Học xong đại học, Bùi Ngọc Ánh (29 tuổi, ở Quảng Ninh) ở lại thủ đô làm việc. Cô có nghề nghiệp ổn định nhưng không muốn kết hôn, định làm mẹ đơn thân nên đi xin tinh trùng để thụ tinh ống nghiệm (IVF).
Ánh đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tham vấn bác sĩ về thủ tục xin tinh trùng để sinh con. Thấy cô gái còn trẻ, các bác sĩ khuyên cô nên suy nghĩ lại. Một tháng sau, cô lại tiếp tục đến bệnh viện trình bày nguyện vọng, lần này có mẹ đẻ đi cùng.
Sau khi nghe nguyện vọng và được sự đồng ý của gia đình, các bác sĩ đồng ý làm thụ tinh ống nghiệm cho cô từ trứng tự thân và mẫu tinh trùng hiến. Ánh có thai ngay lần đầu chuyển phôi. Hiện con cô đã gần 1 tuổi.
Một nữ tiến sĩ 35 tuổi, giảng viên trường đại học ở Hà Nội, từng kết hôn nhưng chưa có con. Sau ly hôn, cô không đi thêm bước nữa, mà muốn có con.
Chị đến bệnh viện kiểm tra, phát hiện buồng trứng kém, siêu âm chỉ có hai nang, giống như buồng trứng của người sắp mãn kinh. Người này quyết định xin tinh trùng tại ngân hàng của trung tâm để thụ tinh ống nghiệm. Hiện, cô có hai phôi đông lạnh tại bệnh viện, có thể chuyển phôi để làm mẹ bất cứ lúc nào.
Bác sĩ làm thủ thuật giúp phụ nữ xin tinh trùng làm mẹ đơn thân tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: Như Loan)
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đa số phụ nữ đến xin tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm là người muốn làm mẹ đơn thân, hoặc phụ nữ có chồng nhưng chồng không có tinh trùng.
Xu hướng phụ nữ xin tinh trùng để làm mẹ đơn thân rất nhiều. Đối với phụ nữ xin tinh trùng làm mẹ đơn thân trẻ, thông thường bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên suy nghĩ lại, nhất là với các cô gái 26-27 tuổi, ít nhất sau 6 tháng hoặc 1 năm suy nghĩ kỹ mới quay trở lại trung tâm.
Nhiều trường hợp chị em đến trung tâm xin tinh trùng làm mẹ đơn thân khi xấp xỉ gần 40 tuổi. Phần đa đều là những người có nghề nghiệp, kinh tế ổn định nhưng lại thấy trống vắng, cần một đứa con để nuôi dạy, nhưng lúc này buồng trứng đã suy giảm.
Bác sĩ dẫn chứng trường hợp người phụ nữ sinh năm 1977, suy giảm dự trữ buồng trứng, đến xin tinh trùng làm mẹ đơn thân. Với trường hợp này, trung tâm sẽ tư vấn nên xin phôi bởi theo Luật, một người không được phép vừa xin tinh trùng vừa xin trứng ở ngân hàng.
Chị em đến xin tinh trùng làm mẹ đơn thân là những người không muốn ràng buộc về mặt pháp lý. Xin tinh trùng từ ngân hàng khá an toàn vì nhiều mẫu tinh trùng ở trung tâm được hiến từ sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, số còn lại là sinh viên của các trường khác, có học thức, ngoại hình và bắt buộc phải có thẻ sinh viên, khi đó mẫu tinh trùng hiến mới đảm bảo.
Mẫu tinh trùng trước khi hiến tặng vào ngân hàng sẽ được xét nghiệm, sàng lọc các bệnh lý di truyền 2 lần, cách nhau 3 tháng. Mỗi sinh viên chỉ được hiến một lần.
“Trung tâm chỉ nhận tinh trùng rõ nguồn gốc, chất lượng được sàng lọc cẩn thận. Mỗi năm trung tâm nhận tổng số tinh trùng hiến tặng dao động khoảng 100 - 200 mẫu, tuy nhiên vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu xin tinh trùng làm IVF của các cặp đôi hiếm muộn, hay chị em muốn làm mẹ đơn thân”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nói.
Chị em muốn xin tinh trùng cần phải có giấy chứng nhận độc thân, một đơn xin tinh trùng cùng một số giấy tờ cá nhân. Sau khi hoàn thành thủ tục, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe chung, đánh giá dự trữ buồng trứng.
Người phụ nữ được tiêm thuốc rụng trứng. Tinh trùng được lấy từ ngân hàng sẽ rã đông để tạo phôi. Mẫu tinh trùng đảm bảo nguyên tắc vô danh, sàng lọc các bệnh lý lây truyền. Phôi sau khi nuôi cấy sẽ được chuyển vào tử cung người phụ nữ.
Chuyên gia khuyến cáo không nên tự ý mua tinh trùng ở chợ đen hay qua mạng vì không thể kiểm soát được người cho tinh trùng.
Thêm nữa, người mua rất dễ đối mặt với các rủi ro về sức khỏe vì người hiến không được kiểm tra các xét nghiệm xem tinh trùng có đảm bảo, hay mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục hay không.