Ẩm thực Nhật Bản là một đề tài bất tận mà càng khám phá bạn sẽ càng thấy nể phục. Từ những món ăn truyền thống tinh tế đến nghệ thuật ăn uống cầu kì, đặc sắc... tất cả đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng và đầy sắc màu. Khám phá những kiểu ăn lạ ở Nhật dưới đây, chắc chắn bạn sẽ muốn "bay" đến đất nước này ngay và luôn đấy!
Trứng trường thọ ở Nhật chẳng những nổi tiếng với màu đen tuyền bí ẩn mà cách luộc cũng không kém phần độc đáo. Món ăn này là đặc sản chỉ có duy nhất tại thung lũng núi lửa Owakudani ở Hakone. Lí do được giải thích là vì địa nhiệt và khí núi lửa sẽ thẩm thấu vào vỏ trứng tươi sẽ tạo ra lớp vỏ màu đen. Người ta phải ngâm chúng ở nhiệt độ 80 độ C trong suốt một tiếng mới tạo ra những quả trứng có màu khác lạ như thế.
Người Nhật cho rằng ăn một quả trứng trường thọ sẽ được cộng thêm 7 năm tuổi nên rất nhiều du khách tìm đến đây để tìm mua. Ngoài màu sắc khác biệt thì bên trong chúng vẫn tương tự như trứng gà luộc thông thường. Nhưng nhờ hấp thụ khoáng chất tự nhiên từ hồ nước nóng mà lượng dưỡng chất của món nhiều hơn bình thường.
Lá phong là biểu tượng cho mùa thu ở các nước, nhưng tận dụng chúng thành một món ăn thì chắc chỉ có mỗi người Nhật. Đến đây nhất định bạn sẽ thích thú với món Tempura Momiji, lá phong chiên bột. Không chỉ hương vị độc đáo, khác biệt mà cách chế biến món cũng rất cầu kì.
Họ sẽ chọn những lá phong vàng, đã rơi ở các vùng núi cao. Sau khi thu hoạch thì phải ủ muối đến tận một năm để món có được độ thơm ngon. Lá phong có độ mềm mại, mất đi mùi hăng thì nhúng qua lớp bột để chiên giòn. Thành phẩm là chiếc bánh vàng ruộm, vỏ giòn tan nhưng khi cắn vào thì vị mặn ngọt tinh tế bên trong lan tỏa vô cùng hấp dẫn. Đây là món ăn đường phố được nhiều du khách săn đón khi đến Nhật.
Mì lạnh là một trong những món mì truyền thống lâu đời ở "đất nước mặt trời mọc". Và bạn sẽ thích thú khi biết được người Nhật có thêm văn hóa Nagashi-somen rất thú vị. Đây là kiểu ăn mì trên ống tre có từ lâu đời. Dòng nước chảy từ ống sẽ đẩy những phần mì "lạc trôi" xuống và thực khách phải tinh mắt, nhanh tay để gắp chúng. Người ta sẽ kèm theo một bát tương để nhúng mì và thưởng thức ngay.
Văn hóa này xuất hiện ở vùng núi Tosenkyo, nơi có nhiều suối trong, nước sạch và có độ ngọt tự nhiên. Ngày nay kiểu mì "lạc trôi" này còn có thể nhiều biến thể ở các nhà hàng để tiện phục vụ du khách nước ngoài.
Bạn không cần phải theo thuyền ra khơi mà vẫn có thể trải nghiệm cảm giác bắt cá ngay tại chỗ khi đến nhà hàng Zauo Shibuya ở Tokyo. Cụ thể là người ta thiết kế hẳn hoi một con thuyền lớn, xung quanh là hồ nước rộng với đủ loại cá. Thực khách có thể dùng vợt lưới hoặc cần câu để bắt chúng lên và yêu cầu nhà hàng chế biến. Nhân viên sẽ tính tiền theo số cân nặng của "chiến lợi phẩm" mà bạn bắt và tuỳ vào mỗi loại thì có mức giá khác nhau.
Nhiều người đánh giá cao hình thức ẩm thực này vì món ăn sẽ được đảm bảo độ tươi ngon, đặc sắc. Bên cạnh đó, hình thức câu cá tại chỗ mang đến cho thực khách trải nghiệm mới mẻ hơn, kết hợp hoàn hảo giữa ẩm thực và giải trí. Địa chỉ nhà hàng nằm ở khu Nishi Shinjuku, tuy nhiên mức giá cho mỗi phần ăn ở đây tương đối đắt đấy nhé.
Các món ăn tươi sống không còn là điều xa lạ đối với ẩm thực Nhật nhưng thường thì những lát cá đã được làm sạch, thái gọn gàng. Bởi thế mà khi chứng kiến cảnh người dân ở đây nuốt trọn những con cá đang còn "tung tăng" thì nhiều thực khách đã một phen hoảng hốt. Thực ra, đây là Shirouo no Odorigui, món cá non trong suốt nổi tiếng. Khi thưởng thức chúng, bạn chẳng cần qua công đoạn chế biến nào mà "ăn tươi nuốt sống" theo đúng nghĩa đen.
Người ta sẽ phục vụ một bầy cá trong chậu nước nhỏ, sau đó khách sẽ vớt và ngâm chúng qua giấm. Khi những con cá quẫy mạnh thì cứ việc gắp ăn. Chắc chắn cảm giác cá sống nhúng nhảy trong miệng sẽ mang đến trải nghiệm ẩm thực khó quên. Đôi khi nhiều người còn can đảm cho thêm trứng sống để tăng thêm độ béo béo, thơm thơm.
Nguồn: Bringme, Great Big Story...