân tử vong do dương tính với cúm A/H1N1. Theo đó, ngày 29/6, bà Lữ Thị Kim Hoàng (56 tuổi, Vĩnh Long) bị sốt khi đang du lịch. Đến ngày 2/7, bà Hoàng có dấu hiệu sốt cao, ho, khó thở và điều trị bệnh nhưng không giảm nên được người nhà đưa đến nhập viện tại Trung tâm y tế huyện Tam Bình khám. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng bệnh tình không thuyên giảm, bà mất vào chiều 5/7.

Xuất hiện thêm nạn nhân tử vong do cúm A/H1N1, giới chuyên gia khuyến cáo nâng cao cảnh giác phòng tránh bệnh - Ảnh 2.

Bệnh cúm nói chung và cúm A/H1N1 hiện nay đang vào mùa, không có dấu hiệu suy giảm được biểu hiện bằng nhiều ca tử vong liên tiếp.

Trung tâm Y tế Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cũng xác nhận địa bàn có bệnh nhân tử vong nhiễm cúm H1N1. Tiếp ngay sau đó, bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) cũng xác nhận có bệnh nhân tử vong do dương tính cúm A/H1N1.

Có thể nói, bệnh cúm nói chung và cúm A/H1N1 hiện nay đang vào mùa, không có dấu hiệu suy giảm được biểu hiện bằng nhiều ca tử vong liên tiếp. Điều này dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh đến tất cả mọi người, nhất là những người vẫn coi nhẹ sự nguy hiểm của bệnh cúm.

Cảnh báo người dân chủ động phòng chống bệnh cúm, chủ động ngăn ngừa cúm A/H1N1

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm A/H1N1 thường dễ mắc và lây lan vào mùa đông xuân nhưng không phải vì thế mà chủ quan vào những mùa khác. Khác với cúm mùa thông thường chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Đặc biệt, virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống 24 - 48 giờ trên các bề mặt như bàn ghế, tủ, tay vịn cầu thang..., tồn tại trong quần áo 8 - 12 giờ và tồn tại được 5 phút trong lòng bàn tay.

Xuất hiện thêm nạn nhân tử vong do cúm A/H1N1, giới chuyên gia khuyến cáo nâng cao cảnh giác phòng tránh bệnh - Ảnh 3.

Cúm A/H1N1 thường dễ mắc và lây lan vào mùa đông xuân nhưng không phải vì thế mà chủ quan vào những mùa khác.

Không chỉ dễ dàng tồn tại trong môi trường không khí ẩm, virus này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước, có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Do đó, các hồ bơi trong các khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường cho vi rút phát triển, nhất là khi tiết trời mưa dầm, thiếu ánh nắng để diệt virus.

Đặc biệt, loại virus này có thể thường xuyên biến đổi, có thể tạo thành những chủng virus có độc lực cao, khả năng lây lan rộng rãi nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.

Theo ông Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng), cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời và tốc độ lây truyền của vi rút cúm là rất nhanh nên rất dễ gây ra ổ dịch.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân không được chủ quan, luôn chủ động phòng chống, bảo vệ sức khỏe nhất là trong giai đoạn bệnh cúm đang có dấu hiệu bùng phát thành ổ dịch. Để phòng chống bệnh cúm, mọi người nên che miệng khi ho, hắt hơi, sau đó nên nhanh chóng đi rửa sạch tay bằng xà phòng vì nếu virus bắn ra tay mà cầm nắm vào đồ dùng để người khác chạm vào, dụi tay lên mũi miệng… thì vẫn có thể lây bệnh như bình thường.

Xuất hiện thêm nạn nhân tử vong do cúm A/H1N1, giới chuyên gia khuyến cáo nâng cao cảnh giác phòng tránh bệnh - Ảnh 4.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân không được chủ quan, luôn chủ động phòng chống bệnh cúm A/H1N1.

Ngoài ra, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh… Nếu có biểu hiện sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi… (một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp) thì chắc chắn bạn đã bị nhiễm cúm A/H1N1. Ngay cả khi được xác định bệnh cúm nói chung, bạn cũng cần có biện pháp cách ly và luôn đeo khẩu trang. Phụ nữ có thai, người già, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính cần tuyệt đối không tiếp xúc người mắc bệnh hoặc nghi ngờ có bệnh. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc cần giữ khoảng cách hơn 1 mét và đeo khẩu trang.

Cuối cùng, để phòng tránh bệnh cúm hiệu quả hãy đi tiêm phòng vắc-xin ngay từ bây giờ. Ngay cả khi không ngăn chặn được những cơn cảm cúm, bạn vẫn sẽ có thể gặp những triệu chứng nhẹ nhàng hơn, nhanh khỏi bệnh hơn. Không tự ý mua thuốc không có sự kê đơn, hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng lạm dụng kháng sinh, kháng kháng sinh… khiến tiền mất tật mang.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày