Tuổi thơ cay đắng
Sinh ra trong một gia đình có 5 người con, Bùi Văn Nguyện (người dân tộc Mường, sinh năm 1979, quê ở xóm Tre Thị, xã Trung Bì, Kim Bôi, Hòa Bình) vốn khỏe mạnh, nhưng số phận đã không mỉm cười với anh khi đến năm 18 tuổi, anh bị liệt sau một trận ốm nằm giường hàng tháng trời.
Đến bệnh viện, các bác sĩ kết luận anh bị thoái hoá xương sống. Các bác sĩ đều nói, nếu có tiền thì bệnh của anh có thể phẫu thuật được và giảm bớt đau đớn hàng ngày. Nhưng khổ nỗi, gia đình anh lại quá nghèo…
Dáng đi nhọc nhằn của anh Nguyện.
Gặp chúng tôi, lúc đầu chàng trai có vẻ ngại ngùng, nhưng sau ít phút làm quen, anh mới dần cởi mở tiếp chuyện. Anh Nguyện cho hay: "Cách đây 3 năm, nghe lời giới thiệu của người bạn cùng xóm, tôi khăn gói hành lý xuống Thạch Thất (Hà Nội) xin việc. Nói là “xin việc” chứ tôi cũng không tự tin lắm. Bởi khuyết tật, chẳng có sức khỏe, lại không có nghề trong tay thì ai dám nhận".
“Thật may mắn làm sao, tôi được nhận vào trung tâm nhân đạo Minh Tâm (ở Thạch Thất) và được các cô chú ở đây dạy cho nghề may. Những ngày học việc, không ít lần kim đâm tóe máu tay nhưng tôi vẫn không nản chí. Dù đôi chân đau nhói vì đạp máy khâu nhưng tôi luôn cố gắng vì mình thấy mình đang sống có ích”, anh Nguyện chia sẻ.
Kể từ khi làm việc ở đây, cuộc đời anh như sang trang mới, anh có động lực vượt qua mọi mặc cảm và thấy mình sống có ý nghĩa hơn.
Gia đình anh Nguyện sinh sống ở một xã miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn. Đáng thương hơn, cha anh cũng là người khuyết tật vì bị teo một bên chân, mẹ anh lúc còn sống cũng bị gù.
Anh Nguyện phải tự lo cho cuộc sống hàng ngày. Người em út bị viêm khớp nhưng vẫn đi được nên khi không bị đau có thể đi chăn bò, cấy lúa phụ giúp cha; em thứ hai thì cũng bị bệnh và gù giống anh. Cả gia đình anh ai cũng bị bệnh nhưng lại không có tiền để chạy chữa.
Trước đây, cả gia đình anh sống trong ngôi nhà lá rách nát. Cách đây mấy năm, gia đình mới được nhà nước hỗ trợ xây cho căn nhà cấp bốn để tránh mưa nắng.
Bản thân anh khi biết mình bị trọng bệnh, mọi mơ ước như sụp đổ. Nhà nghèo, không có tiền để phẫu thuật, anh chỉ biết trông chờ vào phép nhiệm màu đến từ những thang thuốc Nam. Thế nhưng bệnh tình của anh mãi không thuyên giảm. Hàng tháng trời, anh nằm trên giường bệnh và ít giao tiếp với mọi người, kể cả những người thân trong gia đình.
“Nghĩ mình không thể cứ nằm một chỗ làm khổ cha mẹ, tôi quyết tâm tập đi. Tôi tự bám tường, chống gậy lần từng bước nhỏ mặc cơn đau từ tấm lưng cứ dồn dập đổ xuống. Dần dần, tôi đi lại được và có thể làm những việc nhẹ trong gia đình”, anh Nguyện kể.
Nỗi lo cái nghèo đeo đẳng mãi
Nói về mơ ước của mình, anh Nguyện tâm sự: "Mỗi đêm nằm ngủ, tôi đều mơ ước kiếm được nhiều tiền để gửi về quê chữa bệnh cho các em ở nhà. Khi còn ở trung tâm, thu nhập hàng tháng của tôi là 1,5 triệu đồng thì gửi về cho gia đình 1 triệu, còn tôi giữ lại 500.000 đồng để phòng khi cần đến. Tiền ăn ở đã không mất nên khéo tiêu thì lại tiết kiệm được".
Nghe anh tâm sự, chúng tôi không khỏi cảm thấy nghẹn ngào. Dù rằng bản thân cũng đang mắc bệnh, mỗi khi trái gió trở trời lại phải chịu đựng những cơn đau buốt dọc sống lưng nhưng anh vẫn nghĩ đến những đứa em ở quê nhà.
Anh Nguyện vẫn luôn tin vào cuộc sống, vẫn từng ngày làm việc hăng say để đón nhận những điều tốt đẹp đang tới…
“Ước mong là vậy, nhưng tôi nghĩ là khó lắm vì tiền kiếm được chỉ đủ lo ăn uống cho gia đình. Cuộc sống của cả nhà dựa vào tôi, công việc của mọi người bữa được bữa không. Cả gia sản chỉ có một con bò và mấy sào ruộng thì bao giờ mới hết nghèo?”, anh Nguyện thở dài nói.
Cuộc sống khó khăn, lại mặc cảm về ngoại hình, anh Nguyện không ngờ sẽ có ngày hạnh phúc tình yêu mỉm cười với mình. Cuối năm 2012, anh bắt đầu cảm mến cô gái tên Hương, sinh năm 1988 (người Thạch Thất) ở bên xưởng mây tre đan. Dù rất muốn làm quen nhưng anh không dám đến bắt chuyện vì sợ bị từ chối. Điện thoại có trong tay nhưng không biết chữ vì nhà nghèo phải nghỉ học từ năm lớp 2 nên anh cũng chẳng thể nhắn tin.
Sau nhiều đêm trằn trọc, anh mới nghĩ ra cách nhờ cô giáo bên xưởng mây tre đan bắt mối làm quen. Mới đầu thì cô ấy cũng nhút nhát, nên anh phải nhờ cô giáo tác động. Dù chỉ ở cách nhau vài dãy phòng nhưng cả hai chỉ dám nói chuyện qua điện thoại. Cũng là người cùng cảnh ngộ nên Hương cảm thông và chia sẻ với anh rất nhiều.
Công việc hàng ngày của anh Nguyện (ảnh nhân vật cung cấp, chụp từ tháng 3/2013). Cảm mến chàng trai nghèo miền núi và sự chân thành trong từng lời nói, càng ngày Hương càng yêu anh. Khi tình cảm đã chín muồi, Hương dẫn anh về nhà để thưa chuyện thì bị cha mẹ phản đối. Dù rất thương Hương và mong muốn đem lại một cuộc sống hạnh phúc cho người bạn gái nhưng anh đành ngậm ngùi chia tay người yêu vì cả hai không vượt qua được rào cản từ phía gia đình. Anh chua chát nói: “Có lẽ hạnh phúc không bao giờ mỉm cười với mình!”.
Hiện tại, anh Nguyện đang làm việc tại một cơ sở may tư nhân ở Thường Tín (Hà Nội). Số tiền lương anh Nguyện được trả hàng tháng không cao nhưng anh vẫn chắt chiu từng đồng để gửi về nuôi gia đình. Một mình cô độc trên đường đời, đôi lúc ngẫm lại những chuyện đã qua, anh Nguyện vẫn thấy đau nhói trong lòng. Nhưng hơn tất cả, anh vẫn luôn tin vào cuộc sống, vẫn từng ngày làm việc hăng say để đón nhận những điều tốt đẹp đang tới…
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ theo số điện thoại của anh Nguyện: 0166 964 1011
Hoặc địa chỉ anh Bùi Văn Nguyện: xóm Tre Thị, xã Trung Bì, Kim Bôi, Hòa Bình.