Cách đây gần 5 năm, Yên Trung còn là một xã nghèo điển hình của tỉnh Hòa Bình. Từ nằm 2008, xã Yên Trung được sát nhập về huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nơi đây được nhắc tới với hai cái nhất: Nghèo nhất và xa nhất của Thủ đô.
Vượt qua quãng đường gần 50km, chúng tôi đến với Yên Trung sau gần 5 năm được sát nhập về Hà Nội. Những con đường trong xã Yên Trung 4 năm trước còn gồ ghề sống trâu, bùn đất khó đi, nay hầu hết đã được bê tông hóa khang trang, những em học sinh dân tộc Mường không còn co ro trong lớp học tạm bợ… đó là những hình ảnh dễ nhận thấy về sự phát triển của Yên Trung hiện nay.
Xã Yên Trung khởi sắc hơn sau gần 5 năm sát nhập
về Hà Nội, với những cánh đồng lúa xanh tốt.
Đặc biệt, hơn 80% dân số ở xã Yên Trung là dân tộc Mường, đời sống của bà con đang gặp nhiều khó khăn. Người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, không có nghề phụ. Người dân phải bươn chải thêm bằng việc đi chặt củi bán, hoặc đi chặt thuê cho những người có nhu cầu. Năm 2008 Yên Trung trở thành đất Thủ đô, thì một tháng sau điện lưới được kéo về cho bà con trong xã. Ai nấy đều vui mừng vì có điện thắp sáng và sinh hoạt. Trước đó, gia đình nào khấm khá thì chung nhau đầu tư cái tuabin sản xuất điện từ suối. Gia đình nào không có thì thắp dầu. Nhờ ngày được sát nhập vào Hà Nội, bà con được kéo điện lưới đến tận từng hộ gia đình.
Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước, chính quyền địa phương, đời sống của bà con xã Yên Trung ngày một được nâng cao. Không còn cảnh đói nghèo như nhiều năm về trước. Người dân nơi đây đã vươn lên trong đói nghèo, từng bước đưa mô hình chăn nuôi lợn vào thực hiện để cải thiện đời sống. Việc sản xuất lúa cũng thuận lợi hơn khi được đầu tư về thủy lợi. Những cánh đồng lúa xanh mơn mởn báo hiệu một mùa bội thu cho người dân nơi đây.
Hai thôn Hương và thôn Hội thuộc xã Yên Trung là những nơi xa nhất của Thủ đô. Vượt qua dãy núi bao bọc lấy hai thôn là đến đất Kỳ Sơn của Hòa Bình. Là nơi nghèo nhất, xa nhất Thủ đô nhưng không phải vì thế mà không khí ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 lại kém phần sôi nổi. Chúng tôi có dịp ghé thăm thôn Hương và thôn Hội trong ngày mùng 8/3. Đặt chân đến đầu xã, các hoạt động kỉ niệm ngày 8/3 được tổ chức rầm rộ với sự tham gia của đông đảo người dân.
Rất nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ được tổ chức. Tại nhà văn hóa của thôn Hội, các chị em phụ nữ đang tham gia thi đấu bóng chuyền, kéo co, ném còn. Anh Nguyễn Văn Phú - trưởng thôn Hội cho biết, đây là những hoạt động vui chơi được tổ chức cho chị em nhân ngày Quốc tế phụ nữ. Còn cánh đàn ông đang cùng nhau mổ lợn, chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc Mường để thiết đãi chị em trong ngày vui 8/3.
Trong muôn vàn khó khăn của cuộc sống, người dân ở vùng "Thâm sơn cùng cốc" của Thủ đô vẫn đoàn kết để mang lại những tiếng cười trong cuộc sống. Điều đó làm chúng tôi vững tin hơn về một sức sống mới cho vùng đất nơi đây.
Cùng theo dõi ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 ở nơi nghèo nhất và xa nhất Thủ đô:
Chi hội phụ nữ thôn Hương tổ chức thi gói bánh ốc trong ngày Quốc tế Phụ nữ
Rất nhiều chị em hăng hái tham gia. Chi hội sẽ chia làm 3 đội dự thị.
Các đội đều cố gắng để hoàn thành phần thi của mình sớm nhất
Bánh ốc là món ăn truyền thống của đồng bào
dân tộc Mường tại xã Yên Trung
Niềm vui vủa những người phụ nữ ở nơi
xa nhất, nghèo nhất Thủ đô trong ngày của mình
Đội dành chiến thắng sẽ nhận phần thưởng là 50.000 đồng
Thôn Hương có hơn 40 chị em phụ nữ. Thôn Hương là
thôn khó khăn nhất của xã Yên Trung, nhưng tất cả chị
em phụ nữ đều hăng hái tham gia các hoạt động của chi hội
Chi hội phụ nữ thôn Hội lại rộn ràng với các màn thi đấu bóng chuyền
Tất cả thành viên của chi hội phụ nữ đều tham gia
Trong khi đó, cánh đàn ông đang ở nhà mổ lợn, chuẩn bị các món ăn để thiết đãi chị em trong ngày Quốc tế phụ nữ. Mỗi người một việc từ mổ lợn, nướng thịt, luộc thịt...khiến không khí ngày 8/3 nơi đây càng thêm náo nhiệt.
Thôn Hương mổ lợn tại nhà trưởng thôn
Cánh đàn ông tỏ ra rất đảm đang để chuẩn bị các món ăn cho chị em
Mỗi người một việc
Thịt lợn nướng là món ăn quen thuộc của ngươi dân nơi đây
Không khí rộn ràng tại thôn Hương, xã Yên Trung, Thạch Thất, Hà Nội.