Xót xa phận đời ngắn ngủi của nữ quái duy nhất trong Tây Du Ký khiến thần Phật “bó tay”

Mochi, Theo Pháp Luật & Bạn Đọc 20:53 22/08/2020

Trong Tây Du Ký, có một nhân vật nữ không thuộc hàng chính diện nhưng vẫn được khán giả yêu thích, đó là Bà La Sát - Thiết Phiến công chúa.

Nữ quái khiến Thần Phật phải dè chừng

Tây Du Ký 1986 cho đến hiện tại vẫn được coi là phiên bản kinh điển nhất đối với nhiều thế hệ khán giả. Đáng chú ý, ngoài 4 diễn viên chính là thầy trò Đường Tăng, những yêu quái xuất hiện trong phim cũng để lại dấu ấn đậm nét người xem. Trong đó, Bà La Sát - Thiết Phiến công chúa với bảo bối là chiếc Quạt Ba Tiêu khiến đối thủ nào cũng phải kiêng dè.

Quạt Ba Tiêu là quạt gió tiên. Trong Tây du ký, Tôn Ngộ Không phải 3 lần lặn lội đi mượn Quạt Ba Tiêu từ Thiết Phiến công chúa để dập lửa ở Hoả Diệm Sơn.

Xót xa phận đời ngắn ngủi của nữ quái duy nhất trong Tây Du Ký khiến thần Phật “bó tay” - Ảnh 2.

Bà La Sát - Thiết Phiến công chúa là vợ Ngưu Ma Vương, mẹ Hồng Hài Nhi.

Tuy nhiên, vì căm hận Tôn Ngộ Không đã khiến Hồng Hài Nhi bị Quan Âm Bồ Tát thu phục chia lìa mẹ con bà nên kiên quyết không cho mượn quạt. Bà La Sát vốn có lai lịch không hề tầm thường, nàng chính là tiên nữ cấp dưới, phụng sự tại cung Đâu Suất của Thái Thượng Lão Quân.

Cuối hồi 60 của tác phẩm, nhân đoạn Ngưu Ma Vương bị quây đánh, hết đường tháo thân trước động Ba Tiêu, đành phải kêu vợ mình - Thiết Phiết đưa ra quạt Ba Tiêu, tác giả Ngô Thừa Ân có viết: "La Sát nghe kêu, liền cởi đồ sắc phục, thay áo trắng theo cách đạo cô, cầm cây quạt ra trước cửa động, quì xuống thưa rằng: Xin các vị tha chồng tôi khỏi thác, tôi xin cho Tôn thúc thúc mượn cây quạt mà quạt Hỏa Diệm Sơn".

Xót xa phận đời ngắn ngủi của nữ quái duy nhất trong Tây Du Ký khiến thần Phật “bó tay” - Ảnh 3.

Sau khi La Sát nói câu đó thì Lý Thiên Vương – Na Tra dắt chàng Ngưu bay về trời, còn tất cả các chư thần đều lui hết. Rõ ràng, họ trước sau không hề có ý mạo phạm tới La Sát, đủ hiểu vai vế của nàng – dù trong thân phận của tiên nữ bị đày dưới trần gian – là không hề tầm thường.

Mỹ nhân 2 lần bén duyên với vai Bà La Sát

Thủ vai Bà La Sát trong tác phẩm kinh điển này là nữ diễn viên Vương Phụng Hà. Bà sinh năm 1955 tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc và sở hữu niềm đam mê nghệ thuật ngay từ thuở nhỏ. Lên 4 tuổi, Vương Phụng Hà bắt đầu học Kinh kịch. Ở tuổi ngoài đôi mươi, bà đã trở thành một trong những diễn viên ưu tú nhất của Viện Kinh kịch tỉnh Cát Lâm.

Sự nghiệp của Vương Phụng Hà bắt đầu có bước ngoặt lớn sau khi tham gia vở Kinh kịch Hỏa Diệm Sơn vào năm 1983. Trong Hỏa Diệm Sơn, Vương Phụng Hà vào vai Bà La Sát - Thiết Phiến công chúa.

Nhờ diễn xuất tốt, tài hát hay và múa giỏi, vai diễn Bà La Sát của bà được đông đảo khán giả đón nhận. Tác phẩm Hỏa Diệm Sơn cũng giành giải xuất sắc tại Lễ trao Nghệ thuật Hí khúc toàn quốc năm 1983.

Xót xa phận đời ngắn ngủi của nữ quái duy nhất trong Tây Du Ký khiến thần Phật “bó tay” - Ảnh 4.

Quan trọng hơn, chính tác phẩm này giúp Vương Phụng Hà lọt vào mắt xanh của đạo diễn Dương Khiết. Bà được nữ đạo diễn chọn vào vai Bà La Sát - Thiết Phiến công chúa trong bộ phim kinh điển Tây Du Ký 1986.

Trước khi quay Tây Du Ký 1986, Vương Phụng Hà đã dành nhiều thời gian phân tích nhân vật Bà La Sát - Thiết Phiến công chúa. Theo bà, Bà La Sát tuy không phải là yêu quái nhưng cũng không phải là người tốt.

Phần lớn cảnh quay của nhân vật Thiết Phiến công chúa được thực hiện ở Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây. Mặc dù quay phim trong địa hình hang động, núi đá khá khó khăn, vất vả nhưng Vương Phụng Hà không bao giờ phàn nàn mà luôn tận tụy, cố gắng hoàn thành tốt nhất vai diễn của mình.

Xót xa phận đời ngắn ngủi của nữ quái duy nhất trong Tây Du Ký khiến thần Phật “bó tay” - Ảnh 5.

Cũng vì vậy, nữ diễn viên nhận được lời khen không ngớt từ đạo diễn Dương Khiết: "Vương Phụng Hà là một trong những diễn viên tôi ưng ý nhất. Cô ấy đóng chuyên nghiệp, tinh thần làm việc rất cao, không nề hà ngại khó ngại khổ".

Khi Tây Du Ký 1986 phát sóng, vai diễn Bà La Sát của Vương Phụng Hà nhận được nhiều tán thưởng của khán giả. Lối diễn xuất chân thật, giàu cảm xúc và không khoa trương giúp phiên bản Bà La Sát của Vương Phụng Hà cho đến giờ vẫn được coi là đẹp và thành công nhất, không thể vượt qua trên màn ảnh Hoa ngữ.

Cuộc đời ngắn ngủi

Nhờ vai diễn Bà La Sát, tên tuổi Vương Phụng Hà vang rộng khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, "hồng nhan bạc phận", 3 năm sau Tây du ký, bà được phát hiện mắc bệnh ung thư vú. Từ năm 1989, Vương Phụng Hà phải điều trị xạ trị, cơ thể suy yếu, cả ngày chỉ ăn được một bát cháo, mỗi ngày đều phải uống cả một bát thuốc lớn. Sau phẫu thuật, sức khỏe của Vương Phụng Hà được cải thiện hơn, bà lại tiếp tục lao vào công việc.

Trong thời gian chống chọi với bệnh tật, dù rất mệt mỏi và đau đớn, "Bà La Sát" vẫn luôn giữ thái độ lạc quan, kiên cường.

Xót xa phận đời ngắn ngủi của nữ quái duy nhất trong Tây Du Ký khiến thần Phật “bó tay” - Ảnh 6.

Vương Phụng Hà qua đời ở tuổi 38 vì căn bệnh ung thư vú.

Nữ diễn viên từng chia sẻ trong một show truyền hình vào năm 1990: "Tôi cảm thấy cuộc sống này thật ngắn ngủi. Có một gia đình êm ấm, một công việc tốt, một vai diễn để người ta nhớ tới, bản thân tôi thấy mình đã rất may mắn. Sống không hề uổng phí".

Tuy nhiên, việc điều trị chỉ giúp Phụng Hà sống thêm vài năm. Năm 1993, căn bệnh ung thư vú của nữ diễn viên chuyển sang gia đoạn di căn. Bà trút hơi thở cuối cùng vào ngày 11/5/1993, khi mới 38 tuổi.

Cái chết của Vương Phụng Hà khiến người thân, bạn bè và khán giả không khỏi xót xa. Một người bạn của bà trong đoàn phim Tây du ký đau xót chia sẻ: "Năm 1989, chúng tôi cùng đoàn Tây Du Ký còn đến Cát Lâm chơi. Cô ấy mời chúng tôi đến nhà ăn cơm. Nhìn cô ấy thật sự rất khỏe, nào ai ngờ chỉ chưa đầy 4 năm sau đó, cô ấy đã qua đời".

Xót xa phận đời ngắn ngủi của nữ quái duy nhất trong Tây Du Ký khiến thần Phật “bó tay” - Ảnh 7.
Lục Tiểu Linh Đồng thì day dứt nói: "Bà La Sát là bạn rất thân với tôi ngoài đời thực. Chúng tôi cùng đóng chung, cùng trao đổi công việc. Tôi có lỗi khi không biết chị ốm khi đó, càng day dứt khi ngày chị qua đời đã không thể có mặt".

Cho đến nay, đã 27 năm kể từ ngày Vương Phụng Hà ra đi, nhân vật "Bà La Sát" của bà vẫn được đánh giá là kinh điển nhất trong các phiên bản của Tây du ký.