Xem "Chàng Vợ Của Em", nhớ lại 5 bộ phim tràn ngập âm hưởng nữ quyền của điện ảnh Việt

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 13:32 13/09/2018

Càng ngày, vị thế của những người phụ nữ trong xã hội càng được nâng cao. Chính vì thế, hình dung về những nhân vật nữ trên màn ảnh cũng không còn yếu mềm như trước, đặc biệt là trong những phim mang đậm chất nữ quyền.

Nghệ thuật là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Tất cả những vấn đề có trong cuộc sống đều sẽ được miêu tả một cách tường tận và chính xác trong nghệ thuật. Một trong số đó chính là âm hưởng nữ quyền – một chủ đề dần trở nên phổ biến ở xã hội ngày nay. Nếu như ở những năm trước đây, chuyện tình yêu nam nữ thường được miêu tả qua góc nhìn những chàng trai xuất sắc cả về tài năng và ngoại hình thì bây giờ mọi chuyện đã thay đổi. Thời gian gần đây, một loạt các phim điện ảnh Việt Nam đã đi theo hướng xây dựng hình ảnh người phụ nữ vừa đẹp sắc sảo, vừa độc lập, tự chủ.

Xem Chàng Vợ Của Em, nhớ lại 5 bộ phim tràn ngập âm hưởng nữ quyền của điện ảnh Việt - Ảnh 1.

Đơn cử như Chàng Vợ Của Em đang được công chiếu ngoài rạp là câu chuyện tìm lại những giá trị gia đình, cuộc sống của một phụ nữ thành đạt. Vì quá say mê chạy theo công danh địa vị, cô nàng đã khiến cuộc sống cá nhân mất cân bằng. Để rồi sau những cuộc gặp gỡ nhiều con người khác nhau và nếm trải thất bại, cô đã có được một kết quả viên mãn cho một phụ nữ thời hiện đại.

Trước Chàng Vợ Của Em, đã có không ít những phim Việt Nam chất lượng lấy đề tài phụ nữ làm trung tâm, dần dần làm phong phú dòng phim nữ quyền.

Cô Dâu Đại Chiến (2011)

Xem Chàng Vợ Của Em, nhớ lại 5 bộ phim tràn ngập âm hưởng nữ quyền của điện ảnh Việt - Ảnh 2.

Bộ phim tình cảm - tâm lý - hài hước này là minh chứng nhất cho sự táo tợn và đoàn kết của những người phụ nữ khi có chung một kẻ thù. Thái (Huy Khánh) - một chàng trai giàu có, đào hoa và quan trọng là rất đẹp trai chính là người tự gây ra tất cả mọi rắc rối với nguyên dàn mỹ nhân. Dù đã có bạn gái rồi, nhưng Thái vẫn nuôi hy vọng tìm thêm những sự lựa chọn khác để rồi có kết luận cho cuộc đời mình. Vậy là sau 1 tuần, Thái đã có mối quan hệ tình cảm chính thức với tận 5 người.

Đến khi phải quyết định tiến tới hôn nhân, anh đã chọn Linh (Đinh Ngọc Diệp) - cô gái ham mê vẽ tranh hiền lành. Nhưng điều trớ trêu là khi đi mua nhẫn cầu hôn Linh, anh đã bị bốn cô gái kia phát hiện nên đành mua một thể 5 cái nhẫn. Đến ngày cưới của Thái và Linh, anh mới biết một sự thật rằng hoá ra mình mới là con mồi bị các cô gái đưa vào tròng. Linh đã biết hết mọi kế hoạch của Thái, cô kể và gọi bốn người còn lại để đến cho anh một bài học.

Mỹ Nhân Kế (2013)

Xem Chàng Vợ Của Em, nhớ lại 5 bộ phim tràn ngập âm hưởng nữ quyền của điện ảnh Việt - Ảnh 3.

Mỹ Nhân Kế được đánh giá là một bộ phim võ hiệp, cổ trang kì công của điện ảnh Việt thời bấy giờ. Chuyện phim xoay quanh băng nhóm của Kiều Thị (Thanh Hằng) và các nữ sát thủ trá hình kiều nữ ở Đường Sơn quán: Đào Thị (Ngọc Quyên), Mai Thị (Diễm My 9x) và Liễu Thị (Kim Dung). Khác với những băng nhóm cướp của khác. Họ chỉ cướp của người giàu, quan lại, tham ô với mong muốn có đủ số tiền để được sống cuộc đời mới. Cho đến khi Linh Lan (Tăng Thanh Hà) xuất hiện, mối rối rắm, âm mưu đã dần lộ diện.

Em Là Bà Nội Của Anh (2015)

Xem Chàng Vợ Của Em, nhớ lại 5 bộ phim tràn ngập âm hưởng nữ quyền của điện ảnh Việt - Ảnh 4.

Em Là Bà Nội Của Anh tuy là phim gia đình nhưng lại xoay quanh một người phụ nữ và mang đậm chất nữ quyền. Dù chỉ là một tác phẩm remake, thế nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc khiến khán giả nhìn nhận lại không chỉ nhân vật nữ trong phim, mà còn là tầm quan trọng của nữ giới.

Em Là Bà Nội Của Anh là câu chuyện kể lại hành trình đi ngược về tuổi thanh xuân của mình. Vốn là một người có tiếng nói áp đảo, thậm chí hơi độc đoán trong gia đình, bà Đại (Miu Lê) khiến con cháu khá mệt mỏi. Chính bản thân bà cũng dần dần nhận ra sự lạc lõng của mình trong căn nhà ngày một tiến bộ hơn của lũ trẻ. Vì quá buồn bã, bà đã dự tính đi chụp một kiểu ảnh để làm ảnh thờ. Không ngờ rằng đó lại là hiệu ảnh "ma thuật". Sau khi chụp bức hình, bà đã trở thành chính mình hồi 20 tuổi, có sức khoẻ và có vẻ đẹp. Thế nhưng ẩn sâu trong đó vẫn là suy nghĩ của một bà già 70 tuổi.

Chấp nhận sống cuộc đời trong thân xác 20, làm lại những gì tuổi 20 chưa làm được, nhưng bà vẫn âm thầm dõi theo đứa cháu nội của mình là Tùng (Ngô Kiến Huy). Và vô tình trong quá trình "kiểm soát đặc biệt" đó, cháu nội đã phải lòng bà. Và bà cũng có một rung động khác. Nhưng sau tất cả, bà vẫn chọn gia đình và mọi trật tự được trả lại như cũ, như thể một giấc mơ thanh xuân đẹp đẽ.

Cô Ba Sài Gòn (2017)

Xem Chàng Vợ Của Em, nhớ lại 5 bộ phim tràn ngập âm hưởng nữ quyền của điện ảnh Việt - Ảnh 5.

Nhắc đến Cô Ba Sài Gòn, chắc chắn khán giả sẽ không thể quên được một phần cảm hứng của bộ phim đến từ bức tranh We can do it – mang đầy thông điệp nữ quyền. Thông qua bộ phim, Ngô Thanh Vân muốn truyền tải một thông điệp hiện đại tới khán giả, đặc biệt là khán giả nữ, đó là chẳng có việc gì khó, chỉ là ta chưa học qua.

Điều này thể hiện chủ yếu qua tuyến nhân vật chính là mẹ con của nhà may Thanh Nữ ở thập niên 1960. Đó là bà Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) – bà chủ của tiệm may 9 đời đều may áo dài nổi tiếng cùng hai cô con gái Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc – Hồng Vân) và Thanh Loan (Oanh Kiều – Diễm My 6x). Như Ý là một cô gái tân thời lúc bấy giờ, không thích mặc áo dài, chỉ thích Âu phục. Cô nàng còn từ chối luôn gia nghiệp tổ tông khiến bà Thanh Mai buồn phiền và tức giận.

Một ngày nọ, Như Ý xuyên không đến thời hiện đại, đối diện với tương lai bết bát của chính mình. Sau rất nhiều biến cố, Như Ý dần hiểu hơn về giá trị của chiếc áo dài, giá trị của việc học hỏi và tầm quan trọng của sự nỗ lực trong cuộc sống.

Xem Chàng Vợ Của Em, nhớ lại 5 bộ phim tràn ngập âm hưởng nữ quyền của điện ảnh Việt - Ảnh 6.

Tháng Năm Rực Rỡ (2018)

Xem Chàng Vợ Của Em, nhớ lại 5 bộ phim tràn ngập âm hưởng nữ quyền của điện ảnh Việt - Ảnh 7.

Để nói về âm hưởng nữ quyền của điện ảnh Việt, chắc chắn không thể nào quên được bộ phim Tháng Năm Rực Rỡ. Vẫn tiếp tục là một bộ phim remake từ kịch bản Hàn Quốc, nhưng điều đáng khen là ekip làm phim đã chuyển thể bộ phim rất mượt, rất hợp với hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam.

Bộ phim kể lại câu chuyện xoay quanh nhóm Ngựa hoang – nhóm bạn gái của một trường phổ thông tại Đà Lạt vào khoảng những năm 75. Sau khi học xong phổ thông, họ phải cùng gia đình chuyển đi nhiều nơi, bản thân cũng có những sự thay đổi đáng kể nên đã lạc mất nhau. Tình cờ trong một lần đi chăm mẹ ốm trong viện, Hiểu Phương (Hoàng Yến Chibi – Ngọc Ánh) đã tìm thấy đại ca Mỹ Dung (Hoàng Oanh – Thanh Hằng). Họ cùng ôn lại chuyện cũ và thèm muốn Ngựa hoang được gặp lại nhau. Thế nhưng cuộc đời trái ngang, Dung đại ca mắc bệnh ung thư.

Tháng Năm Rực Rỡ không ca ngợi nữ quyền nhưng là một bộ phim đặc sệt tính phụ nữ với số nhân vật nữ chính lên đến 12 người. Nhóm Ngựa Hoang từ tuổi thiếu nên đến lúc trưởng thành có đầy đủ những cá tính của con gái. Có lúc thất bại, lúc thành công, khi phải buông xuôi với cuộc đời nhưng hình ảnh của họ hiện lên vẫn nữ tính và kiên cường.

Xem Chàng Vợ Của Em, nhớ lại 5 bộ phim tràn ngập âm hưởng nữ quyền của điện ảnh Việt - Ảnh 8.

Nữ quyền, nữ chủ là một chủ đề không dễ nhưng lại rất hấp dẫn, nhất là trong thời đại mới. Những bộ phim mang đậm hơi thở phụ nữ cũng đều có doanh thu cao ở Việt Nam. Hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều hơn những bộ phim như thế này để làm đa dạng bức tranh điện ảnh Việt.