Shock trước "trào lưu" 10X bắt chước 1 cô gái chuyển giới quay clip để chửi nhau

Quỳnh Trân, Theo Mask Online 00:02 12/12/2014

Bắt nguồn từ phong trào quay các clip "chửi như hát hay" của một cô gái chuyển giới lên Youtube, các em học sinh lớp 5, 6 cũng "đáp trả" bằng những clip tự quay chỉ để... chửi nhau.

Gần đây, trên mạng xã hội Youtube liên tục xuất hiện những đoạn clip với tựa đề "Bê đê lớp 6 chửi bê đê L. (cô gái chuyển giới với các clip "chửi đời" gây sốt)", hoặc "4 bé gái "chửi như hát hay". Đáp lại những clip này, cô gái L. tung ra clip "L. nói về các em thiếu nhi chửi mình".

Chưa dừng lại ở đó, hàng loạt clip chửi nhau khác được các em tự quay lại với những lời lẽ vô cùng khó nghe. Không ai có thể tin nổi những gương mặt non choẹt với giọng nói trẻ con lại có thể thốt ra những câu từ phản cảm đến thế.
Có vẻ như kênh video trực tuyến lớn nhất thế giới này lại trở thành một nơi để các em nhỏ trong độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" thỏa thích chứng tỏ kỹ năng... chửi của mình với bạn bè.

Shock trước "trào lưu" 10X bắt chước 1 cô gái chuyển giới quay clip để chửi nhau 1
Một trong những clip các em 10X chửi cô gái chuyển giới khiến người xem phát hoảng. Không chỉ chửi miệng, các em còn thi nhau liếc xéo, nghiến răng, đưa tay chỉ trỏ như để dằn mặt cô gái kia - (Ảnh chụp màn hình).

Trước khi những đoạn clip kia xuất hiện, có lẽ nhiều người không còn xa lạ gì với cô gái chuyển giới tên L. Cô gái này luôn cho ra đời những clip chửi bới được giải thích là "chửi để bênh vực cộng đồng thế giới thứ 3". Lí do này ban đầu được nhiều người đồng giới lẫn dị giới ủng hộ vì họ nghĩ cô gái dám đứng ra bênh vực cộng đồng thế giới thứ 3 để yêu cầu sự bình đẳng giới trong xã hội. Thế như càng về sau, L. lại tiếp tục quay các clip chửi những vấn đề bức xúc trong xã hội, tiếp đến là những clip chửi thẳng một số cá nhân hoặc nhân vật đang nổi trội trong cộng đồng mạng như Yanbi, Lệ Rơi, Kenny Sang... với những lời lẽ thô tục.

Shock trước "trào lưu" 10X bắt chước 1 cô gái chuyển giới quay clip để chửi nhau 2
Cô gái chuyển giới tên L. thường xuyên đăng tải những đoạn clip chửi bậy của mình. Khi các em nhỏ làm clip chửi lại, cô cũng tiếp tục đáp trả.


Có lẽ vì học theo cách làm clip chửi để gây sốc như trên mà hàng loạt các em 10X cũng rủ nhau làm những clip tương tự. Có nhóm các em làm để chửi cô gái L., cũng có một nhóm làm chỉ để chửi một nhóm khác, các video clip chửi nhau liên tục được đăng tải trên Youtube khiến người xem phát hoảng.

Trong clip có tên "L. bị trẻ em chửi", 2 bé gái và 1 bé trai chưa đến 10 tuổi mở đầu đoạn clip với một tràng câu chửi và dùng các từ như khùng, điên, ác quỷ. Sau đó, một bé gái ở góc phải màn hình bắt đầu giới thiệu nội dung làm clip: "Chào các bạn, mình có nghe nói về bê đê L. nhưng mà mình không biết L. là cái gì nhưng mình thấy L. rất hay chửi những người trên mạng nên tụi mình làm clip này thay mặt những người trên mạng để... chửi L. lại".

Sau đó các bé này thay nhau gửi những lời nhắn nhủ đến cô gái chuyển giới L như: "Ra đường coi chừng bị chém chết đó nha!".

Shock trước "trào lưu" 10X bắt chước 1 cô gái chuyển giới quay clip để chửi nhau 3


Bên dưới, nhiều bình luận không đồng tình và cho rằng điều này sẽ làm hư hỏng một thế hệ trẻ.


Shock trước "trào lưu" 10X bắt chước 1 cô gái chuyển giới quay clip để chửi nhau 4
Những trận chửi nhau chưa bao giờ kết thúc trên kênh Youtube. Nhân vật chính lại là những cô cậu thiếu nhi mặt búng ra sữa như thế này.

Ăn theo trào lưu "chửi", các em liên tục tung ra những clip khác để chửi... bạn bè. Trong số đó, đoạn clip thu hút sự chú ý nhất của cư dân mạng được cho là của các bé trai đang học lớp 6 một trường THCS ở Rạch Giá, Kiên Giang gửi đến 4 người bạn có tên N.Quỳnh, B. Xấu, M. con, T. tung tăng.


Shock trước "trào lưu" 10X bắt chước 1 cô gái chuyển giới quay clip để chửi nhau 5
Kết thúc video clip, 3 bé trai gửi lời chào: "
Đây là clip cuối cùng của K,. Ốc B. Nam Đ. Chào tất cả các bạn".

Có thể thấy, trào lưu làm clip chửi để gây sốc chỉ nở rộ trong cộng đồng các bé 10X, những em đang cố tìm sự thu hút, những cái like ảo từ cộng đồng mạng và xem đó là thước đo của "cá tính", thành công và bước đệm để nhanh được nổi tiếng.

Khi đem các clip này để hỏi các học sinh hiện đang học lớp 7 trường THCS H. (Q.Bình Thạnh, TP. HCM), người viết nhận được lời giải thích... hết hồn từ các em: "Ở lớp, tụi em chưa thấy các bạn rủ nhau làm clip kiểu này, nhưng chuyện nhiều bạn lên các diễn đàn, mạng xã hội để viết các status chửi đời, chửi người thì nhiều lắm. Một số bạn cho rằng nói chuyện mà không lồng vào những câu chửi thì... không vui nên lên mạng xem hướng dẫn cách chửi nhau", một em có tên Q.A, cho biết.

Lần tìm theo hướng dẫn của các em, chúng tôi giật mình khi được các em gửi cho một đường link "Bí kíp chửi" với cách hướng dẫn chi tiết từng kiểu chửi nhau. Các kiểu được liệt kê ra như chửi thẳng (đem bộ phận cơ thể, bệnh tật chửi thẳng vào mặt đối phương), chửi chữ (
dùng các từ ngữ biểu cảm không để nhấn mạnh chửi khéo hoặc có thể dùng thơ, dùng đoạn văn, những câu tự chế đem ra mà chửi khéo)... và còn nhiều nhiều cách chửi khác được hướng dẫn cặn kẽ.

Phải chăng vì những bí kíp này được lan truyền vô tội vạ trên mạng mà một bộ phận trẻ em nhỏ tuổi đã bấu víu vào vì nghĩ đó là cái phao để đưa bản thân đến với cộng đồng, là cách để khẳng định mình?

Một bạn có tên H.A thì bình luận: "Hôm nay tình cờ vào đây xem các em nhỏ làm gì mà clip chửi nhau cứ ngập tràn Youtube, nghe được đến nửa clip thì hoảng quá bấm ngưng ngay. Không biết bố mẹ các em nghĩ sao khi nghe được những câu chửi bậy tục tĩu thế này từ miệng những đứa con còn trong tuổi ăn, tuổi học thế này".

Theo
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An ( Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam - Giám đốc chiến lược trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt) cho biết, lứa tuổi vị thành niên luôn là lứa tuổi có nhiều biến động về tâm sinh lý. Đáng chú ý là khả năng “ức chế” của “thần kinh” rất thấp mà khả năng “hưng phấn” lại rất cao nên khi bị kích động, teen dễ có những hành động bộc phát bất ngờ nhằm thỏa mãn cảm xúc của mình. Khi ai đó đúng chạm đến cái tôi của teen, thì nhu cầu tự khẳng định lại trỗi dậy một cách cao độ nhằm chứng tỏ “mình đã lớn”, mình cũng “có quyền”  và mình cần được “tôn trọng”, các bạn sẵn sàng ăn miếng trả miếng đến cùng để bảo vệ quan điểm của mình.

Shock trước "trào lưu" 10X bắt chước 1 cô gái chuyển giới quay clip để chửi nhau 6
Theo Thạc sĩ Đào Lê Hòa An, nhà trường, đoàn thể cần tổ chức nhiều sân chơi, hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn thu hút giới trẻ nhiều hơn nữa. Đặc biệt là phải xuất phát từ “gốc” là phát triển và hoàn thiện từ chính bản thân, gia đình rồi mới đến xã hội - (Ảnh: Nam Black).


Ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ vẫn còn vô tư tin rằng “thế giới ảo” là “ảo” nên sẽ khó thể tác động được cuộc sống thật của bản thân. Giao tiếp qua mạng không chịu sự chi phối, chế ước hoặc những ràng buộc của những quy tắc ứng xử ngay trực tiếp nên rất dễ xảy tình trạng sự việc nào không vừa lòng số đông là sẽ bị “ném đá hội đồng” với những lời lẽ thiếu văn hóa hoặc những ngôn từ thiếu sự chuẩn mực. Điều nay vô hình trung cũng tố cáo chính chủ nhân anh hùng bàn phím về nền tảng văn hóa của chính mình.

Thạc sĩ Hòa An cũng cho biết việc quay clip gây sốc như các em kể trên đã thể hiện nhu cầu bức thiết của mỗi con người: Nhu cầu được giao lưu, chia sẻ, đồng cảm, khích lệ. "Việc dùng những lời lẽ nhục mạ, thiếu văn hóa chứng tỏ những các em ấy có một “nền tảng” văn hóa quá yếu kém. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận nhân cách và hành vi của con người được hình thành và phát triển thông qua 2 yếu tố rất quan trọng đó chính là môi trường sống (đóng vai trò là điều kiện) và yếu tố giáo dục (đóng vai trò chủ đạo) mà đặc biệt là từ gia đình và nhà trường."

"Có thể ngay bây giờ, các em thấy được rằng những đoạn clip này chưa ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mình, nhưng trong tương lai, những hình ảnh, lời nói này vẫn sẽ còn được lưu giữ, lúc này, chính nó sẽ là những “bằng chứng” khiến các em gặp bất lợi trong công việc và hình ảnh của mình với những người xung quanh"- Thạc sĩ nhận định - "Bên cạnh đó quý phụ huynh cũng cần rút ra một bài học lớn trong việc giáo dục con cái ngay từ “thuở lên ba” và đặc biệt cần dành nhiều thời gian hơn để quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của con trẻ. Khi  trẻ có thói quen chia sẻ tất tần tật với ba mẹ, người thân và được “lắng nghe”, định hướng, chia sẻ, tôi tin chắc sẽ không có hiện tượng này xảy ra".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày